Hồ sơ gửi quá gấp, ĐBQH "than" dậy từ 4h sáng cũng không thể nghiên cứu hết

Thứ Sáu, 06/01/2023, 18:26

Nhiều đại biểu đánh giá, hồ sơ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình quá gấp gáp, không đủ thời gian nghiên cứu.

Nhiều nội dung khó quá!

Đó là đánh giá của đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP Hồ Chí Minh) khi góp ý dự án luật. Đại biểu cho biết, đã dậy từ 4h để nghiên cứu tài liệu nhưng chưa hiểu hết được nên chỉ phát biểu một số vấn đề. Trong đó, đại biểu bày tỏ băn khoăn về giá dịch vụ khám chữa bệnh khi Dự thảo quy định Bộ trưởng y tế quy định phương pháp định giá đối với cơ sở khám chữa bệnh. "Theo tôi quy định thế này không đúng luật pháp. Phương pháp định giá là thẩm quyền của Chính phủ trình Quốc hội theo Luật Giá và người hướng dẫn tổng quản là Bộ Tài chính, chứ không phải là Bộ Y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ hướng dẫn phương pháp xác định giá mà Luật Giá quy định chứ không phải quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh. Vì quy định như dự thảo dễ dẫn đến xung đột nếu hướng dẫn này không đúng Luật Giá thì không làm được. Thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế là hướng dẫn chi tiết phương pháp định giá cho các dịch vụ khám chữa bệnh theo Luật Giá, nên làm rõ như vậy", đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.

van-loay-hoay-tu-chu-benh-vien-gia-dich-vu-kham-chua-benh1672997158.jpg -0
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP Hồ Chí Minh) phát biểu.

Hơn nữa, theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân thì hiện nay có 19.150 dịch vụ kỹ thuật cần phải định giá, vậy Bộ Y tế định giá gì. Hiện nay, Bộ Y tế mới chỉ xác định 10% giá dịch vụ kỹ thuật, 48% dịch vụ thực hiện quy đổi giá, còn hơn 42% dịch vụ chưa có giá kéo dài nhiều năm. "Sắp tới Bộ Y tế quy định giá là đúng nguyên tắc, nhưng có khả thi không, không khả thi thì ai chịu trách nhiệm. Hơn 40% dich vụ không có giá thì vận dụng giá nào đây? Chúng tôi cho rằng, cần thay đổi cách quản lý, cái nào Bộ Y tế chưa công bố định giá thì cơ sở được làm thì mới làm được" – đại biểu đề nghị và nhấn mạnh luật càng phức tạp, càng phải chặt chẽ. "Chúng tôi đề nghị trình luật này cần kèm theo tất cả nghị định hướng dẫn để chúng ta kiểm soát được và cần lấy ý kiến bệnh viện trong cả nước trước khi trình Quốc hội thông qua" – đại biểu nhấn mạnh.

060120230453-444444.jpg -0
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) phát biểu tại hội trường.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng cần phân hai luồng giá viện phí. Một là giá được bảo hiểm chi trả. Đây là giá được quy định cụ thể cho từng chuyên khoa, phương pháp điều trị giá này cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ và đặc biệt tiến tới xóa bỏ khái niệm đồng chi trả. Đây chính là việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ở mọi đối tượng và bảo hiểm xã hội, vai trò bảo đảm an sinh. Vấn đề đặt ra là cần bảo đảm cân đối quỹ tương ứng với việc tính đúng, tính đủ trong việc khám chữa bệnh, vì vậy luật nên đưa vào nguyên tắc chung và các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn theo lộ trình.

Hai là, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Theo đại biểu, đây là chính là động lực để các bệnh viện thay đổi và phát triển. Do đó, không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường. Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước cần có các quy định để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế như về trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám hay là các phẫu thuật can thiệp kỹ thuật đặc biệt.

Cùng với đó, việc thanh, kiểm tra, rà soát giá khám chữa bệnh bảo đảm công khai, giải trình tường minh cũng là trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Tự chủ bệnh viện phải tự chủ nhân sự

Phát biểu về tự chủ bệnh viện, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói, tại Điều 108 Dự thảo luật cho thấy tự chủ trong quyết định về nhân sự theo quy định của luật... Nhưng không biết là theo luật nào. Và dự thảo cũng không nêu rõ nguyên tắc gì để đáp ứng yêu cầu về khám chữa bệnh.

060120230419-hoàng-văn-cường---hà-nội.jpg -0
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu tại hội trường.

