Loạn chiến ở Syria
- Uy lực súng bắn tỉa Nga được gọi là “sát thủ giấu mặt” với khủng bố ở Syria
- Nga quyết không tha cho phiến quân vụ Đại sứ quán ở Syria bị pháo kích
Các phương tiện truyền thông không còn nhắc tới IS tại Syria sau khi Nga tuyên bố đã đánh bại tổ chức này và rút quân chủ lực khỏi đây vào cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, ngay sau đó là cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng người Kurdistan do Mỹ hậu thuẫn ở Syria, tiếp đó là cuộc đối đầu giữa Damas và Ankara. Rồi gần đây nhất là trận đánh lớn của quân chính phủ Damas dưới sự yểm trợ của Nga vào ổ kháng cự cuối cùng của phe nổi dậy ở Đông Ghouta. Trong khi đó không thể không kể đến cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Israel và Iran cũng đang diễn ra tại Syria.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến đánh vùng Afrin của Syria. |
Đông Ghouta: Gần 400.000 người Lâm vào cảnh thiếu lương thực và vật phẩm y tế
Mặt trận đầu tiên và đẫm máu nhất, đó là những trận mưa bom đạn từ nhiều tuần qua trút xuống các ổ kháng cự còn lại của phe nổi dậy: Đông Ghouta gần Damas và Idlib ở miền tây bắc. Từ ngày 18-2, quân đội Syria đã không kích và pháo kích dữ dội vào khu vực Đông Ghouta gần Damas và Idlib, khiến ít nhất 519 người thiệt mạng. Với việc gia tăng tấn công vào vùng Đông Ghouta, chính quyền Damas muốn chặn đứng các vụ bắn pháo từ vùng này về phía thủ đô Syria. Họ cũng muốn chứng tỏ vẫn trong thế mạnh, nhằm buộc nhóm quân nổi dậy cuối cùng phải đầu hàng.
Giáo sư Zlad Majed của Pháp cho rằng, đây có thể là hậu quả từ thất bại của hòa đàm tại Sochi do Nga tổ chức. Chính quyền Damas chắc là muốn trừng phạt phe đối lập vì phe này việc tẩy chay hội nghị. Đây cũng là một thông điệp gửi đến phương Tây, cho tới nay vẫn không tán đồng giải pháp chính trị của Nga.
Liên Hiệp Quốc nói gần 400.000 người đang sống ở Đông Ghouta, nơi mà chính phủ đã phong tỏa kể từ năm 2013 - đang lâm vào tình cảnh thiếu lương thực và nguồn vật phẩm y tế.
Đông Ghouta, cách Damas khoảng 17 km về phía đông, đang nằm dưới quyền kiểm soát của hai phe phái chủ trương Hồi giáo bảo thủ và một nhóm từng là chi nhánh của al-Qaida ở Syria.
Ngày 25-2, sau nhiều lần trì hoãn bỏ phiếu, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rốt cuộc đã thông qua nghị quyết yêu cầu lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày tại Syria, để cho phép hoạt động vận chuyển hàng nhân đạo và sơ tán y tế ở khu vực Đông Ghouta của Syria. Để nhận được sự tán thành của Nga, nghị quyết mới được thông qua này có một số điều chỉnh so với dự thảo ban đầu. Nga yêu cầu nghị quyết nêu rõ lệnh ngừng bắn sẽ không được áp dụng đối với các chiến dịch chống lại tổ chức khủng bố IS hay al-Qaeda, cùng với các “cá nhân, tổ chức và thực thể” có liên quan với các tổ chức khủng bố.
Điều này sẽ cho phép Chính phủ Syria tiếp tục tấn công những phần tử thánh chiến có quan hệ với al-Qaeda ở Idlib - tỉnh cuối cùng ở Syia còn nằm ngoài sự kiểm soát của Damas. Chính quyền Damas đã tái kiểm soát tất cả các thành phố lớn, phân nửa diện tích đất nước và 60% dân số.
