Hà Nội: Khắc phục 8 nhóm vấn đề tồn tại để phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Năm, 07/07/2022, 07:36

Ngày 6/7, kỳ họp thứ bảy, HĐND TP Hà Nội khóa XVI bước sang ngày làm việc thứ 2. Sau khi thảo luận, các đại biểu có mặt đã biểu quyết, tán thành thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2022; phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội.

Các đại biểu đánh giá, 6 tháng qua, TP đã cơ bản kiểm soát tốt dịch COVID-19 và triển khai mạnh mẽ các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều tháng trở lại đây, tạo động lực để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2022. Đặc biệt, bằng sự nỗ lực của hệ thống chính trị TP, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, tạo tiền đề mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho TP trong tương lai gần.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ đại biểu huyện Mê Linh), bên cạnh những kết quả tích cực, Hà Nội vẫn còn nhiều rào cản về vốn và mặt bằng, dẫn đến các dự án chưa phát huy được như kỳ vọng. Đáng lưu ý, giải ngân đầu tư công rất yếu kém, con số giải ngân đầu tư công đến ngày 16/6 mới đạt gần 18%, thấp hơn mức trung bình cả nước, trong đó nhiều dự án mới giải ngân dưới 5%. Đây là "điểm nghẽn" trong thúc đẩy phát triển kinh tế mà 6 tháng cuối năm 2022 cần phải có giải pháp cụ thể về nội dung này.

Hà Nội: Khắc phục 8 nhóm vấn đề tồn tại để phát triển kinh tế - xã hội -0
Lãnh đạo thành phố Hà Nội nhận diện 8 nhóm vấn đề còn tồn tại, hạn chế để tập trung khắc phục và phát triển kinh tế.

Đại biểu Phạm Quang Thanh (tổ đại biểu huyện Sóc Sơn) cho rằng, TP cần chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung tháo gỡ, xử lý đối với tình trạng một số dự án, công trình trọng điểm về giao thông, khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, môi trường, tiến độ triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Đại biểu Nguyễn Xuân Đại (tổ đại biểu huyện Hoài Đức) cho rằng, TP cần tập trung chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa trong triển khai các dự án đầu tư công, các công trình trọng điểm của TP để nâng cao tỷ lệ giải ngân; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, để thực hiện dự án đầu tư.

Đặc biệt, khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị thực hiện để sớm khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Đại biểu thuộc các tổ đại biểu huyện Sóc Sơn, Hoài Đức, Mê Linh và thị xã Sơn Tây cho rằng, công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn TP còn nhiều tồn tại, khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục hành chính, các quy định mới của pháp luật liên quan đến công tác đấu giá quyền sử dụng đất và có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách năm 2022. Nguyên nhân chậm xác định giá sàn thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, vì thế, các đại biểu đề nghị TP phân cấp nhiều hơn trong thực hiện đấu giá các dự án trên 30 tỷ đồng.

Tiếp thu, giải trình một số nội dung mà các đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, UBND TP cũng đã nhận diện 8 nhóm vấn đề còn tồn tại, hạn chế để tập trung khắc phục. Trong đó, đối với tồn tại, hạn chế liên quan đến việc phân cấp uỷ quyền, Hà Nội triển khai rất quyết liệt theo phương châm và nguyên tắc "5 rõ". Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện khối lượng công việc lớn, nhiều việc lớn, do đó, có nhiều nội dung phân công, phân cấp còn chồng chéo dẫn đến việc chỉ đạo, điều hành bị chậm và tính hiệu quả không cao.

Về quy trình phối hợp giữa các đơn vị, sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, việc này dù đã được nhận diện qua các thời kỳ, giai đoạn nhưng quá trình triển khai vẫn còn vướng mắc. Về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, TP tiếp thu toàn bộ nội dung và nhất là vai trò người đứng đầu để có cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm tra, đôn đốc. Đồng thời, xem xét vấn đề thể chế để tháo gỡ “điểm nghẽn” và tạo động lực cho phát triển.

Kết thúc phiên thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đề nghị UBND TP tiếp thu ý toàn bộ ý kiến các đại biểu phát biểu tại các tổ và tại hội trường, trên cơ sở đó, tiếp tục xem xét, đưa ra giải pháp trong 6 tháng cuối năm nhằm đổi mới trong điều hành, quyết liệt trong hành động; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Sau khi nghe tờ trình, thẩm tra và thảo luận tại hội trường, các đại biểu có mặt đã biểu quyết, tán thành thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2022; Nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 ngân sách cấp TP; phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội.

Chi Linh
.
.