Việt Nam đề nghị Hà Lan hỗ trợ xây dựng logistics mang tầm cỡ quốc tế

Thứ Hai, 12/12/2022, 05:28

Thăm, làm việc, tọa đàm với Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Hà Lan, Tổng Giám đốc Heineken và các doanh nghiệp hàng đầu Hà Lan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước, quốc tế tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển trên tinh thần lợi ích hài hòa, hai bên cùng có lợi, cùng thắng. 

Tiếp tục chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, 15h30’ ngày 11/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ Việt Nam đã gặp Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Hà Lan (VNO) Ingrid Thijssen, Tổng giám đốc Heineken Global Dolf Van Den Brink, dự tọa đàm với một số lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Hà Lan.

Tại buổi gặp, Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Hà Lan bày tỏ mong muốn Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa, nhất là các thể chế chính sách. Trước đề xuất này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hà Lan là đối tác thương mại lớn nhất châu Âu đầu tư vào  Việt Nam với 14 tỷ USD. Thủ tướng Phạm Minh Chính rất ấn tượng, hoan nghênh mô hình kiềng ba chân "Airport, Seaport, Brainport", mong muốn Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Hà Lan hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Việt Nam là một nước đang phát triển, tập trung cải cách thể chế, phát triển hạ tầng và luôn nỗ lực tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Đồng tình trước những chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Hà Lan thống nhất những mối quan tâm chung của hai bên, đó là lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như logistics, nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm, cảng biển... Chính vì vậy, Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Hà Lan thống nhất, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong thời gian tới để đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chủ tịch Liên đoàn giới chủ cũng đánh giá cao Chính phủ Việt Nam cải cách thể chế, đồng thời mong muốn và tin tưởng các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam ổn định về thể chế.

Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư quốc tế trên tinh thần hài hòa lợi ích, hai bên cùng thắng -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với đại diện các lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp lớn của
Hà Lan.

Cảm ơn ý kiến của bà Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa để hợp tác hai bên cùng có lợi.

Tiếp đó, Tổng giám đốc Heineken Global Dolf Van Den Brink nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam thăm ngôi nhà lịch sử của Heineken. Tổng Giám đốc Heineken khẳng định, thị trường Việt Nam là hết sức quan trọng, đây là một trong những thị trường phát triển nhất trên thế giới. Heineken có mặt tại Việt Nam từ năm 1991, đến nay đã được 31 năm. Tới thời điểm này, đầu tư của Heineken vào Việt Nam đạt 1 tỷ USD.

Tổng Giám đốc Heineken Global Dolf Van Den Brink thông tin với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Heineken đã có nhiều nỗ lực đầu tư vào Việt Nam, nhiều năm là top 3 doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách nhiều nhất cũng như đảm bảo cho an sinh xã hội. Trong vòng 10 năm tới, Heineken dự kiến đầu tư tiếp 500 triệu USD. Heineken cũng vừa khánh thành một nhà máy tại Bà Rịa Vũng Tàu, do đó mong Việt Nam luôn ổn định chính trị, các thể chế luôn mang chuẩn quốc tế, nhất là về chính sách thuế. Nếu được vậy sẽ là thuận lợi mở rộng cơ hội cho các nhà đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam luôn cải cách hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đất đai, đăng ký kinh doanh; ổn định chính sách cho các nhà đầu tư; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư. Mong nhà đầu tư như Heineken ngoài đầu tư kinh doanh còn làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, quan tâm các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Đối với chính sách thuế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên phải suy nghĩ đổi mới, cải cách nhưng phải ổn định, tuân thủ nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, điều tiết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Việc điều tiết này phải đổi mới, phù hợp tình hình. Chính sách thuế phụ thuộc vào lĩnh vực nào được ưu đãi, nguyên tắc cơ bản nhất vẫn là lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải hài hòa lợi ích. Việc điều tiết tất nhiên phải bảo đảm cho các nhà đầu tư thu hồi vốn, có lãi.

Tổng Giám đốc Heineken đồng tình, nhất trí cao chủ trương hài hòa lợi ích mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra tại buổi gặp gỡ, đồng thời khẳng định luôn hài hòa trong phát triển bền vững.

Cùng ngày, dự và phát biểu trong tọa đàm với một số lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam đang tập trung giảm thiểu khí thải, tăng cường trồng rừng, chuyển đổi năng lượng hóa thạch.

