Ai sẽ thay bà Liz Truss ngồi vào “ghế nóng”?

Thứ Bảy, 22/10/2022, 08:58

Ngày 20/10 (giờ địa phương), bà Liz Truss tuyên bố từ chức Thủ tướng Anh sau 45 ngày cầm quyền đầy biến động, trở thành thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử xứ sở sương mù. Với sự ra đi này, đảng Bảo thủ sẽ bắt đầu một cuộc bầu chọn lãnh đạo khẩn cấp, dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 28/10. Người chiến thắng sẽ là Thủ tướng thứ năm của Anh kể từ khi đảng Bảo thủ giành quyền lãnh đạo đất nước năm 2010.

Một quyết định không gây bất ngờ

Quyết định từ chức của bà Liz Truss không có gì đáng ngạc nhiên khi chính phủ của bà đã trải qua  những ngày sóng gió. Chính sách kinh tế sai lầm đã buộc nữ chính trị gia này phải ra đi sau 6 tuần nhậm chức. Cuối tháng 9/2022, sau khi tổ chức tang lễ cho Nữ hoàng Anh Elizabeth II, chính phủ của bà công bố một loạt các thay đổi lớn về chính sách thuế, trong đó có việc cắt giảm một loạt các mức thuế trị giá lên tới 45 tỉ bảng Anh dành cho những người có thu nhập cao nhưng lại không đưa ra được kế hoạch chi tiết để bù đắp phần thâm hụt thu ngân sách do giảm thuế. Bà Liz Truss và Bộ trưởng Tài chính Anh khi đó là ông Kwasi Kwarteng đã bảo vệ chính sách được gọi là mini-budget (ngân sách nhỏ) này bằng lập luận rằng, nước Anh cần phải dành ưu tiên cao nhất cho tăng trưởng và việc cắt giảm thuế rất ưu đãi với tầng lớp thu nhập cao là một biện pháp kích thích tăng trưởng.

Đây là một quan điểm từng được bà Liz Truss thể hiện trong chiến dịch tranh cử chức lãnh đạo đảng Bảo thủ mùa hè, khi bà từng công khai tuyên bố sẽ không ưu tiên phân phối thu nhập bình đẳng, đồng thời sẵn sang gia tăng nợ công bằng cách đi vay để đầu tư công, đẩy mạnh tăng trưởng.

Ai sẽ thay bà Liz Truss ngồi vào “ghế nóng”? -0
Bà Liz Truss tuyên bố từ chức tại số 10 phố Downing. Ảnh: Reuters

Ngay khi đó rất nhiều chuyên gia kinh tế đã phân tích rằng, việc bà Liz Truss chủ trương ưu đãi người giàu hơn người nghèo trong bối cảnh nước Anh đang trải qua thời kỳ lạm phát cao nhất trong 40 năm, với rất nhiều hộ gia đình bình dân phải chật vật trả hoá đơn năng lượng và thực phẩm, là rất khó chấp nhận về mặt chính trị và đạo đức. Về mặt kinh tế, việc cắt giảm thuế ồ ạt, gia tăng đi vay sẽ chỉ khiến thâm hụt ngân sách và nợ công của Anh tăng đến ngưỡng nguy hiểm, gây tác động tiêu cực về vĩ mô. Trên thực tế, thị trường tài chính Anh đã lập tức phản ứng gay gắt theo đúng lo ngại đó. Đồng bảng Anh sụt giảm kỷ lục so với đồng đô la Mỹ, đồng thời lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm, tức khoản lãi suất đi vay của Anh cũng tăng mạnh.

Sự hỗn loạn trên thị trường tài chính đã buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp khẩn cấp bằng chương trình mua trái phiếu chính phủ trị giá 65 tỷ bảng, đồng thời Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như các tổ chức đánh giá tín nhiệm tín dụng cũng đưa ra các nhận xét rất tiêu cực với chính sách của chính phủ Anh. Đây được xem là một sự hổ thẹn đối với một cường quốc kinh tế-tài chính hàng đầu thế giới như Anh, mà như nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét, chính phủ Anh điều hành kinh tế như thể là chính phủ Argentina thời kỳ vỡ nợ.

Nhằm trấn an thị trường, ngày 14/10, bà Liz Truss buộc phải sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng. Người được bổ nhiệm thay thế, tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, đã đảo ngược hầu hết kế hoạch cắt giảm thuế trong “ngân sách nhỏ”, khiến uy tín của bà Liz Truss sụt giảm nghiêm trọng trong cả dư luận Anh lẫn nội bộ đảng Bảo thủ.

Áp lực đối với Thủ tướng Truss càng gia tăng khi chưa đầy 1 tuần sau, Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman từ chức, chỉ trích chính phủ đảo ngược các cam kết đã đưa ra, đồng thời ngụ ý bà Liz Truss phải rời số 10 phố Downing vì mắc sai lầm và phải chịu trách nhiệm. Đã có ít nhất 10 nghị sĩ công khai kêu gọi bà từ chức trước những hỗn loạn trong nội bộ đảng và chính phủ khi bà dường như không còn nắm quyền lực và hoàn toàn mất kiểm soát trong đảng. Mặc dù trước đó khẳng định bản thân là một “người chiến đấu, không phải người bỏ cuộc”, bà Liz Truss cuối cùng đã phải tuyên bố từ chức khi không còn nhận được sự ủng hộ trong đảng. Về tổng thể, nguyên nhân trực tiếp lớn nhất khiến bà Liz Truss phải ra đi sau 45 ngày là sai lầm về chính sách kinh tế nhưng về sâu xa, đó là do đảng Bảo thủ không còn bất kỳ niềm tin nào vào năng lực lãnh đạo, năng lực xử lý khủng hoảng của bà Liz Truss. Tại các phiên chất vấn nóng bỏng ở Hạ viện Anh những ngày qua, bà Liz Truss nhiều lần ngồi im để tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt và thậm chí là cựu đối thủ trong đảng là bà Penny Mordaunt giải trình thay mình, khiến báo chí Anh gọi bà là “Thủ tướng có văn phòng, nhưng không có quyền lực”.

