Thiết lập "hành lang xanh" trong ASEAN, hồi sinh du lịch sau đại dịch

Thứ Ba, 24/08/2021, 15:50

Tiếp tục chương trình nghị sự tại AIPA 42, chiều 24/8, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến dẫn đầu đã tham dự Phiên họp Ủy ban Kinh tế để xem xét 2 dự thảo Nghị quyết về "Thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa (MSME) và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN" và về "Phục hồi Kinh tế sau Đại dịch: Hợp tác du lịch trong ASEAN".

Đề xuất dự thảo Nghị quyết về phục hồi kinh tế sau đại dịch, Đoàn Thái Lan nhấn mạnh, tác động của COVID-19 lên ngành du lịch là rất mạnh, do đó đã đến lúc du lịch ASEAN cần có cách tiếp cận mới, trong đó hợp tác du lịch cần hướng tới các mục tiêu hội nhập ASEAN, hồi sinh ngành du lịch sau đại dịch.

Dự thảo nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác du lịch của các quốc gia ASEAN để phục hồi kinh tế sau đại dịch; AIPA tái khẳng định cam kết của mình hỗ trợ kế hoạch phục hồi du lịch trong khu vực, hướng tới du lịch bao trùm, bền vững và tự cường. Dự thảo cũng nêu việc hỗ trợ ngành du lịch với yếu tố quan trọng là vaccine ngừa COVID-19, đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận bình đẳng, với giá cả phải chăng, giúp cho việc phục hồi.

Thiết lập

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên họp Ủy ban Kinh tế. 

Góp ý tại phiên họp, Đoàn Việt Nam cho rằng, Nghị viện các nước ASEAN tham gia chặt chẽ vào quá trình triển khai các kế hoạch phục hồi ASEAN hậu đại dịch, hướng tới sự ổn định và phát triển trong khu vực, đặc biệt là Quỹ ASEAN Ứng phó COVID-19, Sáng kiến tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với các thảm họa thiên tai; hối thúc việc triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về An ninh và Tự cường vaccine, Kho Dự trữ Trang thiết bị y tế ASEAN và Khung Phục hồi Tổng thể ASEAN.

Các nghị viện ủng hộ Tầm nhìn Du lịch ASEAN đến năm 2025 hướng tới du lịch trách nhiệm và bền vững; thúc đẩy phục hồi xanh và đa dạng văn hóa trong du lịch. Đoàn Việt Nam cũng cho rằng cần khuyến khích xây dựng cơ chế "bong bóng du lịch", thiết lập "hành lang xanh", tạo ra các tuyến đường đặc biệt đến các địa điểm du lịch tại các quốc gia thành viên.

Về dự thảo Nghị quyết "Thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa (MSME) và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN" do Malaysia và Brunei đồng soạn thảo, đại diện Đoàn Brunei cho rằng, sự ảnh hưởng của đại dịch đến toàn cầu, nhất là sự phát triển và hội nhập của kinh tế ASEAN. Ngoài thị trường tài chính, dịch bệnh COVID-19 còn tác động đến các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, trong đó có các doanh nghiệp MSME. Do đó, quá trình phục hồi cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phục hồi các doanh nghiệp MSME.

Thiết lập

Toàn cảnh hội trường tại điểm cầu Việt Nam. 

Trong ứng phó với đại dịch COVID-19, ASEAN cũng nhấn mạnh bao trùm kỹ thuật số, có kế hoạch hành động và đây là những nỗ lực phù hợp của khu vực để tăng cường đổi mới, sáng tạo cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp, hỗ trợ việc hội nhập số trong ASEAN. Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thông qua 13 mục tiêu kinh tế ưu tiên với trọng tâm là phục hồi sau dịch COVID-19, số hóa và tính bền vững, trong đó khuyến khích hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu.

Cho rằng các doanh nghiệp MSME là đối tượng dễ bị tổn thương nên ASEAN đưa vào kế hoạch chung thúc đẩy sử dụng kỹ thuật số, tập trung tận dụng hơn nữa các khuôn khổ số và hướng đến các MSME. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần thu hẹp khoảng cách về số, cung cấp cơ hội phát triển hơn nữa trong nền kinh tế số, tận dụng thành quả công nghệ và triển khai các kế hoạch kết nối đến 2025. Do đó, việc các nghị viện thành viên thông qua nghị quyết này sẽ khẳng định cam kết, quyết tâm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp MSME hội nhập kinh tế thông qua tăng cường hơn nữa kỹ thuật số.

Góp ý vào dự thảo, phía Việt Nam đề nghị Nghị viện các nước hoàn thiện cơ sở pháp lý và chính sách hướng tới hài hòa hóa hội nhập kinh tế và phục hồi xanh và bao trùm tại khu vực ASEAN, ưu tiên kết nối, đặc biệt là kết nối tiểu vùng, vùng sâu và vùng xa, nhằm đạt được mục tiêu hội nhập tại các ngành kinh tế có tính dẫn dắt cho quá trình hội nhập kinh tế tổng thể khu vực ASEAN.

Cùng với đó là huy động và phân bổ đủ ngân sách và nguồn lực cho kết nối kỹ thuật số, trong đó nhấn mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực kỹ thuật số cho người dân trong khu vực ASEAN. Các nghị viện cần ủng hộ việc thực thi có hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số bao trùm thuộc Khung phục hồi tổng thể ASEAN và đẩy nhanh việc xây dựng Chiến lược hợp nhất Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) cho ASEAN.

Bên cạnh đó khuyến khích mỗi quốc gia xây dựng định hướng số hóa cho doanh nghiệp MSME, tập trung vào tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực và khả năng cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế số. Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp MSME chuyển đổi số và các nền tảng công nghệ số xuất sắc trong các nước ASEAN.

Quỳnh Vinh
.
.