CHDCND Triều Tiên được mời đến dự Olympic Mùa đông 2018 như thế nào?

Thứ Năm, 01/03/2018, 13:34
Olympic Mùa đông 2018 đã chính thức bế mạc vào tối 25-2, kết thúc một kỳ Olympic thành công nhất do Hàn Quốc tổ chức.

Đằng sau thành công này là những nỗ lực kiên trì của các quan chức Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Hàn Quốc trong việc vận động, mời gọi CHDCND Triều Tiên tham gia nhằm xóa tan nguy cơ đối đầu chính trị, quân sự trong thời gian diễn ra sự kiện, đảm bảo cho sự kiện diễn ra môt cách suôn sẻ, không có bất kỳ sự cố nào như từng xảy ra trong quá khứ.

Việc nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un quyết định ngay vào những ngày đầu năm mới 2018 cử đoàn đại biểu và vận động viên tham dự kỳ Olympic Mùa đông 2018 tại tỉnh Pyeongchang vừa qua là một thành công lớn của các nhà tổ chức Olympic Mùa đông 2018.

Bà Kim Yo-jong tại lễ khai mạc Olympic Mùa đông 2018.

Trước đó, để hỗ trợ thêm cho các nhà tổ chức Olympic, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tuyên bố trên truyền hình quốc gia vào cuối tháng 12-2017 rằng ông “ủng hộ hoãn tập trận chung thường niên với Mỹ”, tiếp sau đó là việc hoàn tập trận chung - một tín hiệu hòa hoãn rõ ràng được phát đi từ Seoul hướng đến Bình Nhưỡng. Và sau đó là một sự kiện chưa từng có đã diễn ra: CHDCND Triều Tiên cử một đoàn đại biểu đông đảo gồm quan chức, vận động viên và các hoạt náo viên đến Hàn Quốc dự lễ khai mạc Olympic.

Điều đặc biệt nhất trong dịp này là em gái ông Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong cũng đã có mặt trên khán đài dự lễ khai mạc cùng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.

Trước lễ khai mạc Olympic, không khí trên Bán đảo Triều Tiên nóng hừng hực, với việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo (ICBM), và sau đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump lớn tiếng tuyên bố sẽ đáp trả bằng “lửa và thịnh nộ” (fire and fury) khiến nguy cơ chiến tranh tăng cao.

Các nhà tổ chức Olympic lo lắng, trong khi thời gian tổ chức sự kiện đã đến gần, cả IOC và Hàn Quốc đều quyết định không chuyển địa điểm tổ chức, càng không thể hủy bỏ kỳ Olympic này. Tất cả phải nỗ lực tối đa để loại bỏ nguy cơ xảy ra sự cố.

Chủ tịch IOC Thomas Bach cùng các nhà tổ chức Olympic Mùa đông tin rằng, hy vọng tốt nhất của họ chính là thuyết phục CHDCND Triều Tiên tham gia. Nếu Triều Tiên chịu đến với Olympic, nhiều khả năng nước này sẽ hết sức kiềm chế và tạm thời không tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa nữa.

Một số người, trong đó có cả Tổng thống Moon Jae-in, tin rằng Olympic Mùa đông có thể trở thành khởi đầu cho một tiến trình đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân. Dẫn điển tích Olympic giúp hòa giải hận thù trong lịch sử Hy Lạp cổ, Bach gọi kỳ Olympic này là “Thế vận hội vì hòa bình”.

Nhưng làm thế nào để thuyết phục Triều Tiên tham gia Olympic lại là một bài toán ngoại giao hóc búa, nhất là trong lúc căng thẳng Mỹ-Triều đang ở mức cao. Các nhà tổ chức và cả những người quan tâm đến sự thành bại của kỳ Olympic Mùa đông 2018 đang đối mặt những khó khăn không kém gì những nhà đàm phán giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Chẳng ai biết được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn gì cho đến khi “đáp án” được công bố.