Những ứng cử viên tiềm năng và áp lực “ghế nóng”

Cho tới tối 20/10, chưa có nhân vật nào chính thức công bố ra tranh cử, song truyền thông Anh đã liệt kê một số ứng cử viên đáng chú ý, trong đó nổi bật là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak trong chính phủ ông Boris Johnson và là người thua bà Liz Truss trong cuộc bỏ phiếu đầu tháng 9/2022. Lợi thế lớn của ông Rishi Sunak là được sự ủng hộ cao nhất từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ và sau đợt khủng hoảng này, các phân tích về chính sách kinh tế của ông Rishi Sunak cũng như việc ông cảnh báo các hậu quả thảm hoạ từ chính sách của bà Liz Truss đã được chứng minh là chính xác. Vì thế, trong bối cảnh nước Anh đối mặt khủng hoảng kinh tế, ông Rishi Sunak sẽ là ứng cử viên nặng ký.

Tuy nhiên, bất lợi với ông Rishi Sunak là việc lựa chọn lãnh đạo đảng Bảo thủ có thể sẽ được quyết định bởi lá phiếu của khoảng 170 ngàn đảng viên đảng Bảo thủ vốn mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và đa số lại không ủng hộ ông Rishi Sunak vì cho rằng chính trị gia nàyđã “phản bội” ông Boris Johnson hay có gốc gác nhập cư. Các gương mặt tiềm năng khác là bà Penny Mordaunt, lãnh đạo Hạ viện, người đứng thứ ba trong cuộc tranh cử lãnh đạo đảng mùa Hè vừa qua; cựu Thủ tướng Boris Johnson; cựu Bộ trưởng Nội vụ vừa từ chức Suella Braverman, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Kemi Badenoch và đương kim Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt. Theo tờ The Telegraph, tính đến tối 20/10, có 29 nghị sĩ công khai ủng hộ ông Rishi Sunak trong khi con số này là 24 đối với ông Borish Johnson và 11 đối với bà Penny Mordaunt.

Hiện còn quá sớm để biết ai sẽ là thủ tướng tiếp theo của Anh, nhưng dù người đó là ai cũng sẽ đối mặt vớinhững thách thức lớn.

Tính từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, nước Anh đã trải qua 5 đời Thủ tướng: ông David Cameron, bà Theresa May, ông Boris Johnson, bà Liz Truss và người kế nhiệm bà, trong khi từ năm 1979 đến 2010, chỉ có 4 thủ tướng tại vị: bà Margaret Thatcher, ông John Major, ông Tony Blair và ông Gordon Brown. Tính từ tháng 7, Anh đã có 4 Bộ trưởng Tài chính trong khi Bộ trưởng Nội vụ từ chức chỉ sau 43 ngày tại nhiệm, cho thấy một hệ thống chính trị bất ổn, khiến niềm tin vào chính phủ sụt giảm. Theo các cuộc thăm dò, hiện chưa đến 40% người dân Anh tin tưởng vào chính phủ so với mức 50% vào năm 2010.

Một thách thức khác của người kế nhiệm bà Liz Truss là nhiệm vụ đoàn kết đảng Bảo thủ trong bối cảnh xuất hiện những rạn nứt sâu sắc trong nội bộ đảng, khi uy tín của đảng đang giảm sút nghiêm trọng sau 12 năm cầm quyền. Kể từ khi bà Liz Truss trở thành Thủ tướng và công bố “ngân sách nhỏ”, tỷ lệ cử tri Anh dự định ủng hộ đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới đã giảm mạnh trong khi số người ủng hộ Công đảng tăng tương đương.

Đảng Bảo thủ hiện có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2019, thậm chí thấp hơn nhiều so với thời điểm ông Johnson chuẩn bị từ chức. Tại thời điểm ông Johnson từ chức, Công đảng dẫn trước đảng Bảo thủ 6 điểm phần trăm trong khi tỷ lệ này vào giữa tháng 10 đã tăng lên 25 điểm phần trăm.

Lãnh đạo Công đảng Sir Keir Starmer tuyên bố đã đến lúc đất nước cần tổ chức tổng tuyển cử, cho rằng đảng Bảo thủ không thể giải quyết những xáo trộn trong đảng bằng cách tiếp tục chọn ra một lãnh đạo mới mà không có sự đồng ý của người dân Anh. Các đảng viên Bảo thủ giờ đây đứng trước lựa chọn khó khăn: tìm ra được một thủ lĩnh có thể thống nhất đảng và mang lại sự ổn định để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng - một điều kiện tiên quyết để đảng cầm quyền có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.