Đại biểu Công an nhân dân trên nghị trường

Thứ Ba, 31/10/2023, 07:08

Xuất hiện tại nghị trường Quốc hội, những đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong lực lượng CAND gây ấn tượng bởi sắc phục riêng, không trộn lẫn. Đó có thể là màu trắng nổi bật của lễ phục Công an trong những phiên khai mạc, bế mạc, chất vấn trọng thể, truyền hình trực tiếp; hoặc những màu áo an ninh, cảnh sát đặc biệt, dễ nhận diện giữa hội trường rộng lớn gần 500 đại biểu, hay ở những phiên thảo luận tổ riêng lẻ.

Nhưng, ấn tượng hơn là từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, ĐBQH CAND đã có nhiều đóng góp đáng kể trong công tác lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND...

4-1.jpg -0
Toàn cảnh hội trường Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV.

1. Trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, lực lượng CAND có 19 ĐBQH là tướng lĩnh, sĩ quan công an đang công tác tại cơ quan Bộ, Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan thuộc Quốc hội. Trong đó có 3 đồng chí lãnh đạo cấp cao là Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Nửa nhiệm kỳ trôi qua, Bộ Công an đã thực hiện một khối lượng xây dựng pháp luật rất lớn. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Bộ Công an đã đề nghị Quốc hội xây dựng, sửa đổi, bổ sung 4 luật: Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Để thực hiện một khối lượng công việc lớn như thế, trong đó một số nội dung mới, khó, phức tạp, nhạy cảm đòi hỏi có sự tính toán, xây dựng rất khoa học, phù hợp với tình hình và yêu cầu chính trị, pháp luật, đối ngoại của đất nước. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, trực tiếp là Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là một trong 3 giải pháp đột phá: Xây dựng và hoàn thiện thể chế; đồng thời bám sát Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới để thực hiện các nhiệm vụ công tác lập pháp bảo đảm yêu cầu đề ra.

Các ĐBQH trong CAND đều chủ động, tích cực đóng góp trong công tác xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết có liên quan đến công tác công an, nhất là các đại biểu chuyên trách; góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh ĐBQH CAND nói riêng, lực lượng CAND nói chung trên nghị trường; tạo sự lan tỏa, đồng tình, ủng hộ đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng Công an cũng như đối với các hoạt động của lực lượng CAND.

4-2.jpg -0
Bộ trưởng Tô Lâm tại kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa XV.

2. Những dự án luật nêu trên đều tác động sâu, rộng đến công tác bảo đảm ANTT, xây dựng lực lượng CAND và hầu hết các mặt của đời sống xã hội, được cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cử tri và các tầng lớp nhân dân quan tâm, theo dõi. Do đó, phát huy vai trò “hạt nhân” tại các Đoàn ĐBQH về những vấn đề liên quan đến công tác công an, nhiều ĐBQH trong CAND đã chủ động đăng ký phát biểu tại hội trường, thảo luận tại tổ, trả lời phỏng vấn báo chí để tăng cường tuyên truyền, chủ động giải trình, cung cấp thông tin, tạo sự đồng thuận của các đại biểu, cử tri và nhân dân về các dự án luật.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, ĐBQH Đoàn TP Hà Nội là một trong những đại biểu Công an thường xuyên thảo luận tại tổ, tại hội trường, tham gia giải trình nhiều vấn đề còn ý kiến băn khoăn, hay góp nhiều kiến nghị lập pháp về những nội dung liên quan công tác bảo đảm ANTT.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) tháng 11/2022, Giám đốc Công an TP Hà Nội gây chú ý khi đề cập đến “thị trường ngầm” hoạt động rất sôi động, thông qua tiền ảo để rửa tiền, từ đó kiến nghị phải đảm bảo tính chính danh khi đăng ký mở và sử dụng tài khoản ngân hàng, có cơ chế sớm hơn, nhanh hơn để trì hoãn, phong tỏa tài khoản đối với các giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu phạm tội. Đây cũng là yêu cầu cấp bách khi thực tiễn thời gian qua xuất hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng mà người dân có thể bị mất nhiều tiền trong “chớp mắt”, tài khoản bị “bốc hơi trong một nốt nhạc”...

Từ góc độ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - chuyên gia xây dựng pháp luật, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, ĐBQH Đoàn TP Hồ Chí Minh là một trong những đại biểu Công an “phủ sóng” nghị trường nhiều nhất từ Khóa XIV đến nay. Bởi lẽ, bên cạnh việc xuất hiện với vai trò Phó Chủ nhiệm một Ủy ban của Quốc hội phụ trách thẩm tra nhiều dự án luật thuộc lĩnh vực công an, quân đội thì anh còn bằng trí tuệ và kinh nghiệm của một trong những GS.TS trẻ tuổi nhất trong lực lượng CAND, trải qua nhiều vị trí công tác để đóng góp nhiều sáng kiến lập pháp, đồng thời tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an xây dựng chính sách pháp luật thống nhất trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...

Một gương mặt nữ đại biểu Công an ấn tượng tại nghị trường thời gian gần đây là Đại tá Trần Thị Thu Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum, ĐBQH tỉnh Kon Tum. Bằng tiếng nói của một đại biểu đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên, chị đã góp ý kiến thảo luận trong nhiều phiên họp tại tổ và hội trường. Đáng chú ý là đề xuất dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần quy định áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho giao dịch trên môi trường điện tử của nữ đại biểu, qua đó góp phần giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến...

4-3.jpg -0
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

3. Tại Kỳ họp thứ 6, Bộ Công an trình Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự án luật quan trọng: Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; đồng thời dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Bộ Công an trình Quốc hội thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình một kỳ họp)... Do vậy, không chỉ đòi hỏi lực lượng pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp và các cơ quan liên quan phải nỗ lực làm việc hơn gấp nhiều lần để hoàn thành nhiệm vụ lập pháp đề ra, mà chính các ĐBQH trong CAND cũng phải nghiên cứu hết sức kỹ càng nội dung của các dự án luật để tham gia phát biểu, giải trình, tạo sự lan tỏa, thuyết phục, nhằm giúp việc thông qua các dự án luật bảo đảm thuận lợi...

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an trình bày tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV, ngày 6/9/2023, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ, công tác xây dựng pháp luật phải đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng; khi chuẩn bị hồ sơ, dự án luật trình các cấp thì các văn bản dưới luật phải được soạn thảo kèm theo.

Đồng thời, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và yêu cầu của thực tiễn, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an phát hiện, nhận diện từ sớm, từ xa những bất cập, nút thắt về thể chế để đề xuất đột phá và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Có lẽ, đây chính là những “bí quyết” để Bộ Công an và những ĐBQH trong CAND đã, đang và sẽ hoàn thành khối lượng lớn công tác lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV này.

Quỳnh Vinh
.
.