Chông gai chặng đường gia nhập NATO của Thụy Điển

Thứ Năm, 28/12/2023, 08:17

“Tin tức tuyệt vời” là điều mà quan chức NATO nhận định sau khi Ủy ban đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, do Đảng AK cầm quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan kiểm soát, bỏ phiếu ủng hộ nỗ lực mà Thụy Điển đưa ra hồi năm ngoái về việc gia nhập liên minh quân sự. Dù vậy, chặng đường để chính thức gia nhập liên minh của nước này vẫn còn nhiều chông gai.

Ủy ban đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/12 đã thông qua đơn gia nhập NATO của Thụy Điển, một bước đi quan trọng trong nỗ lực mở rộng khối quân sự này, sau 19 tháng trì hoãn do Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Thụy Điển đưa ra nhiều nhượng bộ trong vấn đề an ninh.

Việc được Thổ Nhĩ Kỳ “bật đèn xanh” đã giúp Thụy Điển tiến gần hơn với việc trở thành thành viên thứ 32 của liên minh. Bước tiếp theo là bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi được Tổng thống Tayyip Erdogan ký thành luật. Người đứng đầu ủy ban, ông Fuat Oktay, đã hạ thấp kỳ vọng về một cuộc bỏ phiếu nhanh chóng tại phiên họp toàn thể Quốc hội khi khẳng định với báo giới rằng chủ tịch quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ấn định thời gian tổ chức phiên toàn thể để bỏ phiếu. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh thêm rằng những bước đi mà chính quyền Thụy Điển đã thực hiện cho đến ngày hôm nay và những cam kết mà nước này đưa ra là “đáng hài lòng”.

Chông gai chặng đường gia nhập NATO của Thụy Điển -0
Thụy Điển bước gần hơn đến việc gia nhập NATO. Ảnh minh họa Getty Images

Phản ứng trước động thái “bật đèn xanh” của Ủy ban đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom nhấn mạnh nước này hoan nghênh bước đi tích cực này và mong muốn sớm được gia nhập NATO trong thời gian sớm nhất. Trong khi đó, Trợ lý Tổng Thư ký NATO về các vấn đề chính trị và chính sách an ninh, Boris Ruge, cũng đăng tải dòng trạng thái trên nền tảng mạng xã hội X, cho biết sự chấp thuận của Ủy ban đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ là “tin tức tuyệt vời”. Việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ giúp tầm ảnh hưởng của liên minh này mở rộng đáng kể tới cả khu vực Bắc Âu, đồng thời sẽ mang lại sức mạnh mới mẻ cho NATO nhờ vào vị trí đáng kể của nước này trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển đã đệ đơn xin gia nhập NATO và để được kết nạp, cần đầy đủ sự đồng ý từ tất cả các thành viên. Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đề xuất của Phần Lan vào tháng 4, nhưng vẫn để Thụy Điển vào “danh sách chờ”. Việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thụy Điển trở thành thành viên NATO xuất phát từ quan điểm rằng quốc gia Bắc Âu này đã quá mềm mỏng đối với những người ủng hộ phiến quân người Kurd và các nhóm khác ở Thụy Điển mà Ankara coi là “mối đe dọa an ninh”. Nhóm đối tượng này bao gồm những người có liên quan đến Đảng Công nhân người Kurd hay PKK, tổ chức đã tiến hành cuộc nổi dậy kéo dài 39 năm ở Thổ Nhĩ Kỳ và những người bị cáo buộc có liên quan đến âm mưu đảo chính vào năm 2016 chống lại chính phủ của Tổng thống Erdogan. Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan đã đạt được thỏa thuận vào năm ngoái để giải quyết những lo ngại về an ninh của Ankara và Thụy Điển sau đó đã thực hiện các bước để thắt chặt luật chống khủng bố, quy định việc hỗ trợ các tổ chức cực đoan có thể bị phạt tới 8 năm tù.

Nhìn nhận tiềm năng của Thụy Điển khi gia nhập NATO, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna kêu gọi việc sớm phê chuẩn tư cách thành viên của nước này, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng khối: “29 quốc gia đã phê chuẩn quyền ứng cử của Thụy Điển, chỉ còn hai thành viên chưa làm điều đó. Vì vậy, chúng tôi hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary sẽ phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển mà không phải chờ đợi lâu hơn nữa. Sức mạnh và độ tin cậy của liên minh chúng ta đang bị đe dọa và chúng ta có thể sẽ không để mất thêm một ngày nào nữa”.

Dù vậy, việc gia nhập NATO của Thụy Điển vẫn còn đó chông gai. Đảng cầm quyền của ông Erdogan và các đồng minh chiếm đa số trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, gồm 600 ghế. Tuy nhiên, ông Erdogan cho biết quyết định thuộc về các nhà lập pháp. Các đồng minh trong đảng cầm quyền của ông vẫn không hài lòng với tư cách thành viên của Thụy Điển và cáo buộc các thành viên NATO thờ ơ trước mối đe dọa của PKK đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuần này, phiến quân người Kurd đã cố gắng xâm nhập vào một căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Iraq, giết chết 12 binh sĩ trong hai ngày đụng độ. Các đảng của người Hồi giáo, vốn thất vọng vì điều mà họ cho là sự im lặng của các quốc gia phương Tây đối với các hành động quân sự của Israel ở Gaza, có thể bỏ phiếu chống lại dự luật.

Thêm nữa, Hungary - một thành viên của NATO vẫn chưa nhất trí kết nạp Thụy Điển. Đảng Fidesz cầm quyền tại Hungary, do Thủ tướng Viktor Orbán lãnh đạo, người được coi là một trong những đồng minh duy nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Liên minh châu Âu, đã trì hoãn nỗ lực tham gia NATO của Thụy Điển kể từ tháng 7/2022, cáo buộc rằng các chính trị gia Thụy Điển đã nói “những lời nói dối trắng trợn” về tình hình dân chủ của Hungary. Đáng nói là đến nay, cả ông Orbán lẫn các quan chức cấp cao của ông đều chưa đưa ra bất kỳ điều kiện nào cho Thụy Điển nhằm xoa dịu sự phản đối của họ với việc gia nhập NATO của nước này.

Theo một số nhà phê bình, Hungary đang sử dụng quyền phủ quyết của mình đối với việc Thụy Điển gia nhập như một đòn bẩy cho những nhượng bộ từ Liên minh châu Âu liên quan đến vấn đề hàng tỷ USD tài trợ cho Budapest bị đóng băng.

Duy Tiến
.
.