Thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

Thứ Năm, 12/01/2023, 17:32

Trong năm 2022 đã xử lý kỷ luật trên 200 cán bộ, công chức của các cơ quan này có sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó chuyển xử lý hình sự 74 trường hợp.

Chiều 12/1, Ban Nội chính Trung ương đã họp báo, thông tin về Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC).

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học thông tin với các cơ quan báo chí về những kết quả nổi bật trong năm qua và cho biết, sáng 12/1, Phiên họp thứ 23 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC (Ban Chỉ đạo) cho ý kiến đối với 3 nội dung: Kiểm điểm kết quả hoạt động năm 2022; chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo; Kết quả chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo đến nay; Kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực

Kỷ luật 539 đảng viên, 47 cán bộ cấp cao

Tại Phiên họp, qua thảo luận, Ban Chỉ đạo thống nhất một số vấn đề mà năm 2022 đã đạt được. Cụ thể, năm 2022, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh, tạo hiệu quả rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTNTC.  Ban chấp hành Trung ương đã ban hành gần 50 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, hướng dẫn về xây dựng Đảng, PCTNTC, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh; về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN trong giai đoạn mới… Bên cạnh đó, chỉ đạo đẩy mạnh, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; kỷ luật nghiêm minh, khuyến khích từ chức, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp, tạo bước tiến mới trong đấu tranh PCTNTC, được nhân dân, dư luận đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. 

Đáng lưu ý, trong năm 2022, đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước); đồng thời cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 đồng chí; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 3 Thứ trưởng và tương đương, 1 Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV).

Thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý  -0
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học thông báo kết quả Phiên họp thứ 23.

Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút. Công tác PCTNTC trong các cơ quan chống tham nhũng được chú trọng, tăng cường; trong năm đã xử lý kỷ luật trên 200 cán bộ, công chức của các cơ quan này có sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó chuyển xử lý hình sự 74 trường hợp. Cùng với đó, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử; phát hiện, xử lý nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, tạo bước đột phá quan trọng trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. 

Trong năm 2022, trên cả nước đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can về tội tham nhũng (tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021). Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 11 vụ/37 bị can, khởi tố bổ sung 120 bị can trong 22 vụ án; kết luận điều tra 21 vụ/285 bị can… “Điểm nổi bật là các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, khởi tố mới nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, rất phức tạp, dư luận xã hội rất quan tâm xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, có sự đan xen giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước”, thông báo nêu. Điểm đáng lưu ý khác là công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong toả tài khoản trị giá trên 364.000 tỷ đồng (tăng hơn 10 lần so với năm 2021); cơ quan thi hành án dân sự thu hồi được 27.400 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2021).

Một số vụ án trọng điểm tập trung xử lý năm 2023

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC, xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng và Nhà nước, bảo đảm đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để PCTNTC trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế xử lý những phản ánh, tố giác về tham nhũng, tiêu cực. Khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật liên quan đến tài chính, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, trái phiếu, quy hoạch xây dựng, đấu thầu, đấu giá, định giá... và các vấn đề cụ thể mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã kiến nghị, đề xuất.

Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật; tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Khẩn trương hoàn thành thanh tra các chuyên đề theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo.

Tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 12 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 12 vụ việc chỉ đạo kết thúc điều tra 12 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 12 vụ việc; truy tố 17 vụ án; xét xử sơ thẩm 21 vụ án, xét xử phúc thẩm 3 vụ án, trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, gồm: (1) Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; (2) Vụ án xảy ra tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng (liên quan đến hợp tác nghiên cứu, sản xuất kit test COVID-19 với Công ty Việt Á); (3) Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; (4) Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS, Công ty Cổ phần Xây dựng Faros và các công ty có liên quan; (5) Vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; (6) Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; (7) Vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan; (8) Vụ án xảy ra tại Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; (9) Vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn II); (10) Vụ án xảy ra tại khóm 5, phường Châu Phú An, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Công tác phòng chống tham nhũng có bước tiến vượt bậc

Tại buổi họp báo, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, đồng chí Tổng Bí thư đánh giá công tác PCTN có bước tiến mới vượt bậc, thông qua đấu tranh PCTNTC chúng ta nhận thức sâu sắc tham nhũng tiêu cực với đầy đủ mức độ tinh vi phức tạp, tác hại của tiêu cực.  

Bước tiến trong quyết tâm PCTNTC đó là nhiều vụ án, vụ việc đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu phải làm rõ đến tận cùng bản chất, kiên quyết xử lý nghiêm minh, đến nơi đến chốn các hành vi TNTC, dù đối tượng có bỏ trốn ra nước ngoài chúng ta vẫn kiên quyết xử lý, tuyên án vắng mặt. Qua việc xử lý các bị cáo trốn ra nước ngoài thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta: đã vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý.

Bước tiến vượt bậc thứ 2, theo Phó trưởng ban Nội chính là chúng ta càng làm bài bản hơn, lớp lang hơn, chắc chắn hơn và thuyết phục hơn: Kỷ luật đảng trước, kỷ luật hành chính rồi đến xử lý hình sự, làm rất chắc chắn nên không chỉ nhân dân và ngay cả những người bị xử lý cũng tâm phục, khẩu phục, nhận tội; nhiều đối tượng ở nước ngoài vẫn gửi thư về thừa nhận hành vi phạm tội, khai rõ nhận bao nhiêu tiền, nhận như thế nào và xin khoan hồng. “Có kết quả này là quá trình đấu tranh bài bản, chắc chắn của các cơ quan chức năng” – đồng chí Nguyễn Thái Học cho biết và nhấn mạnh sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn giữa các cơ quan chức năng từ kiểm tra, thanh tra, điều tra, thi hành án và phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương. Hiệu quả to lớn chúng ta không thể đong đo bằng số liệu đó là Đảng mạnh hơn, kỷ luật kỷ cương được tăng cường hơn, lòng tin của người dân vào Đảng vào chế độ được nâng lên, được khẳng định, được phát huy…

Phương Thuỷ
.
.