Sắm ngoại binh V.League trước mùa giải mới: Muôn hình muôn vẻ

Thứ Hai, 09/01/2023, 06:58

Giữa thời điểm người hâm mộ mải mê theo dõi World Cup và AFF Cup, những đội bóng ở V.League âm thầm tập luyện chuẩn bị cho mùa giải mới. Bên cạnh lựa chọn bộ khung cầu thủ nội, việc "săn Tây" cũng được các CLB quan tâm không kém. Tùy vào nguồn lực, mỗi đội lại có một cách sắm ngoại binh không giống ai.

Thử nhầm còn hơn bỏ sót

"Ngoại binh giỏi chiếm 3/4 sức mạnh của một đội bóng V.League". Đó là nhận xét của Đặng Khánh Lâm, cầu thủ từng khoác áo Thể Công, Thanh Hóa, Navibank Sài Gòn và Hải Phòng. Những lời của Khánh Lâm không hề sai. Mùa giải thành công nhất của anh là V.League 2016, nơi cầu thủ này giành danh hiệu Á quân cùng Hải Phòng, đội bóng có truyền thống sử dụng ngoại binh giỏi.

Sắm ngoại binh V.League trước mùa giải mới: Muôn hình muôn vẻ -0
Đinh Hoàng Max đến Hải Phòng thử việc khi anh chuẩn bị bước sang tuổi 37.

Trên cương vị HLV trưởng CLB Hải Phòng giai đoạn 2015-2019, HLV Trương Việt Hoàng không có nhiều nội binh chất lượng. Thay vào đó, ông Hoàng "bộp" có bộ ba "Tây" thi đấu ổn định suốt nhiều năm. 2 ngoại binh Fagan và Stevens ghi bàn đều đặn trên hàng công, còn trung vệ nhập tịch Lê Văn Phú là trung vệ đáng tin cậy, chưa kể đến thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm.

Đến thời HLV Chu Đình Nghiêm, Hải Phòng vẫn duy trì một bộ khung ngoại binh chất lượng ở mùa giải 2022. Mpande, Rimario và Moses đều là những cầu thủ có nhiều năm chơi bóng ở Việt Nam. Đẳng cấp của họ là điều không phải bàn cãi. Nhưng sau mùa bóng vừa qua, chỉ còn Mpande tiếp tục gắn bó với đội bóng thành phố Cảng khiến HLV Chu Đình Nghiêm lại phải đau đầu tìm nhân sự mới.

Theo chia sẻ của những người hâm mộ CLB Hải Phòng, trong khoảng 1 tháng vừa qua, họ đã chứng kiến không dưới 30 ngoại binh đến thành phố Cảng thử việc. Về phía CLB Hải Phòng, họ dường như tính đến phương án "thử nhầm còn hơn bỏ sót" nhằm chiêu mộ được ngoại binh tốt với giá rẻ nhất. Ở chiều ngược lại, không ít người mang mác cầu thủ đến Việt Nam với giấc mơ chơi bóng thoát nghèo.

Lứa ngoại binh đầu tiên đến thử việc tại Hải Phòng hồi tháng 12 phần lớn là những cầu thủ vô danh. Khán giả gọi họ là "Tây Bùi Viện", biệt danh nửa thật nửa trêu đùa. Chẳng ai trong số họ từng thi đấu chuyên nghiệp trước kia. Chuyện dở khóc dở cười của những ngoại binh đến Hải Phòng thử việc chỉ vỡ lở khi có người phát hiện và đưa lên mạng xã hội.

Gregory sinh năm 1995, đến Hải Phòng thử chân với lý lịch từng đá ở Bồ Đào Nha. Nhưng hóa ra anh chỉ là cầu thủ bán chuyên, chơi cho một đội hạng 5. "Làm sao một cầu thủ như vậy lại được thử việc ở đội bóng thi đấu Cúp C1 châu Á mùa tới", một độc giả bình luận. Jonoy Delano, ngoại binh Jamaica thậm chí còn không có thông tin xuất hiện trên Google.

Với trình độ của nhóm ngoại binh "Tây Bùi Viện", không khó hiểu khi CLB Hải Phòng liên tục để thua ở một số trận đấu giao hữu đầu tháng 12. Bản thân HLV Chu Đình Nghiêm cũng thừa nhận với người hâm mộ rằng những ngoại binh này không đủ trình độ đá V.League. Đội bóng chuyển sang phương án khác, khi thử việc những cựu binh có nhiều năm chơi bóng ở Việt Nam.

Hình ảnh mới nhất về những buổi tập của CLB Hải Phòng có nhiều "lão ngoại binh" Diego Fagan, Oseni Bolaji và Đinh Hoàng Max. Họ đều là những cầu thủ đã bước qua tuổi 30, Fagan và Đinh Hoàng Max thậm chí năm nay đã 37 tuổi. Những điểm mạnh nhất của họ như tốc độ và sức mạnh không còn nữa nhưng tất cả vẫn cố gắng tìm cơ hội có hợp đồng ở Việt Nam.

