Mỹ - Ấn Độ thúc đẩy quan hệ song phương

Thứ Bảy, 24/06/2023, 08:35

Điều này được thể hiện trong Tuyên bố chung gồm 58 điểm mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra hôm 22/6 (giờ địa phương) sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo tại Nhà Trắng. Tuyên bố chung cũng khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu toàn diện Mỹ - Ấn Độ.

Đồng minh quan trọng

Trong tuyên bố chung, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Narendra Modi khẳng định: “Quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu toàn diện Mỹ - Ấn Độ đã ở một tầm cao mới về niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau, cũng như được làm phong phú thêm bởi mối quan hệ anh em và tình hữu nghị nồng ấm, vốn đã gắn kết chặt chẽ hai đất nước chúng ta với nhau. Cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác Mỹ - Ấn Độ đa dạng và mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy nguyện vọng của nhân dân hai nước về một tương lai tươi sáng và thịnh vượng trên cơ sở tôn trọng nhân quyền và các nguyên tắc chung về dân chủ, tự do và pháp quyền”.

Tuyên bố nhấn mạnh, hợp tác Mỹ - Ấn Độ sẽ phục vụ lợi ích toàn cầu khi “phối hợp thông qua một loạt nhóm đa phương và khu vực, đặc biệt là Nhóm Bộ tứ (QUAD), để góp phần xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và mạnh mẽ”.

Mỹ - Ấn Độ thúc đẩy quan hệ song phương -0
Tổng thống Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden tại lễ đón Thủ tướng Narendra Modi. Ảnh: Reuters

Tuyên bố chung cũng đề cập đến mong đợi của Thủ tướng Narendra Modi về việc Tổng thống Joe Biden tới thăm Ấn Độ trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng 9 tới. Ngoài ra, tuyên bố này khẳng định tầm nhìn chung của hai nhà lãnh đạo với tư cách là những đối tác gần gũi nhất trên thế giới…

Trước đó, phát biểu trong cuộc họp báo sau hội đàm với Thủ tướng Narendra Modi, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, quan hệ Mỹ - Ấn Độ là mối quan hệ đối tác có ý nghĩa quan trọng nhất thế giới, đang trở nên mạnh mẽ hơn, gần gũi và năng động hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử. Ông cũng kỳ vọng với chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ, quan hệ hai nước sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Ông cũng điểm lại những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước và cho rằng đây, là những nền tảng của mối quan hệ thiết yếu giữa hai nước và việc cùng nhau đối mặt tương lai sẽ vun đắp cho tình hữu nghị Mỹ - Ấn Độ.

Trong khi đó, Thủ tướng Narendra Modi cũng nêu bật những thành tựu trong quan hệ hai nước, đặc biệt là về hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng. Ông khẳng định, các cuộc thảo luận và những quyết định quan trọng mà hai bên đưa ra tại cuộc hội đàm đã thêm một chương mới vào quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu giữa hai nước.

Ngay sau hội đàm, hai bên đã công bố hàng loạt các thỏa thuận và hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ trên hầu hết các lĩnh vực, từ khoa học công nghệ thông qua tăng cường chuỗi cung ứng chất bán dẫn, chuỗi cung ứng khoáng sản; thúc đẩy quan hệ đối tác quốc phòng thông qua hợp tác sản xuất động cơ máy bay phản lực, mua sắm máy bay không người lái, xây dựng lộ trình quốc phòng mới; dỡ bỏ các rào cản và tranh cãi để thúc đẩy kinh tế, thương mại cho đến các lĩnh vực khác như tham gia các sáng kiến khu vực và toàn cầu, đầu tư năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, tăng cường giao lưu nhân dân.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Narendra Modi đã có bài phát biểu trước hai viện Quốc hội Mỹ, nhấn mạnh quan hệ Mỹ - Ấn hiện nay là mối quan hệ đối tác được xác định của thế kỷ này. Mặc dù vấp phải sự phản đối và chỉ trích của một số nghị sỹ Mỹ, nhưng bài phát biểu của ông được Quốc hội Mỹ hoan nghênh, coi Ấn Độ là một đồng minh quan trọng trong việc ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy và là một đối tác về quốc phòng, công nghệ và năng lượng.

Giữa vòng xoáy cạnh tranh

Đối với chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Narendra Modi, phần lớn dư luận tập trung vào các thông báo liên quan đến mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, trong khi Nhà Trắng tìm cách cô lập Nga vì xung đột ở Ukraine thì New Delhi vẫn kiên định duy trì mối quan hệ sâu sắc với Moscow. Mặc dù căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc - đối tác ngày càng thân cận của Nga vẫn âm ỉ nhưng New Delhi coi động lực cho mối quan hệ với Moscow là để thúc đẩy các lợi ích của mình và thiết lập vùng đệm với Bắc Kinh.

Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Nirupama Rao giải thích: “Một phần lợi ích trong chiến lược của Ấn Độ nhằm đối phó với Bắc Kinh chạy qua Washington và cùng lúc đó nó cũng chạy qua Moscow”. Động lực này cũng mở rộng sang các tổ chức đa phương mà Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là thành viên như BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Cựu Ngoại trưởng Nirupama Rao - người cũng từng là Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ, Trung Quốc và Sri Lanka nhận định: “Chúng ta không thể nói Nga là quá khứ còn Mỹ là tương lai. Chúng ta thường muốn gọi những mối quan hệ này bằng các cụm từ đơn giản nhưng chúng không phù hợp. Tôi nghĩ quá khứ, hiện tại và tương lai đều pha trộn với nhau trong tình hình hiện nay”. Bà nói thêm rằng, Ấn Độ sẽ tiếp tục đầu tư vào mối quan hệ với Mỹ và QUAD, đồng thời duy trì quan hệ đối tác lịch sử với Nga.

Trong khi đó, ông Nandan Unnikrishnan, một học giả tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát tại New Delhi cho rằng “Ấn Độ nhận thấy mối quan hệ với Mỹ là có ảnh hưởng nhất hiện nay”, một xu hướng mà theo ông “được dẫn dắt bởi sự nổi lên của Trung Quốc”. Nhà quan sát này cũng có cùng quan điểm với cựu Ngoại trưởng Nirupama Rao khi chỉ ra rằng, Moscow đóng vai trò then chốt trong chiến lược của New Delhi. Theo ông, Ấn Độ không coi địa chính trị là một trò chơi mà người ta phải chọn bên và New Delhi hiểu địa chính trị là một vũ đài mà tại đó, nước này phải bảo vệ các lợi ích của mình.

Ông nói: “Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ không thấy có sự mâu thuẫn khi cùng lúc là thành viên của QUAD tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, I2U2 (Ấn Độ, Israel, UAE và Mỹ) tại Trung Đông, SCO hay BRICS bởi về cơ bản, những con ngựa khác nhau sẽ dành cho các trường đua khác nhau”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.