Lương tri “bị hỏng” sau lớp… nhựa đường

Thứ Ba, 24/10/2023, 08:12

TAND TP Hà Nội đang xét xử vụ án liên quan đến dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2), dự kiến đến 27/10 tới, sẽ tuyên án. Dư luận những ngày qua rất quan tâm đến diễn biến tại phiên xét xử, nhất là trách nhiệm bồi thường 460 tỷ đồng thuộc về ai?

Một trong những sai phạm được chỉ ra, đó là chỉ trong 140km đường cao tốc này, có 550 điểm bong tróc, tức cứ 254m có một chỗ hỏng. Có một điều ai cũng nhìn nhận rằng, đó là đường hỏng thì sửa, sửa không đúng kỹ thuật lại tiếp tục hỏng… Và cứ như thế, sẽ chẳng bao giờ có được con đường chất lượng, nhất là khi “lương tri” con người bị “hỏng”.

Các bị cáo liên quan đến dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi rồi sẽ nhận mức án tương xứng với tội do mình gây ra. Thế nhưng hậu quả mà họ để lại khiến người dân sợ hãi. Nào là nền đường lẫn nhiều đá không được loại bỏ, vật liệu thi công không phù hợp chất lượng, kích cỡ, đá dăm gia cố lớp xi măng bị nứt dọc, nứt ngang; một số phân đoạn bê tông nhựa, đá dăm không đạt yêu cầu kỹ thuật, lớp đất đắp không đạt độ chặt, không đạt độ dày...

2.jpg -0

Và không thể không nói đến con số thiệt hại cho ngân sách Nhà nước mà cơ quan chức năng thống kê từ “con đường 34.000 tỉ đồng” khi đó là hơn 1.200 tỉ đồng, cụ thể: Giai đoạn 1 (dài 65km, từ TP Đà Nẵng đến TP Tam Kỳ) là 811 tỉ đồng. Giai đoạn 2 (dài hơn 74km, từ TP Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi) là 460 tỉ đồng.

Sự việc “nóng” trở lại khi mới đây, vào chiều 16/10, sau khi kết thúc phần công bố cáo trạng, HĐXX tiến hành thẩm vấn đối với các bị cáo trong vụ án liên quan đến sai phạm tại giai đoạn 2 tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Bị cáo Trần Văn Tám, cựu Tổng Giám đốc VEC - người bị truy tố tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, với cáo buộc là người trực tiếp phụ trách dự án kiêm Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu cơ sở. Ông cho rằng: “Chỉ đánh giá khối lượng hoàn thành cơ bản theo thiết kế chứ không đánh giá chất lượng”.

Nghe xong, có thể nhiều người ngỡ ngàng vì sự tắc trách này. Thế nhưng, câu chuyện về chất lượng đường xấu tương tự như thảm nhựa không đúng chuẩn kỹ thuật, thảm nhựa vào trời mưa... không phải chuyện mới, mà nó như “chuyện thường ngày ở huyện”.

Nói đâu xa, hôm 13/10 rồi, Công ty TNHH MTV An Nhất Sinh (Thanh Hóa) tiến hành thảm bê tông nhựa trên tuyến quốc lộ 15D (Quảng Trị) vào lúc trời mưa, đã bị dư luận lên án, cơ quan chức năng “tuýt còi”. Trước đó, ngày 29/9/2023, trước sức ép dư luận, một đơn vị thi công đã phải bóc lớp nhựa cũ được thảm lúc trời mưa để thảm nhựa mới ở đoạn tuyến tránh quốc lộ 1 qua thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ (Bình Định).

Điểm chung của các dự án giao thông cẩu thả về quy trình, quy chuẩn… trong thi công này là để lại hậu quả rất nhanh: Đường bị bong tróc, lượn sóng, chi chít những “ổ gà, ổ voi”... ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông, gây ám ảnh, bức xúc trong dư luận.

Khách quan mà nói, hệ thống giao thông trên tất cả tỉnh, thành cả nước khá phức tạp và mỗi tuyến đường có chất lượng và tuổi thọ khác nhau, cần phải được sự quản lý, kiểm tra giám sát thường xuyên và chặt chẽ của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Ấy thế mà sự tắc trách vẫn cứ xảy ra ở một số nơi và hiển nhiên xuất hiện trước công luận.

 Liên quan đến việc thảm nhựa đường không đúng kỹ thuật, không đảm bảo chất lượng, có một vị trưởng ban quản lý các công trình xây dựng ở một địa phương (thuộc một tỉnh miền Trung) từng nói một cách rất thản nhiên rằng: “Làm thảm lo nhất là mưa, nhưng mưa như thế chẳng làm gì cả mà phải bận tâm. Nước mưa như thế mà gặp nhiệt độ cao thì nó bốc hơi đi chứ có chi mô”.

Vâng! “Không có chi mô”, nhưng chúng ta thử lắng lòng nghĩ xem thời điểm này cả nước nói chung và miền Trung nói riêng đang vào mùa mưa bão. Những trận mưa lớn kéo dài, lũ ống lũ quét sẽ thường xuyên xảy ra và một khi chất lượng đường thảm không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng thì sẽ dễ phát sinh hư hỏng, gây mất an toàn giao thông cho người và xe cộ, nhất là vào đêm tối. Điều này có đáng lo ngại?

Hơn nữa, những cái “ổ gà, ổ voi” kia rất có thể cướp đi tính mạng của một người khi tham gia giao thông. Thật không có gì đau đớn hơn khi ai đó bị tổn thất tính mạng, sức khỏe chỉ vì tai nạn giao thông, mà trong những hằng hà sa số nguyên nhân gây tai họa là do chất lượng mặt đường xuống cấp.

Vấn đề đặt ra là: Vì sao nhiều đơn vị nhà thầu biết sai vẫn cố tình thi công sai quy trình, bất chấp sự phản đối của người dân? Chất lượng công trình xuống cấp có thể đòi hỏi trách nhiệm từ cá nhân/tập thể không? Cơ quan, tổ chức nào sẽ bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người bị tai nạn khi “gặp xui” vấp phải những “ổ gà, ổ voi”? Hay là chúng ta đã “chai sạn” vì những điều nó cứ lặp lại như cơm bữa nên không còn coi đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, giám sát, thi công, kiểm định... công trình?

Để giảm thiểu những hư hỏng có thể dẫn đến tai nạn, trước, trong mùa mưa lũ, cần phải đi tới được kết luận, ai là người sẽ phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm cụ thể như thế nào cho những cung đường kém chất lượng, đầy những “ổ gà, ổ voi”? Từ đó xử lý nghiêm để làm bài học cho những sự tắc trách này. Chí ít, cũng giải được bài toán trách nhiệm!

Có điều, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được con đường chất lượng khi “lương tri” con người bị “hỏng” trước những tấm thảm nhựa đường. Để rồi, “bầu sữa” ngân sách lại thêm phần gánh nặng, trong bối cảnh những người điều hành ngân sách được ví von “như đi trên dây” trong những năm qua.

Sông Hàn
.
.