Hàng hiệu giá cao

Giữa bối cảnh CLB Hải Phòng lao đao vì thử việc ngoại binh, CLB Thanh Hóa bất ngờ thông báo họ chiêu mộ thành công Paulo Condrado. Trước khi gia nhập đội bóng xứ Thanh, Paulo vẫn còn hợp đồng với BG Pathum United, đương kim Á quân giải Ngoại hạng Thái Lan. Có vẻ Thanh Hóa đã trả phí chuyển nhượng cho BG Pathum United để sở hữu chân sút này.

Việc CLB Thanh Hóa bỏ tiền mua cầu thủ, thay vì trả lót tay cho ngoại binh chuyển nhượng tự do là điều hiếm thấy ở V.League. Trong quá khứ, HLV Phan Thanh Hùng từng đề cập và lý giải chuyện này. Khoảng 15 năm trước, ông Phan Thanh Hùng đã đến Brazil và Argentina, đặt vấn đề chuyển nhượng cầu thủ bản xứ sang Việt Nam và bị chuyện "đầu tiên" ngăn cản.

"Cầu thủ ở giải hạng 2 Brazil có chất lượng rất tốt, và họ cũng muốn sang Việt Nam thi đấu vì V.League trả lương cao hơn 2-3 lần", ông Phan Thanh Hùng nói. "Nhưng ở Nam Mỹ, cầu thủ là tài sản của CLB. Nếu muốn ký hợp đồng với họ thì phải trả phí chuyển nhượng cho đội bóng chủ quản, lên tới cả triệu USD. Vì thế chúng tôi phải tìm đến cầu thủ tự do với giá tốt hơn".

Không ai rõ CLB Thanh Hóa phải bỏ ra bao nhiêu tiền để mua về Paulo Condrado, nhưng con số có thể lên tới vài tỷ đồng. Điều đó cho thấy một xu hướng mới đang xuất hiện ở V.League, nơi những đội bóng chấp nhận chuyển nhượng để sở hữu ngoại binh chất lượng, thay vì thử việc rồi trả tiền lót tay. Đó dường như là xu hướng lành mạnh hơn với bóng đá chuyên nghiệp.

"Tôi không thích kiểu thử việc ở V.League, bởi cầu thủ giỏi thật sự không cần thử việc", Jernej Kamensek, một người đại diện nhiều năm làm việc tại Việt Nam phát biểu. Đúng như lời "siêu cò" này nói, việc tuyển mộ ngoại binh theo dạng thử việc và chuyển nhượng tự do vốn mang nhiều chuyện tiêu cực.

Để được ký hợp đồng, nhiều cầu thủ và người đại diện chấp nhận "cắt phế", chia tiền cho các bên liên quan tại CLB chủ quản. Đó có thể là lãnh đạo đội bóng, HLV, trợ lý. Câu chuyện "tiền phế" từng được nhiều cầu thủ ngoại nhắc tới, nhưng vì một vài lý do, số khác vẫn ngậm đắng nuốt cay chấp nhận "luật rừng" để mưu sinh ở Việt Nam.

Vì sao ngoại binh luống tuổi vẫn có đất dụng võ ở V.League?

Chuẩn bị bước sang tuổi 37, Diego Fagan có hơn 10 năm chơi bóng tại Việt Nam. Phần lớn trong khoảng thời gian này, Fagan khoác áo CLB Hải Phòng và trở thành một biểu tượng của đội bóng thành phố Cảng. Fagan tập nói tiếng Việt, giao tiếp bằng tiếng Việt và được CLB trao băng đội trưởng. Anh cũng là một trong những ngoại binh hiếm hoi từng ký hợp đồng nhiều hơn 1 năm ở V.League.

Lý giải về việc mình vẫn được trọng dụng ở nhiều đội bóng sau khi quá 30 tuổi, Fagan nói: "Chúng tôi có thể không nhanh và mạnh như hồi trẻ nhưng thi đấu điềm tĩnh hơn, khôn ngoan hơn. Cầu thủ già như chúng tôi cũng sinh hoạt điều độ hơn các thanh niên, từ đó duy trì phong độ ổn định. Ở châu Âu, những tiền đạo hàng đầu như Benzema, Lewandowski và Messi cũng như vậy".

Bên cạnh những yếu tố chuyên môn, ngoại binh luống tuổi ở V.League vẫn có thể kiếm hợp đồng vì họ am hiểu văn hóa bóng đá Việt Nam. Một số người sẵn sàng chỉ nhận lương cứng để thi đấu, không cần tiền lót tay, và "giá rẻ" giúp họ được chiêu mộ.

An Khánh
.
.