Vụ Nhà nước Hồi giáo tự xưng bắt cóc con tin người Nhật và đòi tiền chuộc:

Đâu là mục đích cuối cùng?

Thứ Sáu, 23/01/2015, 11:42
Có lẽ, số tiền 200 triệu USD “chẳng là cái gì” đối với một tổ chức khủng bố đứng đầu trong danh sách “Các tổ chức khủng bố giàu nhất hành tinh 2014”, do tạp chí Forbes bình chọn, với thu nhập trung bình vào khoảng 3 tỉ USD/năm.
>> Nhật Bản đang chạy đua với thời gian để giải cứu 2 công dân

Tuy nhiên, ngày 20/1, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lại bất ngờ tung lên mạng Internet đoạn ghi hình mang tiêu đề “Thông điệp gửi tới Chính phủ và người dân Nhật Bản”, trong đó quay cảnh một phần tử thánh chiến che mặt tự xưng là thành viên của IS cùng lời đe dọa sẽ sát hại hai con tin người Nhật Bản là Haruna Yukawa và Kenji Goto nếu không nhận được khoản tiền chuộc 200 triệu USD trong vòng 72h.

Bên cạnh đó, phần tử IS đã chỉ trích Nhật Bản chi tiền để “chiến đấu với IS”.

Đây là lần đầu tiên tổ chức khủng bố cực đoan này tung video công khai đòi tiền chuộc con tin và cũng là lần đầu tiên IS công khai dọa giết con tin là công dân của một quốc gia không góp quân tham gia chiến dịch không kích chống lại chúng do Mỹ dẫn đầu tại Iraq và Syria.

Theo một số chuyên gia, động thái này của IS không phải vì tiền. Đầu tiên, hãy nhìn vào lời chỉ trích của phần tử IS trong đoạn băng.

Trong chuyến thăm Cairo hôm 17/1, ngoài khoản viện trợ phi quân sự 2,5 tỉ USD để giúp các nước Trung Đông tiến hành các hoạt động nhân đạo và phát triển cơ sở hạ tầng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe còn cam kết sẽ viện trợ khoảng 200 triệu USD cho những quốc gia đang phải chiến đấu chống lại IS để giúp các nước này xây dựng nguồn nhân lực và cải thiện cơ sở hạ tầng. Số tiền này trùng với khoản tiền chuộc mà IS đưa ra trong đoạn băng.

Tiếp đó, hành động của IS là nhằm mục tiêu thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ dư luận. Gây sốc, kinh hãi, video xác thực, sắc nét, rõ ràng là những yếu tố trong chiến lược tuyên truyền gây ấn tượng mạnh.

Hai con tin người Nhật đặc biệt có thể giúp chúng thực hiện được việc này khi họ có những điểm khác biệt đáng chú ý hơn so với các nạn nhân phương Tây trước đó của IS - vốn là những người làm việc cho các hãng tin, cơ quan báo chí hoặc các tổ chức viện trợ, nhân đạo, vốn đã chấp nhận các rủi ro trước khi dấn thân tới Syria, Iraq. Trong khi Kenji Goto là một nhà báo tự do thì Haruna Yukawa là một chuyên gia quân sự.
Hai con tin người Nhật Bản xuất hiện trong đoạn video clip của IS. (Ảnh: CNN)

Điểm nhấn cuối cùng là, IS đã bất ngờ “lui về hậu trường”, “nhường sân” cho Al Qaeda trong vụ thảm sát tạp chí châm biếm Charlie Hebdo – tiêu đề chính của tất cả các phương tiện truyền thống trên khắp thế giới. Do đó, để quay trở lại với vai diễn trung tâm trên sân khấu, IS phải tìm kiếm những yếu tố khác biệt, gây sốc, và có lẽ chúng đã tìm thấy được những điều này ở hai con tin người Nhật.

Với thời hạn chót để chuộc hai con tin sẽ rơi vào khoảng 14h50 ngày 23/1 kể từ khi xuất hiện đoạn ghi hình của IS, rõ ràng Nhật Bản đang phải gấp rút tìm giải pháp để giải phóng các con tin.

