Quần đảo Solomon lên tiếng về thông tin mời Trung Quốc đặt căn cứ quân sự

Thứ Bảy, 02/04/2022, 10:24

Giữa nhiều phản ứng gay gắt của khu vực, lãnh đạo quần đảo Solomon hôm 1/4 đã lên tiếng về thông tin nước này mời Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương. 

Reuters dẫn thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon hôm 1/4 cho biết, thỏa thuận an ninh giữa nước này và Trung Quốc không tạo điều kiện để Bắc Kinh đặt căn cứ quân sự tại đây.

Thông báo có đoạn: "Chính phủ nhận thức được các tác động an ninh của việc cho phép đặt căn cứ quân sự và sẽ không bất cẩn để điều đó diễn ra dưới sự giám sát của chúng tôi".

Quần đảo Solomon lên tiếng về thông tin mời Trung Quốc đặt căn cứ quân sự  -0
Quần đảo Solomon tuyên bố sẽ không cho phép Trung Quốc lập căn cứ quân sự tại nước này dù hai bên có kế hoạch ký thỏa thuận an ninh. Ảnh: Reuters.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi giới chức Trung Quốc và Quần đảo Solomon ký kết dự thảo thỏa thuận về an ninh. Hiện văn bản đang “chờ chữ ký của ngoại trưởng 2 nước”.

Hôm 31/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết "hợp tác an ninh Trung Quốc - quần đảo Solomon không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào và không gây ra xung đột với các nước khác".

Bắc Kinh khẳng định thỏa thuận sắp tới sẽ xoay quanh việc bảo đảm trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, cũng như phối hợp ứng phó thiên tai. Được biết, hầu hết khu người Hoa gần Honiara, thủ đô của quần đảo Solomon, bị phá huỷ trong đợt biểu tình chống chính phủ hồi tháng 11/2021.

Cũng trong ngày 1/4, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton tuyên bố ông tôn trọng quan điểm của Thủ tướng Sogavare, nhưng kêu gọi thận trọng.

Quần đảo Solomon đến nay vẫn chưa công bố chi tiết về thỏa thuận an ninh với Trung Quốc. Nhưng Australia, New Zealand và Mỹ trước đó đã bày tỏ lo ngại sau khi bản dự thảo của thỏa thuận an ninh này bị rò rỉ. 

Theo giới chuyên gia, nếu hiệp ước này trở thành cơ sở cho phép Bắc Kinh đặt căn cứ quân sự tại quần đảo Solomon, hải quân Trung Quốc hoàn toàn có quyền kiểm soát các tuyến vận tải biển từng đóng vai trò quan trọng trong Thế chiến II ở Thái Bình Dương.

Như Uyên
.
.