Dù từng thất bại trong cuộc đua giành quyền đăng cai Olympic Mùa đông 2018 (năm 2011, ông Bach là Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia Đức tranh quyền đăng cai cho thành phố Munich, nhưng quyền đăng cai đã thuộc về thành phố Pyeongchang), nhưng hiện tại Bach có trách nhiệm bảo đảm thành công cho Olympic Mùa đông tại Hàn Quốc.

Đã từng có một số sự cố xảy ra trong các sự kiện thể thao lớn của thế giới tổ chức tại Hàn Quốc, như: Olympic Mùa hè 1988 tại Seoul, Triều Tiên tẩy chay, đồng thời một máy bay dân dụng của Hàn Quốc bị đánh bom làm 115 người chết; đến kỳ World Cup 2002, vài giờ trước khi đội tuyển bóng đá quốc gia Hàn Quốc đá trận tranh hạng 3, một tàu tuần dương nước này bị đánh chìm trong vùng biển tranh chấp với Triều Tiên. Những sự cố đó khiến ông Bach càng cố gắng tìm cách thuyết phục Triều Tiên tham gia.

Tại Olympic Mùa hè 2016 tại Rio De Janeiro (Brazil), Bach tiếp xúc các quan chức CHDCND Triều Tiên và đưa ra bản tóm lược các hỗ trợ về tài chính và vận chuyển, đi lại để đưa các vận động viên Triều Tiên đến Pyeongchang mà không lo vi phạm các điều khoản cấm vận của LHQ.

Đến tháng 2-2017, IOC gửi cho CHDCND Triều Tiên thư mời chính thức, trong đó đề nghị hỗ trợ chi phí đi lại và ăn nghỉ cho vận động viên Triều Tiên, đồng thời “du di” một số tiêu chuẩn để họ đủ tư cách tham dự. Nhưng phía Triều Tiên khước từ. Thế là ông Bach tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía Hàn Quốc.

Ông đã gặp gỡ Tổng thống Park Geun-hye (tiền nhiệm của ông Moon Jae-in) ít nhất 3 lần, nhưng bà Park là người bảo thủ, theo đường lối cứng rắn với Triều Tiên, vì thế mọi cố gắng của Bach chẳng mang lại kết quả gì.

Thế rồi, vụ bê bối tham nhũng liên quan đến bà Park và người bạn thân của bà khiến đất nước Hàn Quốc chìm trong “bão” biểu tình phản đối của người dân, với kết quả sau cùng là bà Park bị luận tội và phế truất ghế tổng thống. Trong lúc Hàn Quốc tê liệt vì bê bối, Bach quay sang tìm sự hỗ trợ từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Vào tháng 1-2017, Bach đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình tại trụ sở IOC ở thành phố Luasanne, Thụy Sĩ. Chủ tịch Tập đã ghi nhận, tỏ ra sẵn sàng giúp ông Bach và trong bữa ăn trưa hôm đó đã tóm tắt cho ông Bach thông tin về tình hình quan hệ các nước trong khu vực với Triều Tiên. Nhưng, Chủ tịch Tập đưa ra một thông điệp: Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên là có giới hạn.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại lễ khai mạc Olympic Mùa đông 2018.

Tháng 6-2017, Bach chuyển sang cầu sự giúp đỡ của Washington, gặp Tổng thống Trump tại Nhà Trắng. Nhưng cuộc gặp đã không mang lại kết quả cụ thể nào. Đến ngày 4-7-2017, khi ông Bach đang đi Bắc Kinh và Seoul, một biến cố bất ngờ xảy ra: Triều Tiên bắn thử quả tên lửa ICBM đầu tiên có khả năng bay xa đến bang Alaska của Mỹ.

Vụ bắn thử tên lửa như một cú đấm vào hy vọng hàn gắn quan hệ liên Triều của Tổng thống Moon Jae-in. Ông Moon xem kỳ Olympic Mùa đông 2018 là cơ hội tốt nhất để giải tỏa căng thẳng với CHDCND Triều Tiên, vì thế ông đã dành những tuần lễ đầu lên nắm quyền để tiếp đón đoàn vận động viên Taekwondo Triều Tiên sang thi đấu giải giao hữu tại thành phố Muju.

