Tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền Luật Cảnh sát biển đến với ngư dân

Thứ Năm, 28/10/2021, 18:51

Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 8 chương, 41 điều, 7 nhóm nhiệm vụ và 10 quyền hạn có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản, đề án thi hành Luật là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, trong đó trực tiếp là lực lượng Cảnh sát biển nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong thời gian qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã có nhiều hình thức triển khai đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giới thiệu các nội dung của Luật đến các địa phương ven biển và trực tiếp đến với bà con ngư dân đánh bắt trên biển. 

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thông qua những buổi tuyên truyền tập trung ở các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng và các địa bàn từ cấp xã, phường, nhất là ở các địa phương ven biển để mọi người hiểu đầy đủ, chính xác hơn về chính sách, pháp luật quản lý, bảo vệ biển, đảo của Việt Nam nói chung, Luật Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng; xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, có trách nhiệm, luôn tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế.

Tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền Luật Cảnh sát biển đến với ngư dân -0
Phát tờ rơi, tuyên truyền Luật Cảnh sát biển tới ngư dân.

Để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa Luật Cảnh sát biển Việt Nam tới mọi tầng lớp nhân dân, mới đây nhất, Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển là Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo, Ban tổ chức đã tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam”. 

Sau một tháng diễn ra, Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của nhiều tầng lớp nhân dân. Không chỉ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, cụ thể hóa các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện “Đề án Tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 – 2023” của Chính phủ mà Cuộc thi còn góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quyết tâm đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 đi nhanh vào cuộc sống, trở thành nền tảng, cơ sở pháp lý vững chắc để lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng chức năng trên biển tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Trong thời gian tới, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng, bảo đảm ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc - tôn giáo” của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát cấp ủy, chỉ huy các cấp trực thuộc trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng “Tủ sách pháp luật điện tử” để đông đảo người dân có thể truy cập và tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ biển đảo của Tổ quốc và lực lượng Cảnh sát biển.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân thêm hiểu rõ, hiểu sâu về công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật trên các vùng biển đảo, sẵn sàng chung sức, chung lòng cùng với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển.

T.H
.
.