Triển vọng kinh tế châu Âu mang gam màu ảm đạm

Thứ Ba, 25/10/2022, 07:10

Vào thời điểm sắp kết thúc năm 2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố một báo cáo mới về “Triển vọng kinh tế khu vực châu Âu”. Theo đó, IMF dự báo rằng bức tranh này đang trở nên u ám hơn bao giờ hết, khi tốc độ tăng trưởng ngày một chậm lại và lạm phát tiếp tục gia tăng.

Giới chuyên gia đánh giá sự suy yếu ở nhiều nền kinh tế của “lục địa già” có thể sẽ dẫn đến tình trạng suy thoái sâu hơn trên toàn khu vực, trong khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng xã hội.

Reuters ngày 24/10 dẫn báo của của IMF nêu rõ, dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2022 chỉ còn ở mức 3,2%, trong khi số liệu này của năm 2021 là 6,% và dự báo cho năm 2023 là 2,7%.

Như vậy, đây mức dự báo tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2001 trở lại đây, không tính tới giai đoạn xảy ra khủng hoảng tài chính. Đặc biệt, chiến sự tại Ukraine kéo dài suốt 8 tháng qua sẽ tiếp tục tác động lớn tới triển vọng kinh tế của châu Âu thời gian tới. Theo đó, khu vực đồng euro dự báo tăng trưởng kinh tế 3,1% tính đến cuối năm 2022, giảm 2,1% so với năm 2021 và năm 2023 giảm tiếp xuống còn 0,5%. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine khiến phương Tây đưa ra các áp lệnh trừng phạt, châu Âu đã phải đối mặt với lạm phát và giá năng lượng tăng vọt.

Triển vọng kinh tế châu Âu mang gam màu ảm đạm -0
Kinh tế châu Âu 2023 được dự báo sẽ bị tác động sâu sắc bởi sự gián đoạn nguồn cung năng lượng. Nguồn: Getty

Theo đánh giá sơ bộ của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), mức lạm phát tháng 9 trong khu vực lên tới 9,9% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào sử dụng năm 1999. Điều này đã buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75% lên 1,25% để hỗ trợ nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái. Nhưng do sức ép ngày càng gia tăng, ECB có thể tiếp tục phải đưa ra các biện pháp đối phó tại cuộc họp về chính sách tiền tệ diễn ra vào tuần này, với một đợt tăng lãi suất mạnh tiếp theo. Tuy nhiên, IMF nhận định những gói hỗ trợ mới mà các chính phủ đưa ra chỉ bù đắp được phần nào những căng thẳng này.

Theo dự báo của IMF, Đức và Italia sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới và trở thành những nền kinh tế phát triển đầu tiên ghi nhận tăng trưởng âm do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine. Cụ thể, nền kinh tế đầu tàu của châu Âu là Đức sẽ giảm 0,3% trong năm 2023 do sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Tương tự, kinh tế Italia sẽ giảm 0,2% vào cùng giai đoạn. Tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi - không bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và các nước liên quan tới xung đột tại Ukraine, cũng sẽ chậm lại ở mức 1,7%.

The Guardian dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Tài chính và tiền tệ của IMF Nadia Calvino cho hay, một trong những rủi ro chính trong ngắn hạn là sự gián đoạn hơn nữa nguồn cung năng lượng, kết hợp với mùa đông lạnh giá, có thể dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt và khó khăn kinh tế sâu sắc hơn.

Với sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Ukraine, cả về tài chính và quân sự, các nước châu Âu đã cam kết hoặc buộc phải giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga. Tuy nhiên theo công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft, quá trình chuyển đổi không hề dễ dàng và có nguy cơ làm xói mòn niềm tin của công chúng. Thậm chí, châu Âu có thể sẽ phải chứng kiến tình trạng bất ổn gia tăng hơn nữa. “Môi trường hiện nay rõ ràng là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng chậm lại, chi phí sinh hoạt này càng tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Những thay đổi sâu sắc liên quan đến số hóa, biến đổi khí hậu, cũng như sự thay đổi địa chính trị đang diễn ra, làm gia tăng bất bình đẳng ở nhiều quốc gia”, bà Nadia Calvino nhận định.

Vì vậy, các chuyên gia của IMF khuyến nghị, các nước cần thực thi chính sách tài khoá và tiền tệ linh hoạt, để có được hiệu ứng đồng thời là vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa chống lạm phát và đồng thời hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng. IMF đặc biệt đề cao việc các nền kinh tế chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực cũng như tăng cường hợp tác quốc tế để cùng nhau ứng phó biến động mới.

Trước đó, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva hồi đầu tháng 10 đã đưa ra cảnh báo, nguy cơ suy thoái toàn cầu đang ngày một gia tăng do các cú sốc kinh tế liên tiếp. Bà Kristalina Georgieva nhận định, thế giới đang ở trong giai đoạn “rất mong manh”, trải qua nhiều cuộc khủng hoảng gồm đại dịch, xung đột tại Ukraine, thời tiết khắc nghiệt. Những sự kiện này đã khiến giá cả tăng vọt. “Chỉ trong chưa đầy 3 năm, chúng ta đã đi qua hàng loạt cú sốc liên tiếp”, bà Georgieva nói.

Được biết, đối với các nền kinh tế phát triển, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế đến cuối năm 2022 là 2,4%, thấp hơn cả mức tăng trưởng chung cho kinh tế thế giới, trong khi tỉ lệ này của năm 2021 là 5,2% và dự báo trong năm 2023 là 1,1%. Nhưng đối với các nền kinh tế đang trỗi dậy, các chỉ số dự báo tăng trưởng kinh tế đều cao hơn so với chỉ số của triển vọng kinh tế thế giới nói chung. Theo đó, chỉ số dự báo năm 2022 và 2023 đều ở mức 3,7% trong khi năm 2021 là 6,6%. Như vậy, dự báo của IMF đã chỉ rõ mức độ chênh lệch giữa các nền kinh tế là khá lớn và tình trạng tăng hoặc giảm đều không ổn định. Điều này báo hiệu những dự báo nói trên sẽ tiếp tục bị điều chỉnh bởi tất cả các nhân tố tác động đều rất biến động.

Linh Đan (tổng hợp)
.
.