IAEA tiết lộ sự thật về nhà máy Zaporizhzhia hậu cáo buộc của Nga, Ukraine

Thứ Năm, 06/07/2023, 06:13

Các chuyên gia thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 5/7 (giờ địa phương) xác nhận chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào của mìn hoặc chất nổ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Hôm 4/7, Nga và Ukraine đã liên tiếp cáo buộc nhau âm mưu tấn công nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, nơi IAEA đã nhiều lần cảnh báo về thảm họa tiềm ẩn từ các cuộc đụng độ quân sự.

Hai nước đã đổ lỗi cho nhau về các vụ pháo kích diễn ra liên tục làm đứt đường dây điện thiết yếu để làm mát sáu lò phản ứng của nhà máy.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 5/7 (giờ địa phương), IAEA cho biết các chuyên gia "trong những ngày và vài tuần gần đây đã kiểm tra các bộ phận của cơ sở - bao gồm một số phần của hồ làm mát - và cũng đã tiến hành kiểm tra thường xuyên khắp địa điểm, song không quan sát thấy bất kỳ dấu hiệu có thể nhìn thấy nào của mìn hoặc chất nổ".

Sự thật về tình trạng nhà máy Zaporizhzhia hậu cáo buộc của Nga và Ukraine -0
Một phần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

"Các chuyên gia IAEA đã yêu cầu các hoạt động tiếp cận bổ sung cần thiết để xác nhận việc có mìn hoặc chất nổ hay không. Đặc biệt, việc tiếp cận mái nhà của tổ máy số 3 và 4 là rất cần thiết, cũng như tiếp cận các bộ phận của sảnh tua-bin và một số bộ phận của hệ thống làm mát tại nhà máy", IAEA cho biết thêm.

Trước đó, lực lượng vũ trang Ukraine trích dẫn "dữ liệu hoạt động" nói rằng "các thiết bị nổ" đã được đặt trên mái nhà của hai lò phản ứng tại nhà máy. Song thông tin này chưa được xác minh.

"Với căng thẳng quân sự và các hoạt động gia tăng trong khu vực đặt nhà máy điện hạt nhân lớn này, các chuyên gia của chúng tôi có trách nhiệm xác minh sự thật. Báo cáo độc lập và khách quan của họ sẽ giúp làm rõ tình hình hiện tại, điều này rất quan trọng hiện nay khi những cáo buộc chưa được xác nhận", tuyên bố của IAEA cho biết.

Quân đội Nga đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, cơ sở có 6 lò phản ứng, trong những ngày đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Kể từ đó, hai bên thường xuyên cáo buộc lẫn nhau pháo kích về phía nhà máy và nguy cơ xảy ra rủi ro hạt nhân.

An Nhiên
.
.