Lợi ích đan xen của nhiều phe
Mặt trận thứ hai do Thổ Nhĩ Kỳ mở ra hồi tháng 1-2018. Ankara e ngại sự hình thành một khu vực Kurdistan chạy dọc theo biên giới với Syria: vùng Rojava của người Kurdistan ở Syria, và nhất là lực lượng dân quân YPG. Vùng này có thể trở thành hậu cứ cho du kích quân Kurdistan ở Thổ Nhĩ Kỳ - lực lượng PKK đang đấu tranh chống lại Ankara. Hiện nay Rojava gồm hai mảng tách rời: ở tây bắc là thị trấn Afrin, ở đông bắc có Kobané và Djazira.
Ankara muốn ngăn cản hai mảng này liên kết được với nhau. Có sự hỗ trợ tối đa từ dân quân Hồi giáo Arập, thậm chí lực lượng thân al-Qaeda, xe tăng và máy bay Thổ Nhĩ Kỳ từ 3 tuần qua khống chế Afrin. Cuộc chiến này thật là bát nháo! Khoảng 2.000 quân Mỹ yểm trợ cho đồng minh Kurdistan ở Syria tại mảng đông bắc. Nhưng tại Afrin, Mỹ không can thiệp để khỏi mích lòng đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ ở NATO. Tuy nhiên phía Damas kịch liệt chống đối Ankara và ủng hộ người Kurdistan, mặc dù các dân quân này liên kết với Mỹ.
Nhiều câu hỏi lớn đang được ra: Liệu một cuộc đối đầu trực diện Thổ Nhĩ Kỳ-Syria có diễn ra hay không? Nếu có, hệ quả sẽ ra sao? Nga đang tính gì trong cuộc xung đột này? Hiện tại, đối đầu trực diện chưa xảy ra ngoại trừ những phát pháo cảnh cáo theo như phát biểu của Ankara... Liên lạc trực tiếp giữa hai quân đội vẫn chưa có, bởi vì mới chỉ có các dân quân tự vệ đến Afrin chứ chưa phải là những binh sĩ Syria thường trực theo đúng nghĩa.
Quân đội Syria không kích Đông Ghouta. |
Vẫn theo chuyên gia Julien Theron, Afrin giờ giống như là nhiều con rắn đang tự cắn đuôi mình. Chưa có một cuộc chiến nào mà ở đó, lợi ích, tính toán của các bên lại đan xen, chồng chéo nhau đến như vậy.
Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của khối NATO, mở chiến dịch tấn công lực lượng YPG của Kurdistan. Trong khi lực lượng này đang bị Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xem như là một công cụ thao túng của Mỹ, có ý đồ thành lập một quốc gia cho người Kurdistan. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ vừa hợp tác với Nga trong hồ sơ Syria, vừa hỗ trợ quân nổi dậy chống chính quyền Bachar Al Assad, vốn dĩ được Nga bảo trợ.
Về vai trò của Hoa Kỳ, có rất ít khả năng là Mỹ sẽ can thiệp vào cuộc xung đột này để bảo vệ người Kurdistan. Giới quân sự Mỹ cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ bên cạnh lực lượng Kurdistan chỉ giới hạn trong khuôn khổ cuộc chiến chống khủng bố. “Tham gia vào cuộc xung đột giữa YPG và Thổ Nhĩ Kỳ không phải là chuyện của Mỹ”, như nhận xét của ông Aron Lund, chuyên gia về Syria thuộc trung tâm tư vấn Mỹ Century Foundation.
Thắc mắc lớn nhất hiện nay, đó là vai trò của Nga. Không có nước này không có điều gì có thể thực hiện. Không có Nga, chính quyền Damas có lẽ cũng không thể gửi lực lượng tự vệ đến Afrin... Trên cả cuộc đối đầu trực diện giữa Damas và Ankara, đó còn là một ván cờ đã được Nga bày ra tại Afrin. Ngày 25-2, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho biết rõ là không muốn Syria can thiệp vào Afrin, và không có gì có thể cản trở được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh đó, chính sách của Nga đối với người Kurdistan sẽ tác động lên chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi cứu nguy được chính quyền Tổng thống Bachar Al Assad, dường như Nga muốn làm cho các bên liên quan hiểu được là không có họ thì không giải quyết được vấn đề Afrin, tức là cả Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurdistan YPG đều cần đến Nga, qua đó, giảm nhẹ vai trò của Mỹ trong hồ sơ Syria.