Ngay cả sau vụ bắn thử tên lửa ICBM, ông Moon vẫn chìa nhành ô liu, mượn bài phát biểu tại Berlin để tiếp tục đưa ra lời mời gọi CHDCND Triều Tiên tham gia Olympic Mùa đông. Nhưng, chỉ trong tháng 7-2017 Triều Tiên tiếp tục bắn quả tên lửa ICBM thứ hai có khả năng bay xa đến bang California. Một tuần sau, Tổng thống Mỹ Trump phản pháo với tuyên bố sẽ đáp trả Triều Tiên bằng “lửa và cuồng nộ” nếu Triều Tiên gây nguy hiểm cho Mỹ.

Trong lúc căng thẳng lên cao độ, ông Bach tiếp tục cầu viện Chủ tịch Tập Cận Bình, đến gặp ông tại thành phố Thiên Tân, tại lễ khai mạc Đại hội Thể dục thể thao quốc gia Trung Quốc vào tháng 8-2017. Nhưng trong lúc này, Trung Quốc đang rất tức giận vì Kim Jong-un liên tiếp thử 2 quả tên lửa ICBM nên không muốn vận động gì cả.

Vẫn chưa hết chuyện. Hy vọng cho một kỳ “Thế vận hội hòa bình” càng trở nên xa vời khi CHDCND Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân cực mạnh dưới lòng đất vào tháng 9-2017, được giới chuyên gia đánh giá là vụ thử bom nhiệt hạch thành công đầu tiên của Bình Nhưỡng.

Nguy cơ một kỳ Olympic thất bại lộ rõ khi Bộ trưởng Thể thao Pháp Laura Flessel-Colovic tuyên bố đoàn thể thao Pháp sẽ “ở nhà” nếu an ninh tại Olympic Mùa đông không được đảm bảo. Tiếp theo, Canada và Australia cũng bày tỏ quan tâm vấn đề an ninh.

Cuối tháng 9-2017, Bach lại đi Seoul để họp với Tổng thống Moon. Cuộc họp diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên bố “hủy diệt hoàn toàn” CHDCND Triều Tiên trong phát biểu tại Đại hội đồng LHQ. Tổng thống Moon cũng thể hiện quan điểm bảo vệ thành công cho kỳ Olympic Mùa đông, nhưng tiếng nói của ông đang bị lấn át bởi cuộc “khẩu chiến” đang quá ồn ào giữa hai ông Trump và Kim.

Thêm một khó khăn nữa cho Tổng thống Moon là ông thiếu một kênh thông tin liên lạc đáng tin cậy với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên vì tất cả những cầu nối liên lạc Nam-Bắc Triều trước đây đều không còn nữa. Cuối tháng 11-2017, Triều Tiên tiếp tục bắn thử một quả tên lửa ICBM, mẫu tên lửa mới Hwasong-15, với tầm bay xa phủ trọn lục địa Mỹ.

Nguy cơ đối với Olympic lại càng được đẩy lên cao hơn. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki R. Haley thậm chí đưa ra ý kiến rằng Mỹ “để ngỏ” khả năng tham gia kỳ Olympic Mùa đông 2018.

Thời gian ngày càng cấp bách, Tổng thống Moon quay sang “cầu cứu” Tổng thống Trump. Dường như trong vấn đề Olympic cũng vậy, Bình Nhưỡng muốn Mỹ cùng tham gia giải quyết vấn đề. Hiểu được ẩn ý này, Tổng thống Moon đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố Mỹ sẽ cử phái đoàn cấp cao đến dự lễ khai mạc Olympic Mùa đông tại Pyeongchang. Động thái này giúp xua tan nỗi lo lắng về an ninh, đồng thời phát tín hiệu với ông Kim Jong-un rằng nước Mỹ cũng rất quan tâm đến thế vận hội này.

Tổng thống Trump đồng ý, nhưng không đích thân tuyên bố mà để cho Tổng thống Moon thông báo ý kiến với IOC, để từ đó IOC thông tin lại với Triều Tiên. Nhờ đó, CHDCND Triều Tiên đã đồng ý cử phái đoàn tham gia Olympic, như đã diễn ra.

An Châu (theo New York Times)
.
.