Thủ tướng Abe cho biết Chính phủ sẽ làm tất cả những biện pháp có thể trong cuộc chiến quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố sau khi ông triệu tập các bộ trưởng để bàn về cuộc khủng hoảng con tin. Ông khẳng định Tokyo “sẽ không bao giờ nhượng bộ chủ nghĩa khủng bố”.

Ông Abe đưa ra tuyên bố trên sau khi trở về từ chuyến công du Trung Đông vốn bị rút ngắn bởi vụ bắt cóc con tin. Ông Abe cũng cho biết đã hỏi ý kiến các nhà lãnh đạo trong khu vực và chỉ thị quan chức sử dụng mọi kênh ngoại giao có thể nhằm tìm cách giải phóng con tin.

Trước đó, Thủ tướng Abe đã lên án vụ bắt cóc và “yêu cầu phóng thích con tin ngay lập tức mà không gây hại đến họ”, đồng thời tái cam kết khoản viện trợ 200 triệu USD là dành cho những nước bị ảnh hưởng bởi IS và bác bỏ tuyên bố của tổ chức này rằng Tokyo đóng góp tiền để sát hại người Hồi giáo.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga khẳng định những gì Nhật Bản cung cấp là nhằm hỗ trợ cho người tị nạn đồng thời tái khẳng định chính sách của Nhật Bản đóng góp tích cực cho cuộc chiến quốc tế chống khủng bố vẫn không thay đổi.

Ông Abe còn nhấn mạnh cộng đồng quốc tế sẽ không khuất phục khủng bố và cần tiếp tục đối phó với chủ nghĩa khủng bố; từ nay, Nhật Bản sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế và cống hiến nhiều hơn nữa để đảm bảo khu vực hoà bình và ổn định, đây là phương châm không thay đổi; Nhật Bản thể hiện quan điểm kiến tạo hoà bình của cộng đồng quốc tế trên cơ sở chủ nghĩa hoà bình tích cực. Nhật Bản cũng đã đề nghị Anh, Pháp và Mỹ hỗ trợ.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng khẳng định việc hăm dọa bằng cách bắt giữ các con tin là không thể chấp nhận được và ông cảm thấy “hết sức phẫn nộ”, trong khi Nhật Bản không dính líu đến các chiến dịch tác chiến nhằm vào phiến quân IS.

Các nước từng trả tiền chuộc cho khủng bố để cứu con tin

- Italy: Nhân viên cứu trợ Greta Ramelli 21 tuổi và Vanessa Marzullo 20 tuổi đã bị bắt cóc vào tháng 7/2014 ở Syria. Trước đó, Italy cũng được cho là đã trả 2 triệu USD cho lực lượng Taliban vào năm 2006 để giải cứu một nhiếp ảnh gia bị bắt cóc tại Afghanistan.

- Pháp: Người ta cho rằng nước này đã trả tiền chuộc cho 4 nhà báo là Nicolas Henin, Pierre Torres, Edouard Elias và Didier Francois được thả ra ở Syria vào năm 2014. Các tin tức cho rằng con số tiền chuộc là 18 triệu USD nhưng chính phủ Pháp phủ nhận đã trả tiền chuộc.

- Australia: Được cho là đã trả 3,2 triệu USD cho al-Qaeda để đổi lại tự do 2 công dân của họ vào năm 2008.

- Thụy Sĩ: Trả 12,4 triệu USD cho al-Qaeda vào năm 2009 để cứu 2 con tin Thụy Sĩ và một người Đức.

- Qatar: Giúp giải cứu nhà báo Mỹ Peter Curtis khỏi tay al-Qaeda.

- Oman: Đã trao hơn 20 triệu USD cho al-Qaeda kể từ năm 2013.

- Israel: Thường xuyên dàn xếp các thỏa thuận để đưa công dân của mình, bao gồm cả tù binh, trở về.

Đặng Hà (tổng hợp)
.
.