Italia thành công nhờ từ bỏ "cái tôi"

Thứ Bảy, 26/06/2021, 09:20
Những người hâm mộ Azzurri hẳn cũng phải bất ngờ với cách ĐT Italia thi đấu tại EURO năm nay. Không còn Catenaccio, không còn phòng ngự tầng tầng lớp lớp, nhưng thầy trò HLV Roberto Mancini vẫn băng băng tiến bước trên hành trình đến trận đấu cuối cùng. Đó là thành quả xứng đáng với những người dám bỏ truyền thống sang một bên để theo đuổi tư duy hiện đại, phóng khoáng.


Đi lên từ thất bại

"Hoàn hảo" là từ duy nhất có thể mô tả màn trình diễn của ĐT Italia tại EURO 2020 đến thời điểm hiện tại. Họ toàn thắng cả 3 trận đấu, ghi 7 bàn và không cho đối phương có cơ hội chọc thủng lưới dù chỉ 1 lần. Nếu như Italia của Conte 5 năm trước chọn lối đá phòng thủ, rình rập chờ cơ hội phản công như truyền thống, thì Mancini lại chơi tấn công và kiểm soát bóng. Điều đó được thể hiện ở số bàn thắng vượt trội (7).

Lượng thẻ phạt của Azzurri năm nay cũng thấp một cách bất thường so với chính họ ở những trận cầu lớn trước kia. Lấy ví dụ, năm 2016 Conte mang đến EURO một Italia xù xì và thô ráp. Họ có thể nhường thế trận cho đối thủ nhưng luôn áp đảo về số thẻ phạt, với 10 thẻ vàng ở vòng bảng. Năm nay, con số này giảm xuống chỉ còn đúng 1 thẻ dành cho Pessina. Rõ ràng Italia đã thay đổi đến mức không ai nghĩ họ là cha đẻ của lối đá Catenaccio.

Không HLV nào dẫn dắt ĐT Italia có tỷ lệ thắng cao như Mancini.

Vậy Italia đã thay đổi từ bao giờ, và tại sao họ lại từ bỏ bản ngã của chính mình, với tư duy phòng ngự vốn đã trở thành triết lý? Mầm mống gãy vụn của Catenaccio bắt đầu ngay từ vòng bảng EURO 2016. Italia thắng Bỉ và Thụy Điển, nhưng lại để thua CH Ireland. Azzurri lọt vào tứ kết giải đấu năm đó, một bước thụt lùi so với chính họ, Á quân EURO 2012. Nhưng phải đến vòng loại World Cup 2018, Italia mới thực sự thấy họ cần thay đổi.

Người Italia khởi đầu chiến dịch vòng loại World Cup 2018 với suy nghĩ rất duy tâm: Quy luật 12 năm chắc chắn sẽ đưa họ vào đến chung kết! Kết quả cuối cùng thật nghiệt ngã. Azzurri chỉ đứng thứ 2 vòng sơ loại, và bị một Thụy Điển không có Ibrahimovic đánh bại trong loạt play-off. Lần đầu tiên sau 60 năm, Italia mới vắng mặt ở một vòng chung kết Cúp Thế giới. Quy luật 12 năm sụp đổ, nhưng vì con người họ có chưa đủ tốt, hay chiến thuật có vấn đề?

Từ thời điểm Italia đánh bại Thụy Điển ở EURO 2016 đến khi thua chính đối thủ này ở vòng loại World Cup diễn ra trong vòng chưa đầy 1 năm rưỡi. Azzurri vẫn giữ nguyên bộ khung cầu thủ vốn có, vì thế nguyên nhân "thắng đội mạnh, thua đội yếu" dường như xuất phát từ hệ thống chiến thuật và đội hình. Catenaccio được đưa ra để khắc chế lối đá tấn công của các đội bóng mạnh, nhưng lại không phải giải pháp hợp lý khi gặp đối thủ yếu.

Nói cách khác, sự chùng xuống của Italia đến từ việc chiến thuật phòng ngự phản công của họ đã dần lỗi thời. Họ có thể thắng Tây Ban Nha hay Bỉ nhờ thi đấu như một đội cửa dưới, nhưng hoàn toàn bất lực khi ở thế cửa trên để địch lại Thụy Điển và CH Ireland. Với việc World Cup và EURO mở rộng số đội tuyển tham dự, xác suất Italia gặp các đội yếu ở vòng loại (và cả vòng chung kết) sẽ ngày càng tăng. Họ không thể mãi mãi chơi phòng ngự phản công với những đội bóng yếu, chắc chắn là như vậy.

