Chảo lửa Đông Ghouta vẫn cháy hừng hực sau các lệnh ngừng bắn

Thứ Năm, 01/03/2018, 17:29
Cả lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc (LHQ) bảo trợ lẫn "khoảng dừng nhân đạo" do Nga đề xuất đều đã có hiệu lực ở Đông Ghouta, song chưa thể ngăn được đạn bom trút xuống đầu dân thường ở vùng chiến sự cam go này.

Reuters ngày 1-3 cho hay, bất chấp các lệnh ngừng bắn do LHQ thông qua, chiến sự ở Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damacus của Syria chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Các lực lượng đối lập thi nhau đổ lỗi cho đối thủ về tình hình bạo lực leo thang, trong khi dân thường phải tiếp tục sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”, thậm chí mất mạng.

Giao tranh không hạ nhiệt

Phát biểu trong một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an hôm 28-2, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman nói rằng, mặc dù Hội đồng Bảo an đã yêu cầu lệnh ngừng bắn trên toàn Syria nhưng bạo lực vẫn tiếp tục tàn phá quốc gia Trung Đông.

Các lỗ đạn khổng lồ do pháo kích của phiến quân gây ra ở Đông Ghouta. Ảnh: ITN

"Lệnh ngừng bắn ngắn ngủi mà các thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua chỉ vài ngày trước đây chưa được hiện thực hóa. Các cuộc không kích, nã pháo và tấn công trên mặt đất vẫn tiếp tục. Thậm chí còn có tin về những vụ tấn công bằng khí độc clo sắp xảy ra", Ông Feltman tuyên bố.

Ông Mark Lowcock, quan chức phụ trách hoạt động điều phối khẩn cấp LHQ cũng cho hay, bất chấp lệnh ngừng bắn, các vụ oanh kích và giao tranh còn xảy ra nhiều hơn, dẫn đến nhiều người thương vong hơn cùng “đống đổ nát ngày càng lớn hơn”.

Trước đó vài giờ, Thiếu tướng Vladimir Zolotokhin, người phát ngôn của Trung tâm của Nga về hòa giải ở Syria tiết lộ, việc thực thi "khoảng dừng nhân đạo" do Nga đề xuất ở Đông Ghouta đang vấp phải bế tắc bởi sự chống đối nghiêm trọng từ cả lực lượng phiến quân lẫn quân khủng bố.

Các tổ chức nhân đạo rất khó tiếp cận Đông Ghouta vì chiến sự căng thẳng. Ảnh: Reuters

Theo ông Vladimir Zolotokhin, các phương tiện cứu hộ gồm xe bus, xe cứu thương không thể tiếp cận các lối ra khỏi khu vực chiến sự. Bên cạnh đó, khoảng 40 xe tải chở hàng cứu trợ khác của LHQ đã sẵn sàng tới Đông Ghouta nhưng chưa thể khởi hành vì bom đạn chưa ngừng rơi.

Các nhà quan sát Nga cho biết, các tay súng phiến quân trong khu vực liên tiếp nã pháo vào hành lang nhân đạo được thiết lập ở al-Wafedin, Đông Ghouta, nơi Chính phủ Syria cùng Moscow chỉ định là tuyến đường đưa dân thường thoát khỏi vùng chiến sự một cách an toàn.

Bên trong các khu vực giao tranh, lực lượng phiến quân và các tay súng cực đoan thậm chí đã dọa nạt người dân, buộc họ ở lại để làm “lá chắn sống”, che chắn cho chúng trước các vụ không kích do quân đội Syria tiến hành.

Các vụ tấn công của phiến quân thậm chí đã vượt qua giới hạn Đông Ghouta mà vào thẳng thủ đô Damacus. Đỉnh điểm là vụ pháo kích vào tòa nhà đại sứ quán Nga hôm 27-2.

Tổng thống Putin cáo buộc phiến quân vi phạm ngừng bắn ở Đôgn Ghouta. Ảnh: TASS

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz hôm 28-2, Tổng thống Putin đã xác nhận vụ pháo kích nói trên, đồng thời cho hay các vụ tấn công được tiến hành từ Đông Ghouta liên tục xảy ra, có thời điểm phiến quân nã tới 50-60 quả pháo vào thủ đô Damacus.

Thi nhau đổ lỗi

Ngày 24-2, Hội đồng Bảo an đã thông qua nghị quyết về lệnh ngừng bắn toàn Syria, theo đó, việc ngừng bắn sẽ được thực thi một cách "không trì hoãn", cho phép các hoạt động viện trợ nhân đạo và sơ tán y tế đối với người dân ở vùng chiến sự, bao gồm vùng Đông Ghouta.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, chính quyền Damacus vẫn tiếp tục tiến hành các vụ không kích vào các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của những phần tử khủng bố thuộc al-Nusra, tổ chức từng là chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria, và các tổ chức khủng bố khác.

Các nước lớn liên tiếp đổ lỗi cho nhau tại LHQ. Ảnh: Reuters

Hành động của Syria đã bị các nước phương Tây lên án kịch liệt, cho rằng Damacus không tôn trọng lệnh ngừng bắn của LHQ, đồng thời gây sức ép lên Nga để buộc Moscow ngăn cản các hoạt động chống khủng bố của Syria.

Tình hình càng thêm phức tạp khi Ngoại trưởng Anh Boris Johnson dọa sẽ tham gia không kích Syria cùng Mỹ nếu có bằng chứng sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường.

Tuy nhiên, Nga và Syria lại phản đối yêu cầu trên vì cho rằng lệnh ngừng bắn của LHQ không được áp dụng với các chiến dịch chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay al-Qaeda, cùng với các "cá nhân, tổ chức và thực thể" có liên quan với các tổ chức khủng bố mà Syria đang tiến hành.

Bản đồ khu vực Đông Ghouta. Đồ họa: Internet

Liên quan đến các cáo buộc Damacus tấn công phe nổi dậy hay dùng vũ khí hóa học, Moscow nhấn mạnh rằng, tất cả cáo buộc đó đều có chung một mục đích là phá hoại lệnh ngừng bắn, đồng thời khẳng định bên duy nhất có lỗi chính là quân nổi dậy, khi đã nã pháo vào hành lang di tản dân thường và ngăn cản người dân sơ tán.

Có thể nói, rất khó cho bất cứ nghị quyết ngừng bắn nào ở Syria, dù nó được bảo trợ bởi LHQ hay một cường quốc nào, có thể chuyển biển được cuộc chiến phức tạp kéo dài qua năm thứ 8 ở Syria. Các lệnh ngừng bắn sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi tất cả các bên tham chiến cùng đồng thuận và ngăn được sự chống phá của các nhóm vũ trang cực đoan.

Theo số liệu được công bố tại LHQ, đã có hơn 580 người chết và hơn 1.000 người bị thương trong các cuộc giao tranh ác liệt ở Đông Ghouta trong vòng 2 tuần qua. Nhiều người bày tỏ lo ngại rằng, nếu không phải mất mạng do bom rơi, đạn lạc, người dân sống ở Đông Ghouta cũng sẽ khó sống sót trong điều kiện thiếu lương thực, nước uống và chăm sóc y tế cơ bản.

Thiện Nhân (Tổng hợp)
.
.