Tấm thẻ đỏ của Duy Mạnh và câu chuyện “thói quen xấu xí”

Thứ Ba, 06/09/2022, 08:14

Tấm thẻ đỏ của Duy Mạnh trở thành tâm điểm của truyền thông sau trận đấu giữa Hà Nội FC và Bình Định tại vòng 15 V.League 2022. Thêm một lần nữa, “bạo lực” của V.League lại tiếp tục là bài toán khó giải khi chính những tuyển thủ quốc gia cũng không thể bỏ qua thói quen xấu xí. 

Tại vòng 15 V.League 2022, Duy Mạnh nhận thẻ đỏ trực tiếp sau pha đánh nguội với Jermie Lynch. Đó là tình huống rất thiếu fair-play của trung vệ Hà Nội FC. Sau trận đấu, huấn luyện viên Chun Jae-ho nói rằng: “Tôi hiểu tâm trạng của Duy Mạnh. Cậu ấy cáu vì đội đang thua và trọng tài thổi nhiều tình huống bất lợi”.

duy-manh.jpeg -0
Duy Mạnh nhận thẻ đỏ trận Hà Nội – Bình Định. Ảnh: MD.

Những hình ảnh vẫn luôn là đề tài lên án của V.League trong suốt 2 thập kỷ qua một lần nữa lại được đưa ra để mổ xẻ. Nhưng hãy xem cách mà ông thầy người Hàn Quốc “đồng cảm” với tâm trạng của học trò, điều này có thể để lại những hệ luỵ. Nhưng đó là sự đồng cảm của cá nhân ông Chun và Ban huấn luyện Hà Nội. Còn số đông khán giả Việt Nam không nghĩ thế, nhất là khi Duy Mạnh được gắn mác tuyển thủ quốc gia.

Tấm thẻ đỏ mà Duy Mạnh nhận ở vòng 15 V.League 2022 khiến nhiều người nhớ đến tấm thẻ đỏ mà anh đã nhận trong trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Saudi Arabia ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Đó là tình huống Duy Mạnh chơi lăn xả và để bóng chạm tay, nhận thẻ vàng thứ 2 rời sân, tuyển Việt Nam chịu phạt đền và đá trong thế 10 người. Chúng ta thua ngược 1-3 trong thế trận đang chiếm lợi thế.

Đấy là trận đấu mà Duy Mạnh nhận được sự đồng cảm từ số đông người hâm mộ Việt Nam. Thậm chí, sự đồng cảm đó còn được chuyển thành bức xúc dành cho trọng tài người Uzbekistan, ông Ilgiz Tantashev. Trang facebook cá nhân của trọng tài này đã bị số đông cổ động viên Việt Nam tấn công. Đó vẫn là sự phản ứng “quen thuộc” mà khán giả Việt Nam vẫn thường làm khi đội nhà bị xử bất lợi.

Nhưng xét rộng ra, cần phải nhận định công tâm rằng, đó là tình huống mà Duy Mạnh đã giữ thói quen chơi lăn xả, quyết liệt. Trọng tài sau khi tham khảo công nghệ VAR đã rút thẻ đỏ với Duy Mạnh. Vòng loại thứ 3 World Cup 2022, tuyển Việt Nam đã được trải nghiệm công nghệ VAR ở tất cả các trận đấu. Và chúng ta cũng đã phải trả giá cho nhiều tình huống mà các tuyển thủ giữ thói quen ở V.League.

Duy Mạnh được gọi với biệt danh Mạnh “gắt”. Đó là hình ảnh mà anh tạo ra ở vòng chung kết U23 châu Á 2018. Trung vệ của Hà Nội FC đã thể hiện tinh thần thi đấu lăn xả quyết liệt với tinh thần chiến thắng. Anh cũng gay gắt bảo vệ đồng đội trước những pha bóng chơi xấu của đối phương. Đó là điều từng được khán giả yêu mến và làm nên “thương hiệu” Duy Mạnh.

