Phó Thủ tướng Lê Minh Khái "chốt" thời hạn trình phương án điều chỉnh giá điện trước ngày 25/10

Thứ Tư, 11/10/2023, 19:20

Ngày 11/10, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác điều hành giá 9 tháng năm 2023 và định hướng những tháng còn lại của năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã cho ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với một số mặt hàng, dịch vụ quan trọng..

Theo đó, về giá điện, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình phương án điều chỉnh giá trước ngày 25/10/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trình tự, thủ tục quy định.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung cho hệ thống phân phối của cả nước; sẵn sàng các biện pháp xử lý kịp thời về giá khi thị trường có biến động.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chốt phương án trình giá điện trước ngày 25/10.

Đối với Bộ Y tế, căn cứ vào thẩm quyền và sự cần thiết, Phó Thủ tướng đề nghị trình Chính phủ cho ý kiến đối với phương án điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong tháng 10/2023; cân nhắc ban hành Thông tư về giá dịch vụ y tế theo trình tự rút gọn.

Đối với các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời báo cáo, đề xuất giải pháp khi có biến động để xử lý.

Đối với mặt hàng vật liệu xây dựng trong đó có cát san lấp, Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng theo dõi chặt chẽ diễn biến cung cầu; đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ hiệu quả.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp, chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để có giải pháp sản xuất, dự trữ, điều tiết hàng hóa, bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhất là đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu.

Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá khi hàng hóa có biến động bất thường.

Công tác thông tin, tuyên truyền tiếp tục đẩy mạnh, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và người dân để kiểm soát lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Trân Trân
.
.