Mạnh tay với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” dịp cuối năm, gần Tết

Thứ Sáu, 30/12/2022, 11:44

Gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quỹ Mão 2023. Thời điểm này, nạn “tín dụng đen” có chiều hướng gia tăng. Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cùng Công an các địa phương đã và đang có nhiều biện pháp đấu tranh, cũng như đưa ra các khuyến cáo cho người dân.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, trong những năm gần đây, tình hình về tin dụng đen cơ bản đã được kiềm chế và được các lực lượng chức năng triệt phá, đấu tranh rất là quyết liệt và xử lý nhiều vụ việc, đối tượng.  Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen xuất phát từ nhiều nguyên nhân, điều kiện khác nhau.

Qua quá trình trực tiếp đấu tranh, theo dõi, nguyên nhân tác động ảnh hưởng của đời sống xã hội từ dịch bệnh đến kinh tế khó khăn, người dân thiếu nguồn tài chính cho nên đã tìm đến các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”…

Mạnh tay với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” dịp cuối năm, gần Tết -0

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự cho hay, những ngày cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết, theo quy luật các hoạt động về nhu cầu tài chính, tiền mặt của người dân để phục vụ Tết cũng như trả nợ, mua sắm hàng hóa sẽ tăng cao so với các dịp khác trong năm. Chính vì vậy, đây cũng là thời điểm mà các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” gia tăng với nhiều hình thức quảng cáo, lôi kéo, dụ dỗ người có nhu cầu vay tiền. Ngoài ra, dịp cuối năm cũng là thời điểm đối tượng phải thu hồi các khoản nợ đã cho vay “tín dụng đen”, do vậy chúng sẽ gia tăng các hoạt động đòi nợ, siết nợ cũng như những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”..

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, năm 2022, cơ quan Công an các địa phương trên cả nước đã tiếp nhận, phát hiện gần 1.000 vụ/1.600 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”, qua đó khởi tố hơn 500 vụ, xử phạt hành chính hơn 150 vụ. Riêng trong đợt cao điểm ra quân trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán 2023, Công an các đơn vị địa phương đồng loạt triệt phá, bắt giữ nhiều đối tượng hoạt động “tín dụng đen” để răn đe, xử lý nghiêm.

Nhận định về đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen ngày càng tinh vi hơn, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, qua công tác đấu tranh theo dõi, nắm tình hình và trực tiếp đấu tranh với tội phạm này, Cục Cảnh sát hình sự nhận thấy, xu hướng đối tượng  lợi dụng hoạt động về công nghệ cao, mạng xã hội để hoạt động “tín dụng đen” sẽ gia tăng và các đối tượng sử dụng triệt để hoạt động qua mạng xã hội, công nghệ cao để hoạt động phạm tội. Bọn chúng có thể sử dụng các kênh quảng cáo qua mạng xã hội, web để rao tin, tìm kiếm lôi kéo người vay và sử dụng các ứng dụng trên  điện thoại thông minh để lôi kéo người vay.

“Thủ đoạn phổ biến, bọn chúng đưa ra nhiều gói vay để nạn nhân thấy số tiền lãi nhỏ nhưng phần chi phí, phí dịch vụ tiền phạt cao, do đó lãi suất sẽ được nâng lên tính theo năm, có thể lên đến từ 300% đến 500%  thậm chí có vụ 1.000% đến 1.200%”- Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Đơn cử, gần đây lực lượng Công an đã triệt phá rất nhiều đường dây hoạt động tín dụng đen do người nước ngoài cầm đầu, bọn chúng hoạt động khép kín, từ khâu tuyển đối tượng quảng bá, chào mời người vay, cho đến khâu tổ chức việc giải ngân, thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Thậm chí có khâu tách biệt để hoạt động đòi nợ, siết nợ riêng. Và gần như các đối tượng này đều không biết nhau, ngay cả người vay cũng không biết mình đã vay tiền của đối tượng nào trên mạng; đối tượng liên tục sử dụng nhiều phần mềm ứng dụng và thay đổi các tài khoản ngân hàng.

Trước tình trạng này, theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, lực lượng Công an có đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ và các quy định của pháp luật để có thể xử lý các hành vi phạm tội “tín dụng đen” cũng như các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” và lực lượng Công an triệt để áp dụng khoa học công nghệ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm để phát hiện, xử lý điều tra tội phạm “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, với sự vào cuộc của toàn  hệ thống chính trị trong việc phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” theo tinh thần Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” chắc chắn dù thủ đoạn, phương thức hoạt động như thế nào thì các đối tượng cũng bị điều tra, khám phá, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm và vi phạm pháp  luật về “tín dụng đen” nói riêng đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Với vai trò là cơ quan Thường trực thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã có nhiều chỉ đạo cụ thể đến Công an các đơn vị, địa phương nhằm quyết liệt đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

Tiếp tục phát huy  các kết quả đã đạt được và không để các băng nhóm tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” hoạt động lộng hành, thách thức dư luận; đồng thời Bộ Công an cũng đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có nhiều giải pháp, phòng ngừa liên quan đến “tín dụng đen” từ những việc như là hoàn thiện về cơ sở pháp lý, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự đến hoàn thiện chính sách về tín dụng, tạo điều kiện tối đa cho nhân dân có thể tiếp cận với các nguồn vay hợp pháp chính thức để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó hạn chế nguyên nhân điều kiện của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đễn “tín dụng đen”.

Đặc biệt, khi người dân vay tiền gặp vấn đề liên quan đến đối tượng hoạt động “tín dụng đen” cần đến ngay cơ quan Công an trình báo. Cơ quan Công an cũng sẽ có những biện pháp để đảm bảo quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật đối với những người vay tiền của đối tượng. Bên cạnh đó, khi tiếp cận hoạt động “tín dụng đen” người dân cần nâng cao cảnh giác, nghĩ rằng vay thì rất dễ và hệ lụy, khoản tiền mà mình phải trả cho các đối tượng sẽ là rất lớn.

M.H
.
.