Và hãy nhìn cách khán giả phản ứng với Duy Mạnh từ hai hình ảnh thẻ đỏ ở tuyển quốc gia và ở câu lạc bộ tại V.League vừa qua lại đặt ra vấn đề về sự cổ xuý cho các hành vi quyết liệt quá mức cần thiết đến từ các cầu thủ. Sự đồng cảm của khán giả ở đội tuyển quốc gia không đồng nghĩa với điều đó được lặp lại ở V.League. Thực tế đã chứng minh sau vòng 15 V.League 2022. Và không chỉ Duy Mạnh, ngay cả người đồng đội của anh là Đoàn Văn Hậu cũng trở thành tâm điểm chỉ trích vì những pha bóng xấu xí gần đây. Thậm chí, đó là những pha chơi xấu với chính những cầu thủ từng là đồng đội ở đội tuyển quốc gia.

Đó là điều không đáng xuất hiện ở những cầu thủ đã có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế và phải trả giá cho những thói quen từ V.League. Từ câu chuyện của Duy Mạnh có thể thấy rằng, hệ luỵ từ V.League vẫn là bài toán rất khó giải. Chỉ những án phạt từ VFF thôi là chưa đủ sức răn đe. Bởi thực tế đã có quá nhiều bài học nhãn tiền xuất hiện. Mọi chuyện cuối cùng vẫn đâu vào đó, không có hồi kết thoả đáng.

Đây là vấn đề mà bản thân các câu lạc bộ cũng cần vào cuộc trong việc giáo dục cầu thủ thay vì đồng cảm. Có nhiều thời điểm, đồng cảm là cách để giúp cầu thủ vượt khó và tạo động lực thi đấu. Nhưng trong trường hợp của Duy Mạnh, đó vô tình là sự cổ xuý cho những hành vi xấu xí.

Trận đấu chung tay ủng hộ trẻ mồ côi sau dịch COVID-19

Kể từ khi bùng phát, đại dịch COVID-19 đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với đời sống, xã hội tại Việt Nam. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, gần 20.000 người tử vong vì COVID-19, trong đó có những bậc làm cha, mẹ, trụ cột của gia đình. Mất mát ấy đã khiến hơn 2.200 trẻ em tại TP Hồ Chí Minh mất đi tình yêu thương của cha mẹ.

Nhiều chiến dịch, chính sách nhân văn, tinh thần sẻ chia của cộng đồng đã và đang tiếp sức cho những mảnh đời bất hạnh, giúp các em có thêm tinh thần và động lực để vượt qua khó khăn, vững bước trên chặng đường phía trước.

Cùng với ý nghĩa và mục tiêu như thế, chiến dịch True Love - Tình yêu đích thực - Hướng tới tương lai do Next Media, Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hồ Chí Minh, đội Borussia Dortmund, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) phối hợp tổ chức nhằm gây quỹ ủng hộ các trẻ em mồ côi, khó khăn sau dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Trọng tâm của chiến dịch là trận đấu giao hữu bóng đá diễn ra vào lúc 19h00 ngày 28/9 tại sân Thống Nhất giữa Đội All Stars Việt Nam (bao gồm cựu danh thủ bóng đá và các ngôi sao giải trí) thi đấu với các huyền thoại của câu lạc bộ Borussia Dortmund.

Nếu không có những thay đổi vào phút chót, thành phần đội All Stars Việt Nam bao gồm các danh thủ bóng đá như Công Vinh, Công Phượng, Tiến Linh, Đỗ Hùng Dũng, Văn Quyết, Hoàng Thịnh; bên cạnh các ngôi sao giải trí như ca sĩ Jack, Hoàng Bách, Mỹ Tâm; diễn viên Thái Hòa… Trong khi đó, các huyền thoại của Borussia Dortmund dự kiến qua Việt Nam có Jan Koller, Roman Weidenfeller, Jorg Heinrich, Dede, Tinga… Chiến dịch đặt mục tiêu gây quỹ từ 10 tỉ đồng trở lên, kêu gọi sự sẻ chia từ cộng đồng, để giúp đỡ những trẻ em bất hạnh do dịch COVID-19, giúp các em có thêm động lực, sức mạnh để hướng về phía trước.

H.H

Hưng Hà
.
.