Hoàn toàn chủ động trong quyết sách tăng lương cơ sở

Thứ Bảy, 29/10/2022, 18:48

"Với nguồn lực hiện có, chúng ta hoàn toàn chủ động trong quyết sách tăng lương cơ sở khi cấp có thẩm quyền thông qua” – Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết.

Chiều 29/10, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ, thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm, cùng những vấn đề mà dư luận xã hội và báo chí quan tâm.

Sẵn sàng nguồn lực để chuẩn bị cho việc tăng lương cơ sở -0
Các đồng chí chủ trì họp báo.

Chuẩn bị nguồn lực cho việc tăng lương cơ sở

Trả lời câu hỏi về chuẩn bị nguồn lực cho việc tăng lương cơ sở dự kiến từ 1/7/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, ngay từ khi triển khai Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành địa phương phải bố trí nguồn lực tài chính để sẵn sàng khi cấp có thẩm quyền quyết định chính sách cải cách tiền lương. Giải pháp nguồn lực tài chính là tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi.

Từ khi triển khai nhiệm vụ này, tính đến hết năm 2021, theo số liệu từ các địa phương Bộ Tài chính đã tổng hợp, nguồn từ ngân sách địa phương đạt khoảng trên 290.000 tỷ đồng và ngân sách Trung ương là 43.000 tỷ đồng. Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, theo phương án điều chỉnh tăng lương cơ sở đã được Chính phủ trình Quốc hội, tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội... do Ngân sách Nhà nước chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở sẽ cần khoảng 60.000 tỷ đồng.

“Với nguồn lực hiện có, chúng ta hoàn toàn chủ động trong quyết sách tăng lương cơ sở khi cấp có thẩm quyền thông qua” – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.

Sẵn sàng nguồn lực để chuẩn bị cho việc tăng lương cơ sở -0
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Lương cơ sở là căn cứ tính lương của cán bộ, công chức, viên chức... trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác. Trước đây, việc điều chỉnh tăng lương được thực hiện hàng năm, nhưng 3 năm qua không thể thực hiện do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khi lãi suất tăng cao

Trả lời về việc các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước có đánh giá gì về vấn đề này cũng như có giải pháp gì để hỗ trợ các doanh nghiệp về vấn đề vay vốn để sản xuất kinh doanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nói tại Quốc hội, quan trọng nhất là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng cũng như của cả nền kinh tế…

Sẵn sàng nguồn lực để chuẩn bị cho việc tăng lương cơ sở -0
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, với áp lực bảo đảm nguồn vốn để có thể bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cũng như có nguồn vốn để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành từ tháng 9 và gần đây nhất là từ 24/10, điều chỉnh lần 2, tăng lãi suất điều hành và tăng lãi suất trần huy động của các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Điều này bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản và thứ hai là có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. 

Về khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà giải thích là: Tăng lãi suất là phù hợp với xu hướng chung, bảo đảm an toàn thanh khoản, bảo đảm khả năng huy động vốn để cho vay nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước trong quá trình điều hành luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các đối tượng ưu tiên, các tổ chức kinh doanh. Thực tế, các lĩnh vực này từ đầu năm đến giờ tăng trưởng tốt, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

“Chúng tôi có trần lãi suất cho vay ưu tiên, bảo đảm cho 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường. Chúng tôi cũng đang tập trung chỉ đạo bảo đảm cho tăng trưởng tín dụng phù hợp với kinh tế vĩ mô và bảo đảm cho khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp” – Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng thuốc

Trả lời về giải pháp cho tình trạng thiếu thuốc, thiếu thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đã tập trung vào việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc. Đến nay, đã gia hạn được trên 10.000 thuốc có hiệu lực và tiếp tục được cấp giấy lưu hành đến ngày 31/12. Tại thời điểm hiện tại, có khoảng 21.800 thuốc có giấy đăng ký lưu hành hiện đang có hiệu lực và khoảng trên 700 hoạt chất các loại nên đã đảm bảo nguồn cung trên thị trường.

Sẵn sàng nguồn lực để chuẩn bị cho việc tăng lương cơ sở -0
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương.

Căn cứ diễn biến và tình hình bệnh tật và báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành để đảm bảo cung ứng thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, khó khăn về nguồn cung, giúp các cơ sở khám chữa bệnh nắm được thông tin về nguồn cung, các cơ sở cung ứng thuốc cũng nắm được biến động của thị trường dược phẩm để chủ động trong việc xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc đảm bảo công tác khám, chữa bệnh.

Một số giải pháp đảm bảo nguồn cung thuốc trong thời gian tới: Thứ nhất, đổi mới tăng cường hiệu quả đối với công tác đăng ký lưu hành thuốc nhằm đảm bảo nguồn cung về thuốc. Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược theo hướng gia hạn tự động giấy đăng ký lưu hành thuốc nhằm cải cách tối đa thủ tục hành chính.

 Bộ Y tế cũng xây dựng các biện pháp nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc hiếm, thuốc có nguồn cung hạn chế. Kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ với thuốc hiếm, thuốc đặc thù điều trị các bệnh hiếm gặp; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược triển khai sản xuất các thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước…

Thu Thuỷ
.
.