Thỏa thuận hạt nhân Iran - Cuộc tranh cãi chưa có hồi kết

Thứ Tư, 24/08/2022, 06:17

Iran cáo buộc Mỹ đang trì hoãn những nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Washington đã ngay lập tức bác bỏ, cho rằng việc đạt được một thỏa thuận đã trở nên khả thi hơn so với 2 tuần trước.

Trong cuộc họp báo ngày 22/8 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cáo buộc Mỹ đang trì hoãn nỗ lực khôi phục JCPOA trong khi “phía châu Âu không có hành động nào”. Ông nhấn mạnh: “Mỹ và châu Âu cần một thỏa thuận hơn Iran”.

1313094-nuclear-deal-iran.jpg -0
Quan chức EU và Iran trong một cuộc đàm phán tại Tehran.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã bác bỏ cáo buộc của Tehran, đồng thời cho biết, Washington đang làm việc nhanh nhất có thể để đưa ra phản ứng thích hợp đối với phản hồi của Tehran về bản dự thảo do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất. Ông cũng đánh giá việc Iran dường như lược bớt một số yêu cầu như Washington không liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào “danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài” là điều tích cực.

Ông cho biết: “Đó là một phần lý do tại sao một thỏa thuận đang dần khả thi hơn so với 2 tuần trước. Tuy nhiên, kết quả của những cuộc đàm phán đang diễn ra này vẫn chưa chắc chắn vì vẫn tồn tại những khác biệt”. Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cùng ngày đã bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ đưa ra phản ứng tích cực sớm nhất là trong tuần này đối với đề xuất của khối, đồng thời nói thêm rằng Iran đã đưa ra phản hồi “hợp lý”. Quan chức EU cũng để ngỏ khả năng một cuộc họp về việc khôi phục JCPOA có thể được tổ chức “trong tuần này” sau khi Tehran đệ trình văn bản phản hồi.

Sau 16 tháng Mỹ và Iran tiến hành đàm phán gián tiếp thông qua các quan chức EU, hôm 8/8, EU đã đưa ra dự thảo văn bản cuối cùng và đang chờ quyết định của các bên tham gia. Ngày 16/8 vừa qua, Iran xác nhận đã gửi văn bản phản hồi dự thảo cuối cùng của EU về việc khôi phục JCPOA, trong đó nhấn mạnh nếu Mỹ thể hiện sự linh hoạt và thực tế thì thỏa thuận có thể được ký kết. Trong khi đó, EU hiện tham khảo ý kiến của Mỹ về các bước tiếp theo. Được coi là cơ hội cuối cùng để cứu vãn thỏa thuận, kế hoạch chi tiết bao gồm đề xuất nới lỏng lệnh trừng phạt, đối với dầu của Iran, để đổi lấy nước này cam kết hạn chế hoạt động hạt nhân.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nếu một thỏa thuận như trên thành hiện thực, Tehran có thể tăng sản lượng dầu tung ra thị trường trong vòng vài tháng, nâng nguồn cung lên hàng trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày. Điều này sẽ giúp xoa dịu một thị trường toàn cầu đang bị lung lay bởi cuộc xung đột tại Ukraine. “Iran có thể tăng sản lượng lên tới 900.000 thùng/ngày trong vòng 3 tháng kể từ khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng và có khả năng đạt công suất tối đa lên khoảng 3,7 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng”, ông Iman Nasseri, Giám đốc điều hành công ty tư vấn năng lượng FGE có trụ sở tại Dubai, cho hay.

Triển vọng nguồn cung Iran trở lại đã giúp giá dầu thô Brent chuẩn duy trì dưới mức 100 USD/thùng trong tháng này. Các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm của EU đối với việc vận chuyển dầu qua đường biển của Nga có hiệu lực từ ngày 5/12 sẽ giúp khối này có thêm động lực để đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran. “Chúng tôi lưu ý rằng châu Âu có động cơ đạt được một thỏa thuận trong bối cảnh châu lục này đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung khi các lệnh trừng phạt Nga bắt đầu có hiệu lực vào tháng 12”, bà Helima Croft, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại RBC Capital Markets, cho biết trong một bản ghi chú. IEA ước tính lệnh cấm dầu thô của châu Âu có hiệu lực từ tháng 12 sẽ khiến khoảng 2 triệu thùng dầu Nga rời thị trường châu Âu mỗi ngày. Bà Vandana Hari, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Vanda Insights, chia sẻ quan điểm tương tự: “EU đang thiếu các lựa chọn thay thế trong trường hợp họ có ý định thúc đẩy lệnh cấm đối với tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu thô của Nga. Điều đó giải thích tại sao EU tích cực làm trung gian giữa Iran và Mỹ trong nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân”. Bà giải thích rằng: “Thêm 1 triệu thùng/ngày hoặc nhiều dầu thô Iran chảy vào thị trường hơn sẽ là một phao cứu trợ hiệu quả. Nhưng nếu thỏa thuận không khôi phục, EU có thể phải nghĩ đến việc trì hoãn thực hiện đầy đủ lệnh cấm hoặc nhập khẩu các sản phẩm tinh chế hơn từ các nước khác, có thể bao gồm nhiên liệu làm từ dầu thô của Nga”.

Tuy nhiên, có một số nhà phân tích cảnh báo ngay cả khi đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, điều này cũng không khiến các nhà nhập khẩu dầu bớt lo lắng. Ông Umud Shokri, cố vấn chính sách đối ngoại và chiến lược gia năng lượng tại công ty tư vấn rủi ro địa chính trị Washington State Analytics, nhận định: “Cần nhớ rằng không có quốc gia nào có thể thay thế hoàn toàn Nga trong thị trường năng lượng toàn cầu. Nếu đạt được thỏa thuận hạt nhân, điều này cũng chỉ có tác dụng tạm thời bởi vì một phần dầu Iran đã có sẵn trên thị trường”. Bên cạnh đó, vị chuyên gia này chỉ ra mối quan hệ giữa Tehran và Moscow đang ở mức độ tốt và Iran không muốn thách thức lợi ích của Nga trên thị trường năng lượng.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.