Những trăn trở góp phần xây dựng Đảng

Thứ Tư, 01/11/2023, 08:31

Trong số 10 tác giả được Ban tổ chức cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba, năm 2023 trao giải A có Đại tá Trần Nam Cường, trợ lý Phòng Tuyên truyền - Cổ động, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.

Đại tá Trần Nam Cường đoạt giải A, Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba, năm 2023 với tác phẩm “Cán bộ sợ trách nhiệm - “căn bệnh” cần chữa trị ngay”.

“Có thể nói, lựa chọn đề tài bài viết để tham gia cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba, năm 2023, đối với tôi là một việc khó. Viết gì để chủ đề và nội dung bài viết không đi vào lối mòn, phải có tính thời sự, tính đấu tranh… Và đặc biệt đối với tôi là phải có tính quần chúng để mọi người có thể dễ đọc, dễ cảm thụ. Ban đầu, tôi vạch ra khá nhiều chủ đề, như việc phản bác một số luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, việc bảo vệ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, hay vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…” - Đại tá Trần Nam Cường mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Giữa lúc đang trăn trở để tìm chủ đề, Đại tá Trần Nam Cường đã đọc được bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết cách đây 50 năm với bút danh “Người xây dựng” đăng trên Tạp chí Cộng sản, tháng 11/1973 và gần đây bài viết được đăng trên cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Bài viết có ấn tượng rất sâu sắc đối với anh và là nguồn cảm hứng để anh viết về chủ đề này.

Những trăn trở góp phần xây dựng Đảng -0
Đại tá Trần Nam Cường, trợ lý Phòng Tuyên truyền - Cổ động, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đồng thời, vào thời điểm này, qua các phương tiện thông tin đại chúng, anh biết thời gian gần đây, tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm lại “nóng” lên. Vấn đề này cũng được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước phê bình, nhắc nhở; chấn chỉnh nhiều lần trong các cuộc họp, các văn bản chỉ đạo, được bàn thảo nhiều trên các diễn đàn của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây chính là động lực trực tiếp thôi thúc anh viết về chủ đề này, với mong muốn góp phần nhỏ bé trong tuyên truyền, phê phán, khắc phục tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm hiện nay.

Sau khi nêu tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm là một vấn đề nóng hiện nay và những hệ lụy, nguy hại mà nó gây ra, Đại tá Trần Nam Cường tập trung làm rõ những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này và đề xuất giải pháp khắc phục.

“Việc phân tích nguyên nhân tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hiện nay đã làm nóng nghị trường Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XV; các đại biểu đã chỉ rất rõ căn nguyên của “căn bệnh” này và nhấn mạnh, cần có “liều thuốc” đặc trị với “căn bệnh” này”- anh chia sẻ. Với cá nhân mình, trong bài viết của mình, khi phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp tôi đều xem xét trên hai góc độ cá nhân và tổ chức.

Lý giải vấn đề trên, Đại tá Trần Nam Cường cho biết: Đối với cá nhân, sợ trách nhiệm chủ yếu là do cán bộ thiếu bản lĩnh hoặc thiếu tu dưỡng phẩm chất đạo đức; thiếu năng lực hoặc sa vào chủ nghĩa cá nhân. Điều đó rất dễ hiểu, bởi khi thiếu bản lĩnh sẽ thiếu dũng khí đấu tranh, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm. Khi thiếu tu dưỡng phẩm chất đạo đức sẽ dễ nảy sinh thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu đi liêm sỉ; không có lòng tự trọng khi đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, khi kết quả hoàn thành nhiệm vụ thấp. Khi đã thiếu năng lực thì trước mỗi công việc, nhất là việc khó, việc mới sẽ không biết quyết định thế nào cho đúng, làm gì cũng sợ sai, sợ bị phê bình, chất vấn.

“Đặc biệt, khi cán bộ sa vào chủ nghĩa cá nhân thì trước mỗi quyết định, mỗi việc làm, họ luôn tính toán được gì, mất gì cho bản thân; việc thuận lợi thì xung phong đi đầu, gặp khó khăn thì né tránh; khi thành công thì tranh phần, lúc thất bại thì đổ lỗi; được lợi cho bản thân thì hăng hái làm, không có lợi cho bản thân thì thoái thác, đùn đẩy... Thế nên, khi cán bộ mắc vào một trong những vấn đề đó sẽ đều dẫn đến thái độ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm”- Đại tá Trần Nam Cường nhấn mạnh.

Đối với tổ chức, cán bộ sợ trách nhiệm là do tổ chức làm chưa tốt công tác cán bộ; do chưa có cơ chế, chính sách hữu hiệu để bảo vệ cán bộ tốt và kiểm tra, giám sát, phê bình, xử lý cán bộ sai phạm. Nếu khắc phục được những hạn chế đồng thời cũng là những nguyên nhân trên đây, tôi thiết nghĩ sẽ ít nhiều khắc phục được tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm. Vì vậy, từ việc phân tích làm rõ nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, tôi đề xuất một số giải pháp chủ yếu để khắc phục cũng trên hai góc độ: tổ chức và cá nhân- Đại tá Trần Nam Cường nhấn mạnh.

Từ nguyên nhân, bài viết của Đại tá Trần Nam Cường đã đưa ra được nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng trên đối với tổ chức và cá nhân. Đó là việc cần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất của công tác cán bộ; có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung. Đó còn là việc xây dựng quy chế làm việc chặt chẽ; tăng cường kiểm tra, giám sát, đề cao tự phê bình và phê bình việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt.

Đối với cá nhân phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh và đạo đức cách mạng; không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực, tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ và tích cực học tập và làm theo tư tưởng “Dĩ công vi thượng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lựa chọn một đề tài “nhạy cảm” và “gai góc, khi đặt bút viết, Đại tá Trần Nam Cường cũng có nhiều thuận lợi song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm là vấn đề không mới nhưng gần đây lại “nóng” lên. Viết về những vấn đề mà thực tiễn xã hội đang đặt ra để góp phần tuyền truyền, đấu tranh, khắc phục những hạn chế, yếu kém là việc làm không quá khó khăn. Vấn đề là bản thân người viết có mạnh dạn viết, mạnh dạn đấu tranh tự phê bình và phê bình hay không.

Khó khăn ấy là thực trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm rất khó định lượng rõ ràng, thậm chí là vấn đề “nhạy cảm” trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Đồng thời, vấn đề này được bàn thảo nhiều trong các diễn đàn, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận. Vì vậy, khi viết về chủ đề này, mình phải khai thác theo góc độ nào, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề ra sao, để bài viết có sự tươi mới, phong phú, giàu tính đấu tranh và không cảm thấy nhàm chán khi đọc. Điều đó đối với anh là vấn đề đặt ra. Ở tại đơn vị công tác, Đại tá Trần Nam Cường cũng là cán bộ không sợ trách nhiệm và luôn mạnh dạn đấu tranh tự phê bình và phê bình hiện tượng trên trong cơ quan, đơn vị. Do đó, anh viết về chủ đề này hết sức chân thực, không né tránh; bởi đã rất thấm thía câu nói của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Hết sức tránh tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê, Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”.

Xuân Mai
.
.