Vẫn còn nhiều văn bản pháp luật bất cập, lạc hậu với thực tiễn

Thứ Tư, 01/11/2023, 18:50

Với hơn 500 văn bản gồm cả văn bản luật và dưới luật được rà soát, những nội dung được phát hiện là mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều, chủ yếu do bất cập, lạc hậu với thực tiễn

Chiều 1/11, tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; góp ý về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV... Nhiều đại biểu cho rằng, văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, theo báo cáo rà soát, chỉ có 6,5% là văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, phần lớn là văn bản có bất cập, vướng mắc, tập trung ở các văn bản dưới luật. "Chính vì vậy, tôi đề nghị báo cáo cần phân tích cụ thể hơn các nguyên nhân chủ quan của tình trạng này, đó là do cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực hiện nghiêm quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay việc lấy ý kiến chưa đầy đủ hoặc việc đánh giá tác động của chính sách chưa sâu, mang tính hình thức hay là việc tiếp thu, giải trình của các cơ quan soạn thảo có lúc còn mang tính chủ quan" - đại biểu nêu. 

Đại biểu đồng tình với kiến nghị của Ủy ban Pháp luật là tập trung xử lý văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát với lộ trình và trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành và nhất là quan tâm tới việc giám sát xử lý kết quả sau rà soát.

Hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, bất cập -0
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại phiên thảo luận.

Phát biểu tranh luận với các ý kiến cho rằng chất lượng hệ thống pháp luật còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, việc Quốc hội yêu cầu rà soát hệ thống pháp luật là kịp thời để có những đề xuất sửa đổi, có được giải pháp để làm tốt hơn không  chỉ trong xây dựng pháp luật mà kể cả trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Đại biểu cho biết, với hơn 500 văn bản gồm cả văn bản luật và dưới luật, những nội dung được phát hiện là mâu thuẫn, chồng chéo tuy là có những không nhiều và chủ yếu do bất cập, lạc hậu với thực tiễn; đồng thời, đại biểu nhấn mạnh ý nghĩa của việc rà soát pháp luật và đề nghị việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không dừng ở đây, thực hiện theo đợt mà phải tiến hành thường xuyên và kết quả rà soát cần phải thực hiện để làm thông tin dữ liệu đầu vào phục vụ nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật.

Hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, bất cập -0
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu tranh luận.

Cũng phát biểu tranh luận với một số ý kiến cho rằng hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta còn nhiều bất cập, chồng chéo và khó thực hiện, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho biết, thực hiện ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận ở tại các kỳ họp trước đây, Nghị quyết 101 của Quốc hội đã giao Chính phủ tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và đã có báo cáo tại kỳ họp này với mục tiêu, qua rà soát cần nhận diện, chỉ rõ, xác định cụ thể những quy định trong các luật và văn bản dưới luật có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập và những vấn đề vướng mắc gây khó khăn, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung....

Đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu rõ, với gần 70 % nội dung được phát hiện có bất cập, vướng mắc trong luật và thuộc các dự án luật đã có ở trong chương trình, tại kỳ họp lần này cũng có rất nhiều nội dung đã được trình Quốc hội như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản...Trong các nội dung đó, các nội dung của văn bản dưới luật được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo và vướng mắc, bất cập có một số nội dung chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, có trường hợp chưa kịp thời cập nhật nội dung sửa đổi của các văn bản cơ quan nhà nước cấp trên.

Hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, bất cập -0
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến đại biểu.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Tổ công tác của Chính phủ thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã cố gắng, nỗ lực rất lớn, chủ động tiếp cận các nguồn thông tin từ nhiều nguồn khác nhau: báo cáo của các bộ, ngành, của các địa phương, tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc của Thủ tướng Chính phủ.

Về kết quả giám sát, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, các vấn đề vướng mắc, bất cập là có và đã được nêu trong báo cáo, trong đó, có mâu thuẫn chồng chéo ở tầm luật; đồng thời, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường vai trò, nhất là vai trò hiến định của mình là giải thích các vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền.

Thu Thuỷ
.
.