"Độc lập, tự cường và toàn vẹn non sông là nguyên tắc bất biến"

Thứ Ba, 17/01/2023, 11:50

Độc lập, tự cường và toàn vẹn non sông là nguyên tắc bất biến. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 – 27/1/2023).

Trang trọng lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris  -2
Các đại biểu tham dự hội nghị. 

Sáng 17/1, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ban, ngành, trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 – 27/1/2023). Lễ kỷ niệm có sự hiện diện của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực ban Bí thư; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương. 

Sự kiện vinh dự đón tiếp nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị lão thành cách mạng, đại biểu trong nước và quốc tế.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã tặng hoa 4 thành viên đoàn đàm phán có mặt tại sự kiện gồm (từ trái sang phải): nguyên Vụ trưởng, nguyên cán bộ phiên dịch của đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Ngạc; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; nguyên Vụ trưởng, nguyên thành viên đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Văn Trình; nguyên Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân và Tạp chí Cộng sản, nguyên thành viên đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Hà Đăng.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại lễ kỉ niệm.

Trong diễn văn khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, độc lập, tự cường và toàn vẹn non sông là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh kiên cường bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, ông cha ta luôn chú trọng hoạt động ngoại giao.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ: "Từ đàm phán bảo vệ nền độc lập sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 và đỉnh cao là đàm phán, ký kết Hiệp định Paris năm 1973, tạo tiền đề để nhân dân ta thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển phồn vinh. Hiệp định Paris được ký kết cách đây tròn nửa thế kỷ đã kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX".

Thắng lợi này có ý nghĩa chiến lược, tạo nên cục diện mới để quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển ở Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại này là kết tinh thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh vô cùng to lớn của quân và dân ta trên mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trang trọng lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris  -0
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris. 

Nhớ lại những kỷ niệm về quá trình tham gia đàm phán Hiệp định Paris, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho hay: "Cuối năm 1968, tôi được chỉ thị của Đảng là tham gia đàm phán ở Paris. Tôi rất cảm ơn các đồng chí lãnh đạo đã tin cậy, giao cho tôi trọng trách lớn. Trong gần 5 năm, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, là 1 trong 4 người đã ký vào Hiệp định Paris".

Theo nguyên Phó Chủ tịch nước, có thể nói sự đoàn kết và ủng hộ hết sức mạnh mẽ của thế giới đã tiếp thêm động lực cho Việt Nam trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, yếu tố quyết định thắng lợi của Hiệp định Paris là nhờ sự lãnh đạo chỉ đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng và nhà nước. Bà Nguyễn Thị Bình bày tỏ sự tự hào về dân tộc Việt Nam, tự hào về Đảng quang vinh, tin tưởng dưới sự lãnh đạo sáng suốt và truyền thống chiến đấu của nhân dân Việt Nam, đất nước sẽ phát triển mạnh và bền vững.

Bà Helen Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp – Việt.

Về phía đại diện quốc tế, bà Helen Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp – Việt chia sẻ: "Tôi còn nhớ rõ khuôn mặt của Bộ trưởng Xuân Thủy và nụ cười đã đi vào lịch sử của ông, rồi cả nụ cười của ông Lê Đức Thọ. Ông là người phụ trách liên lạc giữa Hà Nội và Choisy Le Roi. Tôi cũng nhớ rõ khuôn mặt xinh đẹp của bà Nguyễn Thị Bình. Họ đã chinh phục trái tim nhân dân Pháp bằng lòng quả cảm, tính kiên trì và trí tuệ của mình".

Cũng tại lễ kỷ niệm, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao Nguyễn Đồng Anh cho biết, thế hệ trẻ ngày nay được sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hoàn toàn thống nhất thì càng phải trân trọng và tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Nguyễn Đồng Anh khẳng định: “Chúng tôi ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, phải ra sức gìn giữ và phát huy cho bằng được những thành quả cách mạng vĩ đại đó. Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ôn lại và giáo dục truyền thống vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam, mà còn giúp thế hế trẻ ngoại giao ngày nay nghiên cứu sâu sắc, vận dụng sáng tạo các bài học lịch sử rút ra từ Hội nghị Paris; để sống, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với thế hệ cha anh".

Chi Linh Sơn
.
.