“Chúng ta đang sống trong thời kỳ năng lượng động cơ đốt trong chuyển sang năng lượng sạch. Đây là những vấn đề chúng ta cần phải làm đồng thời. Mỗi quốc gia đều phải làm vì nó là vấn đề toàn cầu, cần sự chung tay bởi không ai đứng ngoài cuộc, không một quốc gia nào tự giải quyết được vấn đề đó một mình. Những vấn đề đó cũng tác động đến tất cả người dân trên thế giới này, chính vì vậy Việt Nam luôn lấy người dân làm trung tâm, chủ thể cho sự phát triển kinh tế - xã hội”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang triển khai nhiều chương trình giảm khí thải, tăng cường trồng rừng, giải quyết những vấn đề liên quan đến hiệu ứng nhà kính, chuyển đổi năng lượng. Việt Nam là đất nước nhiệt đới gió mùa, nắng gió quanh năm nên tập trung phát triển năng lượng nắng và gió, những nguồn năng lượng sạch. Việt Nam tự mình vận động, trên nguyên tắc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện.

Trong quá trình đó, để làm được, Việt Nam đang cần vốn, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, quản trị, xây dựng thể chế, phù hợp với cam kết quốc tế, để các nhà đầu tư trong nước, quốc tế luôn yên tâm khi đầu tư trong môi trường ổn định phát triển.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngoài vốn thì Việt Nam cần nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác phối hợp nhằm đào tạo con người đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Quá trình các ngân hàng, tổ chức hỗ trợ vay vốn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần công bằng, công lý vì Việt Nam là một nước đang phát triển, phải gánh vác trách nhiệm, làm những việc như những nước phát triển thì sẽ tạo nên khó khăn cho Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam phải chọn nguồn điện sạch. Việt Nam đã từ bỏ nguồn điện hóa thạch gây ô nhiễm môi trường, tăng cường xây dựng năng lượng sạch. Cần có tải điện, tích điện hợp lý và phân phối điện hiệu quả. Các nhà đầu tư quốc tế cần tính toán hợp lý về giá điện sao cho mọi người dân đều có cơ hội, dễ dàng sử dụng và cảm thấy hạnh phúc với điều đó. Để làm được điều đó, phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó có lãi xuất cho vay cần hợp lý, đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực giúp Việt Nam.

Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đang xây dựng nền công nghiệp về năng lượng sạch. Khi có sự hỗ trợ giúp đỡ của các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài về công nghệ, vốn, nhân lực… Việt Nam sẽ làm thành công bởi đây là đòi hỏi tất yếu của khách quan phát triển.

Về nông nghiệp bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam là đất nước nông nghiệp cũng như Hà Lan cách đây gần 50 năm. Việt Nam không thể bỏ được lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam dựa vào nông nghiệp, công nghiệp và hiện nay là tập trung đổi mới sáng tạo. Nông nghiệp Việt Nam là nông nghiệp bền vững, đảm bảo kinh tế cho người lao động; triển khai nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Liên quan đến rác thải nông nghiệp, Việt Nam đã kiểm soát và tăng cường kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang đi theo những hướng trên để phát triển bền vững. Nông nghiệp cũng là trụ đỡ cho Việt Nam kiểm soát tình hình lạm phát. Ngoài việc phục vụ nhu cầu trong nước, Việt Nam còn xuất khẩu những sản phẩm nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới. Đồng bằng sông Cửu Long là nơi bị tác động lớn nhất về biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan tiếp tục đầu tư, hỗ trợ giúp đỡ Việt Nam trên lĩnh vực này.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam đang triển khai hỗ trợ ngay, sớm những chính sách hỗ trợ đầu tư quốc tế, đồng thời cũng mong các nhà đầu tư quốc tế tham gia cùng với Việt Nam trong việc xây dựng những chính sách phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Đối với lĩnh vực hàng hóa, vận chuyển quốc tế, Thủ tướng khẳng định: Việt Nam nằm trong khu vực lưu lượng hàng hóa lớn của thế giới, chính vì vậy Việt Nam luôn nhận thức phải đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn đường hàng hải, hàng không, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giới thiệu về những tiềm năng liên quan đến lĩnh vực kinh tế biển, đồng thời cho biết sẽ xây dựng những hệ thống cảng biển lớn, phục vụ cho việc phát triển, luân chuyển hàng hóa. Quá trình hoạt động, khai thác nguồn tài nguyên, Việt Nam hết sức chú ý đảm bảo các yếu tố về đảm bảo môi trường, phát triển bền vững. Việt Nam không đánh đổi việc phát triển kinh tế với ô nhiễm môi trường. Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất trên các lĩnh vực để các nhà đầu tư quốc tế và Hà Lan phát triển trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hợp tác phải trên tinh thần cùng phát triển.

Trên tinh thần cởi mở, gần gũi, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn nhận được nhiều câu hỏi, đồng thời trực tiếp trả lời, trao đổi với các nhà đầu tư quốc tế. Tại buổi tọa đàm, các ý kiến của những nhà đầu tư lớn đều đánh giá cao, đồng tình với các nội dung, đề xuất, gợi mở cách thức đầu tư trong phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính; khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam cùng nhau phát triển.

Hoàng Phong
.
.