Sân bay chuyên dùng của lực lượng vũ trang được xem xét sử dụng lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế

Thứ Tư, 07/06/2023, 15:35

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong Thông báo số 208/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Thường trực Chính phủ đồng ý Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thống nhất thông qua nội dung Quy hoạch.

Thường trực Chính phủ lưu ý: Nội dung quy hoạch bảo đảm đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trong từng thời kỳ quy hoạch, theo đó, các sân bay tiềm năng của các địa phương có thể được đầu tư xây dựng khi đủ điều kiện, có nhu cầu và nhất là huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện; các sân bay chuyên dùng của các lực lượng vũ trang cũng sẽ được xem xét sử dụng lưỡng dụng phục vụ cho phát triển cả kinh tế và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Sân bay chuyên dùng của lực lượng vũ trang được xem xét  sử dụng lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế -0
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất,  thời kỳ 2021 - 2030 sẽ hình thành 30 sân bay.

Dự thảo Quyết định phê duyệt cần có một danh mục các sân bay tiềm năng làm cơ sở triển khai ngay khi có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện quy định; nghiên cứu bổ sung điều khoản cho việc đưa ra khỏi quy hoạch các cảng hàng không, sân bay khi không triển khai được và bổ sung các cảng hàng không, sân bay khi có nhu cầu và đủ điều kiện thực hiện ngay.

Cùng đó, Thường trực Chính phủ đồng ý xem xét, bổ sung sân bay Gia Bình của Bộ Công an (đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích an ninh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tại văn bản số 489/TTg-NN ngày 4/6/2022) vào danh mục các sân bay tiềm năng và duyệt quy hoạch bổ sung chính thức khi đủ điều kiện, đúng thẩm quyền để thực hiện ngay.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu đầy đủ ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Thường trực Chính phủ giao Phó Thủ trướng Trần Hồng Hà thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 trước ngày 7/6/2023.

 Được biết, trước đó Bộ Giao thông vận tải đề xuất: Thời kỳ 2021 - 2030 sẽ hình thành 30 sân bay (hiện cả nước khai thác 22 trong số 23 sân bay theo quy hoạch) bao gồm: 14 sân bay quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc;

16 sân bay quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa (sân bay Thành Sơn và sân bay Biên Hòa được quy hoạch để khai thác lưỡng dụng). Trong số này, những sân bay mới đến 2030 gồm Thành Sơn, Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Nà Sản (tỉnh Sơn La), Sa Pa (tỉnh Lào Cai)... Trong thời kỳ này, tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch sân bay quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hình thành 33 sân bay gồm: 14 sân bay quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc, như trước đây);

19 sân bay quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hòa, Thành Sơn và sân bay thứ 2 phía đông nam, nam thủ đô Hà Nội).

Với một số sân bay do địa phương đề xuất, sẽ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch sân bay tại một số tỉnh có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ như: Hà Giang (huyện Bắc Quang), Tuyên Quang (huyện Hàm Yên), Hà Tĩnh (huyện Cẩm Xuyên), Kon Tum (thị trấn Măng Đen),

Quảng Ngãi (đảo Lý Sơn), Bình Thuận (đảo Phú Quý), Khánh Hòa (Khu kinh tế Vân Phong), Đắk Nông (huyện Đắk Glong), Tây Ninh (huyện Dương Minh Châu)...; báo cáo Thủ tướng xem xét việc bổ sung quy hoạch khi có nhu cầu, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và nguồn lực đầu tư.

Phạm Huyền
.
.