Thu hồi đất, trái phiếu doanh nghiệp, môi trường là những điểm “nóng”

Thứ Ba, 13/09/2022, 10:55

Vẫn còn tình trạng bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân chưa phù hợp, cá biệt có địa phương bố trí cán bộ kém năng lực, hợp lý hóa gia đình, sắp nghỉ chế độ..., bố trí cán bộ nghỉ hưu làm theo hợp đồng để tiếp công dân.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, sáng nay, 13/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, Phó Trưởng Đoàn giám sát trình bày báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.

Khiếu nại liên quan đến ô nhiễm môi trường gia tăng

Báo cáo nêu rõ, từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021 là giai đoạn tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp, nhất là khi đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, nhận thức pháp luật của người dân có những chuyển biến rõ rệt. “Số vụ việc khiếu nại, tố cáo về hành chính có xu hướng giảm trong một số năm gần đây nhưng số vụ việc thuộc lĩnh vực tư pháp có xu hướng tiếp tục tăng, nhất là án hành chính, dân sự - kinh tế”, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ.

Đoàn giám sát dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, cụ thể về các lĩnh vực liên quan đến việc thu hồi đất, nhất là ở các địa phương đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công lớn, các dự án phát triển kinh tế - xã hội và tập trung ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều dự án phải thu hồi, bồi thường đất. Bên cạnh đó, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản đối với các dự án bất động sản du lịch, nhà ở thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực môi trường tiếp tục gia tăng, nhất là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng nguyên vật liệu, khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường gần khu dân cư sinh sống. Khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp cũng tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trong lĩnh vực hành chính. Việc xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm hoàn thiện thể chế và tổ chức, bộ máy góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp.

Thu hồi đất, trái phiếu doanh nghiệp, môi trường là những điểm “nóng” -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Qua giám sát, Đoàn giám sát nhận thấy, bên cạnh kết quả đạt được, việc tiếp nhận, xử lý đơn thư còn hạn chế, vẫn còn có sự nhầm lẫn trong việc phân loại đơn, giữa đơn khiếu nại, tố cáo với đơn kiến nghị, phản ánh; đơn tố cáo hành chính với đơn tố giác tội phạm. Chất lượng công tác thẩm tra, xác minh trong quá trình giải quyết, nhất là lần đầu của cấp huyện, có nơi còn làm chưa tốt, có sai sót nên nhiều vụ việc phải giải quyết nhiều lần; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Một trong những nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế trên là do một số văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực chưa đồng bộ, cơ chế chính sách pháp luật có sự thay đổi qua nhiều giai đoạn, mỗi địa phương quy định khác nhau, thiếu quy định chuyển tiếp, thiếu rõ ràng, cụ thể hoặc có sự chồng chéo, mâu thuẫn.

Có tình trạng bố trí cán bộ kém năng lực tiếp công dân

Về việc thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân, nhất là khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, có hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân ngày càng chuyển biến rõ rệt.

Việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, tiếp công dân đột xuất của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đã được quan tâm thực hiện thường xuyên. Việc bố trí công chức làm công tác tiếp công dân cơ bản đã đảm bảo cử người có năng lực, trình độ chuyên môn về pháp luật và có trách nhiệm để đảm đương nhiệm vụ.

Tuy nhiên, ở 1 số nơi, việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật . Vẫn còn tình trạng bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân chưa phù hợp, cá biệt có địa phương bố trí cán bộ kém năng lực, hợp lý hóa gia đình, sắp nghỉ chế độ..., bố trí cán bộ nghỉ hưu làm theo hợp đồng để tiếp công dân.

Việc quy định tiếp công dân thường xuyên của một số cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp với thực tiễn do đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của mỗi cơ quan có sự khác nhau nên có nhiều cơ quan số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc lĩnh vực phụ trách không nhiều nên cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, tránh hình thức và đảm bảo khả thi trong thực tiễn.

Ngoài ra, việc phối hợp trong công tác tiếp công dân giữa cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan hành chính các cấp chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao và vẫn còn địa phương nơi tiếp công dân còn bố trí ở địa điểm chưa thật sự thuận lợi cho công dân, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Phương Thuỷ
.
.