Bảo đảm an ninh nguồn nước nhưng không kìm hãm phát triển kinh tế

Thứ Năm, 26/10/2023, 13:41

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã quy định rõ nguyên tắc phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, an ninh nguồn nước và ngược lại, bảo đảm an ninh nguồn nước nhưng không kìm hãm phát triển kinh tế.

Sáng 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Theo giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, dự thảo luật đã quy định rõ nguyên tắc phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, an ninh nguồn nước và ngược lại, bảo đảm an ninh nguồn nước không kìm hãm phát triển kinh tế.

Quy định chặt hơn đảm bảo an ninh nguồn nước

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, nhiều đại biểu đề nghị, nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra (Điều 3) cần thống nhất quản lý về tài nguyên nước và có sự phân công, phân cấp; gắn bảo đảm an ninh nguồn nước với an ninh, chủ quyền quốc gia; quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông; điều hòa, phân phối hiệu quả tài nguyên nước.

huy.jpg -0
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Tiếp thu các ý kiến, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước. Bên cạnh đó, dự thảo luật đã bổ sung nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.

đb.png -0
Các đại biểu tại phiên họp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, dự thảo luật chỉ quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tại các khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục, có nguy cơ bị hạ thấp quá mức; khu vực đã xảy ra sụt lún hoặc có nguy cơ sụt, lún đất và khu vực có nguồn nước dưới đất có nguy cơ bị xâm nhập mặn. Còn đối với những vùng đã có hệ thống cấp nước tập trung đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất thì sẽ không hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các tổ chức, cá nhân khai thác riêng lẻ nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp trong khai thác, sử dụng nguồn nước. Vì vậy, đề xuất Quốc hội cho phép được giữ như dự thảo luật.

đb.jpg -0
Các đại biểu tại phiên họp.

Về điều hoà, phân phối tài nguyên nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây hoạt động quan trọng để bảo đảm ổn định khai thác, sử dụng nước cho các ngành kinh tế, khắc phục tình trạng chồng chéo giữa quy định của Luật Tài nguyên nước và các luật chuyên ngành có liên quan đến khai thác, sử dụng nước thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành. Do đó, tiếp thu ý kiến các đại biểu, dự thảo luật đã quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, giải pháp, kịch bản, phương án điều hoà phân phối tài nguyên nước và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Kiến nghị bổ sung trách nhiệm theo dõi bảo vệ tài nguyên nước

Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao dự thảo luật đã tiếp thu tối đa các ý kiến, bổ sung nhiều nội dung quy định nhằm bảo vệ các nguồn nước, đặc biệt là chú trọng việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt. Theo các đại biểu, về cơ bản, các nội dung của dự thảo luật sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý hoàn thiện và bao trùm các vấn đề quản lý nhà nước đối nguồn tài nguyên nước, bảo đảm tính minh bạch, tạo tiền đề cho việc khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên nước hiệu quả.

thịnh.jpg -0
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phát biểu tại phiên họp.

Góp ý về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, dự thảo luật đang quy định cơ quan chịu trách nhiệm cho từng mục đích khai thác tài nguyên nước nhưng không thấy "bóng dáng" trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, cần bổ sung quy định về chức năng ban hành tiêu chuẩn chất lượng nguồn nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào dự thảo luật. 

Trong trường hợp tiêu chuẩn chất lượng nguồn nước liên quan đến hoạt động thuộc quyền quản lý của cơ quan khác thì cần có quy định phối hợp giữa các cơ quan cũng như chỉ ra cơ quan chủ quản quản lý để tránh chồng chéo thẩm quyền. Lấy ví dụ tại khoản 3, Điều 43 dự thảo luật quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, hiện vẫn chưa phân định rõ thẩm quyền của hai cơ quan cũng như chưa rõ về cơ chế phối hợp để rà soát và việc khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt. Do đó, cần tách riêng thẩm quyền của Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tránh chồng chéo trong quản lý.

Tán thành với quy định về bổ sung trách nhiệm theo dõi bảo vệ của Bộ Công an đối với các công trình cấp nước có quy mô lớn, nguồn nước khai thác là các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia song đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề nghị, để tạo thuận lợi hơn cho việc tổ chức thực hiện cần làm rõ quy định này là giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp hay giao hẳn nhiệm vụ này cho Bộ Công an.

Cần bảo vệ nguồn nước khỏi bị ô nhiễm

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hoá) lo lắng về ô nhiễm nguồn nước, cho biết, hiện nay nhiều dòng sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước chính cho sinh hoạt, sản xuất, tạo cảnh quan sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho người dân đang bị ô nhiễm, nguy cơ bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng và trở thành các dòng sông chết. “Do vậy, vấn đề phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm, cạn kiệt là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này” – đại biểu nêu quan điểm và cho rằng, việc phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân.

mẫn.jpg -0
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hoá) lo lắng về ô nhiễm nguồn nước.

Trước tiên phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông; nghiêm cấm các hoạt động xả rác thải và các chất thải xuống dòng sông. Đồng thời, quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình như cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn để tiếp nước, khơi thông dòng chảy, tạo cho các dòng sông có các dòng chảy thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ứ đọng để trả lại cho các con sông khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm.

mào yên bái.jpg -0
Đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) góp ý hoàn thiện dự thảo luật.

Cũng quan tâm đến nguồn nước, đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) góp ý hoàn thiện dự thảo luật liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể, đại biểu cho rằng, quy định tại Điều 8, khoản 2 quy định cấm xả nước thải vào nguồn nước dưới đất là còn bất cập bởi hiện nay khu vực nông thôn chưa có công trình thu gom xử lý nước thải; quy định cấm xả nước thải vào nguồn nước dưới đất là khó khả thi.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét chỉnh sửa cho phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành và bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện. Đại biểu cũng đề cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung thêm nội dung đưa các loài sinh vật thủy sinh ngoại lai nhập khẩu từ nước ngoài, các loài sinh vật mới chưa được cấp có thẩm quyền cho phép vào nuôi trồng ở các sông, suối,  hồ, kênh rạch vào các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật có liên quan vào nội dung các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8.

Phương Thuỷ
.
.