Cảnh giác với thủ đoạn hỗ trợ làm visa nhằm chiếm đoạt tài sản của người lao động

Chủ Nhật, 03/12/2023, 08:13

Nhu cầu của người lao động trong giải quyết các thủ tục pháp lý, hoạt động đào tạo hướng nghiệp… về xuất khẩu lao động đang tăng cao. Trong lĩnh vực này, người lao động cần cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng  tinh vi, đặc biệt là thủ đoạn hỗ trợ làm visa.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có 752 người được đưa đi lao động ở nước ngoài (chủ yếu ở các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Saudi Arabia và UAE). Với mức thu nhập tương đối tốt, đời sống của các gia đình có con em đi lao động ở nước ngoài được cải thiện đáng kể so với thu nhập của việc làm tương tự tại địa phương.

canh giac (4).jpg -0
Cơ quan điều tra Công an huyện Ia Pa (Gia Lai) lấy lời khai đối tượng chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn hỗ trợ làm visa.

Một số nước đã ban hành nhiều chính sách thu hút nguồn lao động giá rẻ của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Điển hình như Nhật Bản, trước đây, thời hạn hợp đồng lao động ở thị trường này là 3 năm, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, với những lao động có kỹ năng, tay nghề, visa làm việc có thể được gia hạn từ đến 5 đến 7 năm. Trong thời gian 5 năm, người lao động không vi phạm các quy định sẽ được cấp visa vĩnh trú, làm việc lâu dài ở nước này.

Hàn Quốc đã có nhiều chủ trương mới mở rộng tiếp nhận các ngành nghề (kỹ thuật, điều dưỡng, công nghệ thông tin, nhà hàng - khách sạn, du lịch...), đồng thời mở rộng tiếp nhận lao động thời vụ, lao động kỹ thuật lành nghề, tạo cơ hội cho người có kinh nghiệm quay trở lại sau khi hết hạn hợp đồng, lương và các chế độ đãi ngộ được tăng cao. Đặc biệt, trong năm 2023, phía Hàn Quốc đã cấp chỉ tiêu gấp 5 lần cho lao động Việt Nam theo chương trình EPS năm 2022. Qua đó đã thúc đẩy, kích cầu thị trường xuất khẩu lao động trên cả nước nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng.

Lợi dụng nhu cầu làm visa tăng cao, các loại tội phạm đã lợi dụng chiếm đoạt tài sản của người lao động bằng nhiều thủ đoạn. Đầu tiên, đối tượng tạo các tên trang website, facebook nhái các công ty xuất khẩu lao động có uy tín; thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh đưa tiễn người lao động ở sân bay, ảnh chụp visa của các nước tiếp nhận được cấp,… khiến nhiều người lao động cả tin, mất cảnh giác. Chúng đưa ra các chương trình ưu đãi với chi phí làm visa thấp, thậm chí chỉ bằng một nửa so với các công ty xuất khẩu lao động chính ngạch, yêu cầu người lao động phải đặt cọc chi phí trong thời gian ngắn.

Với tâm lý “ham rẻ”, nhiều người lao động đã chuyển khoản để được ưu đãi, qua đó, chúng dễ dàng chiếm đoạt tiền đặt cọc của người lao động. Khi người lao động chuyển tiền, các đối tượng cung cấp bản chụp phiếu biên nhận, bản hợp đồng có đóng dấu của công ty để người lao động tiếp tục đóng các khoản phí khác. Sau khi nhận đủ tiền các đối tượng sẽ tìm cách chặn tài khoản, số điện thoại người lao động.

Tinh vi hơn, các đối tượng còn tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội về xuất khẩu lao động để tìm kiếm các “con mồi” có nhu cầu làm visa. Chúng đánh vào tâm lý, nhu cầu của người lao động về việc làm, gia hạn visa đơn giản, nhanh chóng, không cần tốn nhiều thời gian, để tiến hành câu nhử, tiếp cận các “con mồi”. Chúng còn sử dụng nhiều tài khoản ảo để tạo tương tác uy tín, nhắn tin cho người lao động để củng cố niềm tin về chất lượng dịch vụ hỗ trợ làm visa; thậm chí còn “gạ” cho người lao động mượn tiền để làm thủ tục. Bằng thủ đoạn này, các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt của những người nhẹ dạ, cả tin số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tháng 10/2023, cơ quan chức năng đã nhận đơn trình báo của chị N.T.N.T (SN 2001, nguyên quán tại huyện Krông Pa, Gia Lai, hiện đang xuất khẩu lao động tại Nhật Bản) vì có nhu cầu ở lại Nhật Bản thêm thời gian nên đã đăng tải lên hội nhóm facebook “Cộng đồng du học Việt Nhật” để tìm người làm thủ tục xin cấp visa. Một đối tượng lạ mặt sử dụng mạng xã hội liên hệ với chị T rồi lừa đảo chiếm đoạt 272 triệu đồng. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ia Pa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giữ đối tượng nêu trên để tiếp tục làm rõ.

Để tránh bị lừa đảo, người lao động tuyệt đối không tin vào các thông tin mời chào, hứa hẹn hỗ trợ làm visa trên các website, trang facebook, zalo không chính thống. Khi có nhu cầu làm visa lao động cần đăng ký tại các địa chỉ uy tín thông qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh; nếu qua doanh nghiệp dịch vụ thì phải được cấp giấy phép tại Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. (tra cứu doanh nghiệp qua trang website www.dolab.gov.vn)

Trong trường hợp người lao động cần tư vấn, cung cấp thêm thông tin hoặc phản ánh thông tin về các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo làm visa, đề nghị liên hệ cơ quan Công an gần nhất hoặc Công an tỉnh Gia Lai theo số điện thoại 0269 3823903, địa chỉ tại số 267A Trần Phú, phường Diên Hồng, TP Pleiku, Gia Lai.

Nguyễn Nam – Bảo Hân
.
.