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Thiện nhân về nội dung trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, tự chủ thì quan trọng nhất là tự chủ nhân sự. "Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, tự chủ được tự quyết nhân sự, nhưng phải tuân thủ quy định pháp luật. Nhưng khi tuân thủ thì không khác gì hơn các bệnh viện không tự chủ. Ví dụ tuyển dụng, sa thải, đề bạt tất cả đều tuân thủ quy trình viên chức trong bệnh viện không tự chủ. Như vậy thì không thể nào tự chủ nhân sự' – đại biểu nhấn mạnh và góp ý thêm về vấn đề trả lương. Cụ thể, bệnh viện được quyền tự quyết định mức chi trả, nhưng lại  tuân thủ quy định. “Nếu tuân thủ quy định mà không ngoặc vào đấy là Chính phủ quy định tuân thủ thế nào thì giống như bệnh viện không tự chủ, như vậy không khuyến khích người giỏi” – đại biểu băn khoăn. 

Về giá dịch vụ, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận xét, quy định tại dự thảo vừa loại bỏ cơ hội của người thu nhập thấp, vừa loại bỏ cơ hội, mong muốn sử dụng dịch vụ cao của người có khả năng chi trả. Các bệnh viện không thể vươn lên để nâng cao mức độ tự chủ. Vì vậy, đại biểu đề nghị đối với các bệnh viện tự chủ phân thành 2 loại: Giá dịch vụ cơ bản đáp ứng phần đông mọi đối tượng, mức giá này không vượt quá quy định nhà nước theo tỉ lệ nhất định. Đầu tiên không quá 30% và hàng năm không tăng quá 10%. Và thứ hai là giá dịch vụ theo yêu cầu. Và giá này không theo mức giá quy định tùy theo chất lượng và yêu cầu, mong muốn của bệnh viện. Tất nhiên, cơ cấu giá này phải tuân thủ quy định về cấu thành giá chứ không phải anh muốn đặt ra thế nào thì đặt" – đại biểu lưu ý. 

Về vấn đề tự chủ bệnh viện, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng đây là vấn đề khó nhưng nếu đã giải quyết được vấn đề giá khám, chữa bệnh thì việc vận hành các bệnh viện công tự chủ sẽ tường minh. Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Luật cần giúp cho bệnh viện tự chủ có thể hoạt động tương tự như một công ty nhưng có thêm nhiệm vụ chính trị là chăm sóc sức khỏe cho người dân trong các tình huống cấp cứu. 

Còn nhiều băn khoăn

Cũng cho rằng không có đủ thời gian nghiên cứu dự án luật, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho biết, hồ sơ dự án luật được gửi cho đại biểu vào 21h55 ngày 4/1 và hơn 5h ngày 6/1 lại có báo cáo giải trình, tiếp thu thay đổi. Trừ đi 3 buổi họp Quốc hội và mặc định không đọc các tài liệu thuộc nội dung khác thì đại biểu chỉ có vài tiếng nghiên cứu cả nghìn trang tài liệu là không đủ thời gian.

060120230301-tc-phước.jpg -0
Các đại biểu tại phiên họp.

Đáng chú ý, đại biểu Lê Hoàng Anh chỉ ra rằng, số điều khoản của dự thảo giao Chính phủ quy định chi tiết đã tăng lên, đến nay đã hơn 40 điều, chiếm hơn 30% số điều luật và nhiều điều giao Bộ trưởng Bộ Y tế. Đây là luật có số điều giao Chính phủ quy định chi tiết nhiều nhất và có nhiều chính sách mới bổ sung, điều chỉnh, nhưng 5 nghị định kèm theo lần đầu gửi hồ sơ chưa sửa đổi, bổ sung nên chưa rõ tính thống nhất, khả thi khi triển khai thực hiện.

“Dự án luật rất quan trọng, tác động đến mọi người dân, liên quan nhiều luật và phải thể hiện được sự ưu việt của chế độ. Tuy nhiên, 8 nhóm vấn đề lớn được cơ quan thẩm tra gợi mở thảo luận bao gồm có vấn đề nằm ở 1 điều, có nội dung nằm ở 1 mục, thậm chí cả 1 chương. Điều đó cho thấy việc tiếp thu, hoàn thiện là khó khăn và nhiều băn khoăn, chưa thống nhất” - đại biểu Lê Hoàng Anh nhấn mạnh.  

Theo đại biểu, “lượng chưa đủ để chuyển thành chất” khi chỉ có hơn 1 tháng, sau kỳ họp thứ 4 để nghiên cứu, tiếp thu trình tại kỳ họp bất thường để thông qua là không đủ với nhiều vấn đề then chốt, vấn đề khó. Đại biểu cũng cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh liên quan nhiều luật, nhưng hiện cũng chưa rõ tính tương thích, đồng bộ, trong đó có Luật Giá và Luật Đấu thầu sửa đổi.

Phương Thuỷ
.
.