Cân nhắc việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức Thủ đô

Thứ Sáu, 10/11/2023, 15:55

Chính phủ đề nghị tổng mức chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô, một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, Uỷ ban Pháp luật đề nghị cân nhắc vì chỉ thí điểm với địa phương tự cân đối được ngân sách và cần làm rõ nguồn kinh phí...

Chiều 10/11, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc ban hành luật là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06, Nghị quyết số 30, đặc biệt là Nghị quyết số 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định, xây dựng, phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Cân nhắc việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức Thủ đô -0
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình.

Dự thảo luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Về mô hình tổ chức, dự thảo luật đề xuất thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc TP Hà Nội. Tăng số lượng đại biểu HĐND (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch HĐND (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của HĐND.

Qua thẩm tra, nhiều ý kiến Uỷ ban Pháp luật cơ bản tán thành việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội trên cơ sở kế thừa mô hình đang được thí điểm theo Nghị quyết số 97, tuy nhiên cho rằng, thay vì đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND TP thì cần phấn đấu tăng tỷ lệ đại biểu HĐND TP hoạt động chuyên trách và tập trung vào việc đổi mới phương thức, cách thức làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND TP Hà Nội.

Cân nhắc việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức Thủ đô -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.

Về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô (Điều 18), tương tự cơ chế áp dụng cho TP Hồ Chí Minh, dự thảo luật quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô, một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc việc quy định chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trong dự thảo luật vì Nghị quyết số 27 đặt ra yêu cầu chỉ thực hiện thí điểm cơ chế chi thu nhập bình quân tăng thêm đối với một số địa phương đã tự cân đối được ngân sách, do đó, nội dung này cần được tổng kết, đánh giá trước khi luật hóa để áp dụng ổn định, lâu dài.

"Có ý kiến đề nghị làm rõ nguồn kinh phí để bảo đảm thực hiện chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm vì phạm vi đối tượng thụ hưởng rất lớn", Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay.

Cân nhắc việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức Thủ đô -0
Quang cảnh hội trường.

Về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội Thủ đô, dự thảo luật bổ sung 3 lĩnh vực mà Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định, gồm phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo. Quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy.

Một số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ các trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước và quy định trình tự, thủ tục áp dụng chặt chẽ để bảo đảm thực sự thích đáng và có tính khả thi, phát huy được hiệu quả khi thực hiện, tránh tùy tiện và lạm dụng trong áp dụng pháp luật.

Quỳnh Vinh
.
.