Cuộc cách mạng của Mancini

Tháng 5/2018, Roberto Mancini tiếp quản ĐT Italia. Ông bị gắn mác "kẻ đáng thương" khi phải nhận di sản Cesare Prandelli và Gian Piero Ventura để lại. Người tiền nhiệm Ventura thậm chí đã bỏ chạy chỉ sau 6 tháng cầm quân, nhưng Mancini vẫn đón nhận thách thức một cách bình thản. Kinh nghiệm của một ngôi sao tấn công, cũng như nhiều năm công tác huấn luyện tại Anh, Italia và Nga giúp Mancini nhận ra những gì ông có trong tay không phải một đống đổ nát.

Không giống những người tiền nhiệm chỉ chăm chăm phòng ngự và trọng dụng những cựu binh, Mancini chọn cách tiếp cận hoàn toàn ngược lại. Ở ĐT Italia bây giờ, không có ai góp mặt chỉ để đủ số lượng. Mọi cầu thủ đều có cơ hội ra sân, kể cả thủ môn dự bị, vì Mancini cần họ để liên tục xoay tua thử nghiệm những phương án mới. Điều đó tạo nên một Italia biến ảo khó lường và có chiều sâu đội hình, dù nòng cốt của họ vẫn là những cầu thủ trẻ mới lên tuyển.

Khởi đầu của sự thay đổi diễn ra không hề dễ dàng. Italia của Mancini thắng nhọc nhằn Saudi Arabia ở trận đầu tiên trên cương vị mới của Mancini, và không thắng ở 5 trận tiếp theo. Với thành tích đó, Prandelli và Ventura chắc chắn bị sa thải hoặc chịu sức ép phải từ chức, nhưng Mancini vẫn bình thản. Có 2 lý do dẫn tới điều đó. Thứ nhất là danh tiếng của Mancini lúc còn chơi bóng. Thứ 2, Mancini chẳng còn gì để mất cả. Sau nhiều năm bôn ba, ông luôn sẵn sàng chờ đợi kết cục tệ nhất đến với mình.

May mắn cho cựu HLV trưởng Man City, điều đó đã không đến! Sau chuỗi trận đáng thất vọng kia, Italia của Mancini tiến băng băng với sức mạnh không thể cản phá. Họ toàn thắng 10 trận vòng loại EURO, ghi 37 bàn và chỉ thủng lưới 4 lần. Phong độ thăng hoa đó tiếp tục kéo dài đến nay, với 30 trận liên tiếp bất bại và hơn 1000 phút giữ sạch lưới. Tỷ lệ giành chiến thắng của Mancini là 74%, cao nhất lịch sử ĐT Italia.

Liệu Azzurri có cơ hội vô địch EURO hay không? Mancini khiêm tốn nói đội bóng của ông vẫn nằm dưới cơ những ông lớn như Anh, Pháp hay Bỉ. Tuy nhiên trước đối thủ là ĐT Áo, rõ ràng Italia có thể tiếp tục tung hoành như cách họ đã làm ở vòng bảng. Chỉ cần liên tục duy trì thế công và kiểm soát bóng vượt trội, Italia coi như đã nắm trong tay chiếc vé vào tứ kết.

Món hời vô giá từ Mancini

Vài năm gần đây, sức hút của ĐT Italia cũng như Serie A đã suy giảm rõ rệt. Chất lượng chuyên môn đi xuống cùng tài chính eo hẹp khiến các CLB Italia không có tiền mua cầu thủ để cải thiện thành tích thi đấu, qua đó họ càng thụt lùi khi đem so sánh với các CLB Anh, Đức, Tây Ban Nha. Tuy nhiên với màn trình diễn đẹp mắt của thầy trò Mancini tại EURO, các nhà tài trợ có thể thay đổi ý định và chuyển sang dồn tiền vào xứ sở hình chiếc ủng.

Một giá trị khác Mancini đem đến cho bóng đá Italia chính là ông đang giúp giá trị các tuyển thủ Azzurri tăng theo từng ngày. Những người đang khoác áo CLB hạng trung Sassuolo như Domenico Berardi và Manuel Locatelli đã lọt vào tầm ngắm của một vài ông lớn như Juventus và PSG. Nếu họ tiếp tục giúp đội nhà tiến sâu, cơ hội đổi đời sẽ càng rộng mở như Karel Poborsky trước kia. Tại EURO 96, anh gây chú ý bằng quả lốp bóng vào lưới Bồ Đào Nha. Ít ngày sau, M.U mua anh với giá 3 triệu bảng.

An Khánh
.
.