Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội

Chủ Nhật, 10/12/2023, 23:47

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số theo phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”. Các nỗ lực này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương…

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, xác định công tác CCHC gắn với xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh là chương trình trọng điểm trong phát triển kinh tế, xã hội nên tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản liên quan để chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh CCHC. Đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế.

caicachhanhchinh.jpg -0
Người dân đến giải quyết thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tỉnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường khả năng thực thi của cấp dưới, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác, khách quan kết quả, hiệu quả đạt được trong công tác triển khai các đề án, nhiệm vụ. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền để phát huy vai trò, nhận thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ và tranh thủ sự đồng tình hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, Thừa Thiên Huế đã thành lập và phát huy hiệu quả hoạt động 4 tổ công tác do lãnh đạo UBND tỉnh làm Tổ trưởng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp trên địa bàn. Chỉ đạo rà soát, đơn giản hoá TTHC cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh CCHC gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số với mục tiêu xuyên suốt là “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”. Thông qua việc đẩy mạnh CCHC góp phần rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với người dân, kịp thời đáp ứng nhu cầu và quyền lợi chính đáng của người dân tại cơ sở; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho hoạt động của chính quyền các cấp.

Với việc đẩy mạnh cải cách TTHC và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế và các Trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Từ đó nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trực tiếp liên quan tới người dân, đơn giản hóa TTHC, giảm thời gian và chi phí của người dân, doanh nghiệp. Nhờ thế nên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Thừa Thiên Huế trong các năm 2021, 2022 luôn đứng top 10 của cả nước.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhờ nỗ lực trong công tác CCHC đã tác động tích cực đến hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian qua. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2021-2023 đạt 7,3%/năm. Trong năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) Thừa Thiên Huế ước đạt 73.230 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước đạt 62,6 triệu đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 11.000 tỷ đồng, vượt 10,8% dự toán; chi ngân sách ước đạt 14.092 tỷ đồng, bằng 97% dự toán. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 31.000 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.200 triệu USD, tăng 6,85% so với cùng kỳ, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, công tác CCHC được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, các văn bản chỉ đạo thực hiện CCHC được ban hành kịp thời. Tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương đẩy mạnh công tác CCHC, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan, địa phương đã tích cực nghiên cứu, thay đổi phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước và nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

“Để tiếp tục thực hiện tốt công tác CCHC, hiện tỉnh đang tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. Triển khai các biện pháp đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tăng cường chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường số theo mục tiêu làm việc không giấy tờ; hội họp không tập trung; dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Anh Khoa
.
.