Xây dựng các dự án luật đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phục vụ nhân dân

Thứ Tư, 21/06/2023, 08:00

Trong hai kỳ họp thứ 5 và thứ 6 Quốc hội khóa XV, nhiều dự án luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng đã và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét và thông qua. Các dự án luật này đều được xây dựng xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển Chính phủ số, khi được thông qua và ban hành sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho xã hội, phục vụ nhân dân tốt hơn. 

Người dân được thụ hưởng nhiều tiện ích

Thông thường, khi đi khám bệnh, người dân sẽ phải mang theo nhiều loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)… Nhân viên tại bệnh viện sẽ mất thời gian xác nhận lại tên tuổi, địa chỉ người bệnh, nhập liệu thông tin vào máy tính…Tuy nhiên, tất cả các thao tác này sẽ được thay thế bằng việc quét mã QR trên căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Hiện nay, nhiều bệnh viện trên cả nước đã thí điểm triển khai sử dụng thẻ CCCD gắn chíp để đăng ký khám chữa bệnh BHYT như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế,  mang lại nhiều thuận lợi cho cả người bệnh và bệnh viện.

6-2.jpg -0
Việc tích hợp thẻ Bảo hiểm y tế vào căn cước công dân gắn chip mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Tích hợp thẻ BHYT trong CCCD gắn chíp đã mang lại rất nhiều tiện ích cho người dân. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong nhiều tiện ích mà người dân được thụ hưởng khi tích hợp các thông tin vào thẻ CCCD. Tại dự án Luật Căn cước do Bộ Công an chủ trì xây dựng, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới đây, Bộ Công an đã xây dựng các quy định về tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ căn cước. Khi đó, việc sử dụng thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước.

Đánh giá về chính sách này, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, đây là chính sách được xây dựng xuất phát từ thực tiễn hiện nay công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ CCCD, thẻ BHYT, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe, giấy đăng ký kết hôn... Việc có quá nhiều loại giấy tờ khác nhau gây khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công. Điều này không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta. Vì vậy, rất cần thiết phải quy định việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước để tạo thuận lợi hơn nữa và tốt nhất cho công dân.

Cũng giống như dự án Luật Căn cước, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Bộ Công an xây dựng trước yêu cầu của cuộc cách mạng chuyển đổi số. Trước đây, để thực hiện thủ tục liên quan đến hộ chiếu như cấp mới, cấp đổi, người dân phải trực tiếp đến cơ quan quản lý về xuất nhập cảnh của Bộ Công an để thực hiện các thủ tục, mang theo nhiều loại giấy tờ. Tuy nhiên, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng số, dự thảo Luật đã quy định hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với nhiều thủ tục như cấp, báo mất và khôi phục giá trị của hộ chiếu phổ thông…, đồng thời bãi bỏ một loạt các quy định nộp bản chụp chứng minh nhân dân hoặc CCCD đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất; bãi bỏ quy định nộp Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người dưới 14 tuổi đã được cấp mã số định danh cá nhân.

Đánh giá tác động của chính sách này, Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an chia sẻ, những quy định này sẽ giúp người dân giảm chi phí đi lại, không phải trực tiếp đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để làm thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông hoặc trình báo mất hộ chiếu phổ thông, đề nghị khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông. Bên cạnh đó, quy định này sẽ giúp giảm được các giấy tờ, thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Từ đó giảm bớt khâu trung gian, hạn chế tiêu cực, sách nhiễu, phiền hà.

Bảo vệ ANTT từ cơ sở, tận dụng nguồn cán bộ giàu kinh nghiệm

Trong các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 lần này, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo ANTT từ cơ sở. Bởi lẽ, trên thực tế cho thấy, đa số các vụ, việc có liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra đều bắt nguồn từ cơ sở, cần được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Và, không ai khác, những người thực hiện nhiệm vụ này chính là lực lượng Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng.

Đánh giá về vai trò của lực lượng này, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhận xét, cùng với lực lượng Công an chính quy, công tác bảo vệ ANTT luôn cần có sự đồng hành của quần chúng nhân dân. Quần chúng nhân dân sẽ cử ra những người đại diện cho mình-những người làm nhiệm vụ bán chuyên trách như bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và dân phòng. Đó là “cánh tay nối dài” đắc lực của lực lượng Công an chính quy, đại diện cho quần chúng nhân dân bảo vệ cho quyền lợi người dân ở cơ sở. Họ là những người sinh ra, lớn lên và sinh sống ngay ở các thôn, bản, làng. Họ nắm bắt được tình hình ANTT ở nơi đây, thậm chí còn nắm bắt được lai lịch của từng con người.

6-1.jpg -0
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Lực lượng Công an chính quy thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở địa bàn không thể căng mình 24/24h làm nhiệm vụ mà cần phải có một lực lượng hỗ trợ. Và, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ là một trong những “vành đai” quan trọng hỗ trợ cho lực lượng Công an chính quy bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở. Như vậy, việc xây dựng dự án Luật này cũng chính là tạo hành lang pháp lý để lực lượng đại diện cho quần chúng nhân dân cùng tham gia bảo vệ ANTT; xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến ANTT và giữ vững ANTT ngay từ địa bàn cơ sở, qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT tại địa bàn cơ sở.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND cũng là một dự án Luật được Bộ Công an xây dựng đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới. Luật đã đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan CAND. Phát biểu ý kiến về đề xuất này của Bộ Công an, đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định, thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm hiện nay đặt ra yêu cầu cần nhiều cán bộ có thời gian công tác lâu năm, nhiều kinh nghiệm, năng lực chuyên môn giỏi để chỉ đạo điều tra phá án. Vì vậy, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo Luật Lao động cũng chính là để tận dụng nguồn cán bộ có năng lực và kinh nghiệm.

Trên thực tế, trong lực lượng CAND có nhiều cán bộ thời gian công tác lâu năm, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, thông thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, phức tạp, trọng điểm về an ninh, trật tự; được nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp tín nhiệm cao về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, đang trực tiếp chỉ đạo giải quyết, điều tra, xử lý những vụ việc, vụ án, chuyên án đặc biệt lớn, phức tạp, đấu tranh với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tham nhũng, ma túy, tội phạm xuyên quốc gia... Nếu được kéo dài hạn tuổi sẽ bảo đảm việc chỉ đạo giải quyết, điều tra, xác minh vụ án, chuyên án liên thông, liên tục cho đến khi kết thúc… Từ đó, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Nguyễn Hương
.
.