Đề xuất xử lý hình sự chủ đầu tư cố tình vi phạm trật tự xây dựng

Thứ Sáu, 11/11/2022, 07:22

Ngày 10/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì Đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước trong việc vận hành, sử dụng chung cư trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Sau quận Hai Bà Trưng, trong thời gian tới, Đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục kiểm tra trên địa bàn các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân và Đống Đa.

Báo cáo Đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, trên địa bàn quận có 32 nhà chung cư đã đưa vào sử dụng với tổng số 16.374 căn hộ. Trong đó, chung cư thương mại là 15.878 căn, chung cư tái định cư là 328 căn và nhà ở xã hội là 168 căn. Có 24 nhà chung cư thương mại và 1 nhà ở xã hội và 2 nhà tái định cư đưa vào sử dụng từ khi có Luật Nhà ở có hiệu lực. Hiện tại, đã thành lập Ban quản trị (BQT) tại 22 nhà chung cư, còn lại 5 nhà chung cư chưa thành lập được BQT như chung cư: Số 1 Lương Yên; 378 Minh Khai (Green Pearl[1]Chủ đầu tư (CĐT) Công ty CP Phát triển nhà); 129 Trương Định (Trương Định Complext - CĐT Công ty CP Đồng Tháp); 201 Minh Khai (Hinode City - CĐT Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng Vietracimex).

Trong đó, chung 129 Trương Định chưa đủ điều kiện để thành lập BQT, số 1 Lương Yên của tòa nhà Kim khí Thăng Long có đặc thù hơn 30 hộ dân nên tâm lý không muốn lập BQT; 3 chung cư còn lại chưa đạt được sự đồng thuận giữa Chủ đầu tư và đại diện cư dân trong việc thành lập.

Cũng theo ông Hùng, hiện còn một số tranh chấp liên quan đến phân định diện tích chung, riêng tại các dự án như cụm nhà chung cư Vinhomes Times City, 125 Minh Khai (Sky Light - CĐT Tổng công ty Cơ khí xây dựng Coma), 423 Minh Khai (Imperia Sky Grardent - CĐT Công ty CP TerraGold).

Đáng lưu ý, trong số 27 tòa nhà chung cư trên địa bàn quận (đưa vào sử dụng khi Luật Nhà ở có hiệu lực) mới có 11 chung cư bàn giao toàn bộ 2% quỹ bảo trì cho BQT, còn lại 16 nhà đầu tư chưa bàn giao hoặc bàn giao chưa đầy đủ cho BQT quản lý sử dụng do một số nguyên nhân như: CĐT gặp khó khăn, chây ỳ không quyết toán quỹ bảo trì, BQT chưa được thành lập hoặc mới thành lập. Cũng theo UBND quận Hai Bà Trưng, hiện trên địa bàn quận có 11 nhà chung cư cơ bản ổn định và 21 nhà chung cư tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp mâu thuẫn, trong đó có 7 chung cư hiện đang có tranh chấp cao phải tăng cường quan tâm như: 125 Minh Khai (Sky Light - CĐT Tổng Công ty Cơ khí xây dựng Coma): 250 Minh Khai (Thăng Long Gardent - CĐT Công ty CP May Thăng Long); 310 Minh Khai (CĐT Công ty CP Xây dựng số 3); 505 Minh Khai (Hòa Bình Green City - CĐT Công ty TNHH Hòa Bình); 27 Lạc Trung (CĐT Công ty CP Phát triển thương mại Hà Nội); 229 Phố Vọng (CĐT Công ty TNHH MTV Thương mại); 378 Minh Khai (Green Pearl - CĐT Công ty CP Phát triển nhà)...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, các tranh chấp giữa chủ đầu tư và BQT, cư dân là tranh chấp dân sự giữa người bán và người mua nhưng các bên không chịu thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện ra tòa. Cư dân là khách mua nhưng chưa tìm hiểu kỹ về năng lực của CĐT, pháp lý của dự án, không đọc kỹ hợp đồng mua bán. Còn CĐT thì quảng cáo dự án cung cấp thông tin không rõ ràng, gây hiểu nhầm cho khách hàng khi mua. Khi xảy ra tranh chấp, cư dân tìm cách gây áp lực bằng các hành vi căng băng rôn, khẩu hiệu, gây rối trật tự an ninh. Mâu thuẫn, tranh chấp trong khu nhà chung cư thường bắt nguồn từ khi CĐT thực hiện dự án có vi phạm về trật tự xây dựng dẫn đến các tồn tại không thể giải quyết được khi đã có cư dân vào ở. Nhiều căn hộ không được cấp Giấy chứng nhận sở hữu do vi phạm về trật tự xây dựng của CĐT, vi phạm quy hoạch, dự án không đảm bảo hạ tầng nhưng lại được nghiệm thu đưa vào sử dụng dự án thiếu chỗ để xe, không có đường vào… gây bức xúc trong cư dân. Lãnh đạo quận Hai Bà Trưng đề xuất phải gắn trách nhiệm lâu dài của CĐT trong việc thực hiện công tác quản lý vận hành nhà chung cư sau khi bàn giao căn hộ cho cư dân vì việc giao trách nhiệm quản lý vận hành nhà chung cư cho BQT như hiện nay phát sinh nhiều phức tạp. Đặc biệt, cần tăng nặng mức xử phạt đối với CĐT, kể cả xử lý hình sự để CĐT không dám vi phạm, xem xét hình thức xử phạt với BQT vi phạm phù hợp với thực tế và tầm quan trọng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhận định, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 1.100 nhà chung cư, chiếm phần lớn trong số này tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự do mâu thuẫn giữa CĐT và cư dân mua nhà, nếu không sớm xử lý thì sẽ rất phức tạp, nhiều tình huống phát sinh khó lường. Phó Chủ tịch UBND TP cũng đồng tình với một số kiến nghị của quận Hai Bà Trưng về việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhà chung cư như CĐT phải có trách nhiệm lâu dài với sản phẩm của mình, hay BQT  tòa nhà sẽ phải chịu sự quản lý của chính quyền sở tại… Đồng thời, lãnh đạo TP Hà Nội cũng đồng tình về việc tìm giải pháp tháo gỡ để cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho các cư dân tại các dự án có vi phạm nhưng đã khắc phục…

Chi Linh
.
.