Quốc hội muốn tăng thực quyền quyết định ngân sách

Thứ Ba, 02/06/2015, 14:32
Buổi thảo luận về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) sáng 2/6 đã diễn ra sôi nổi với nhiều kiến nghị để thắt chặt kỷ luật ngân sách.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), cho rằng tình trạng ngân sách lồng ghép chính là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến sự bất cập của ngân sách hiện nay, nên phải tính toán lại và lần sửa luật này “chúng ta có dư địa để thiết kế làm sao hướng tới xóa tình trạng lồng ghép”.

“Đối với Quốc hội, quyền quan trọng nhất là quyền quyết định ngân sách, nghĩa là kiếm tiền và chi tiền đều là Quốc hội quyết hết. Quốc hội họp 2 kỳ/năm, nếu có vấn đề gì thì đã có dự phòng rồi thành ra không có gì là khó để đưa ra Quốc hội quyết định cả”.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng “Quốc hội có thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất hay không một phần quan trọng phụ thuộc vào Luật Ngân sách Nhà nước” được thiết kế ra sao, quy định thế nào trong thẩm quyền quyết định ngân sách.

“Thực chất thực quyền phân bổ ngân sách nằm ở các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách. Tại các kỳ họp Quốc hội hầu như không thể quyết định dự toán NSNN và quyết định phân bổ NSTW vì dự toán và phương pháp phân bổ đều do Thủ tướng quyết định, có xin ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội”. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội quyết định tiêu chí luôn chứ không giao cho Chính phủ.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) chỉ ra những mâu thuẫn trong dự thảo tại khoản 3 Điều 7 khi phần đầu nói bội chi ngân sách chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, nhưng sau đó lại đề cập nguồn này được dùng để trả nợ gốc.

“Tôi không đồng ý lấy khoản vay mới để trả nợ gốc đến hạn. Mục đích vay là đầu tư phát triển, để tạo ra thu nhập tăng thêm, tính toán hiệu quả KT-XH mới vay, sử dụng nguồn vay sẽ tạo ra nguồn thu tăng thêm cho ngân sách. Khi lấy nguồn thu tạo ra từ khoản vay đó để trả nợ sẽ dẫn tới nhiều quan ngại như không thấy hiệu quả sử dụng vốn vay, che lấp sự sử dụng vốn vay, nợ vay trước đây; làm cho chủ thể đi vay ít áp lực khi đi vay, dễ tuỳ tiện khi đi vay”. Quan ngại hơn, quy định này tạo ra cơ chế, cơ chế đi vay ít để ý tới hiệu quả vốn vay, ngân sách nợ nần triền miên, không bao giờ thoát được nợ đọng ngân sách.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thì lên tiếng về những khoản thu để ngoài chưa đưa vào ngân sách, những quỹ tài chính độc lập (trong đó có nhiều quỹ có quy mô rất lớn như quỹ bảo trì đường bộ, quỹ bảo hiểm...) sẽ làm phân tán nguồn lực đất nước vốn đã rất hạn hep.  Cũng tương tự, đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) cho rằng nên thu vào ngân sách và càng hạch toán càng đầy đủ rõ ràng càng tốt cả những khoản bán cổ phần hoá của DNNN, chuyển nhượng quyền khai thác tài sản, cầu cảng, bến bãi, đường cao tốc ….

Dự thảo Luật mới đã sửa đổi, bổ sung khá nhiều nội dung như về phạm vi thu, chi NSNN (Điều 5), bội chi NSNN (khoản 4 Điều 4), mức vay nợ của ngân sách cấp tỉnh (khoản 6 Điều 7), dự phòng NSNN (Điều 10)... Về phân cấp nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội giữa các cấp chính quyền cũng đã được tiếp thu để phù hợp với các dự án luật đang được xây dựng...

Vũ Hân
.
.