An ninh, an toàn và an dân

Thứ Hai, 07/02/2022, 08:57

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã khép lại, một cái Tết diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp cùng những hậu quả đại dịch để lại, song đã đảm bảo bình yên, an ninh, an toàn, an dân. Bối cảnh đó mang lại niềm tin với những giải pháp, hành động hướng đến các thành tựu mới trong năm 2022.

Để có một cái Tết ấm áp, thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai công tác đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với tinh thần “không để ai không có Tết”. Theo Văn phòng Chính phủ, tổng kinh phí chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là 8.324 tỷ đồng cho 57,81 triệu lượt đối tượng. Các tỉnh, thành phố đã trợ giúp ước tính khoảng 3.745 tỷ đồng hỗ trợ chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động.

Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định hỗ trợ tổng số gần 19.000 tấn gạo cứu đói cho 1.245.830 nhân khẩu dịp Tết và giáp hạt đầu năm 2022 cho 18 tỉnh; quyết định cấp tổng số hơn 3.738 tấn gạo cứu đói cho 43.898 hộ với 210.954 nhân khẩu cho 3 tỉnh bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 2021. Tiền lương bình quân của người lao động năm 2021 ước đạt 7,84 triệu đồng, tăng 4% so với năm 2020 (7,54 triệu đồng/tháng). Tiền thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần bình quân 6,17 triệu đồng/người, bằng 97% so với năm 2021.

Về tình hình dịch bệnh, theo đánh giá của Bộ Y tế, đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước; công tác phòng, chống dịch đang từng bước đạt được những kết quả khả quan. Số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm.

Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nhiều chỉ số cho thấy Tết Nhâm Dần là một cái Tết yên bình về mặt y tế. So với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021, số ca khám cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông giảm 172,8%, số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm 34,3%. Mặc dù vậy, trong bối cảnh nước ta đang dần mở cửa lại các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc tổ chức lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng sau Tết… sẽ tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh.

Phát biểu tại phiên họp đầu xuân của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chúng ta đã đạt mục tiêu đề ra trong việc tổ chức Tết Nguyên đán an ninh, an toàn, an dân. Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, hiệu quả để nhân dân đón Tết tri ân, nghĩa tình, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và phù hợp điều kiện từng địa phương, đối tượng. Cả nước tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đưa đón người dân về quê ăn Tết trật tự, an toàn, bình an. Với đồng bào bị kẹt lại tại một số địa điểm trên thế giới, chúng ta đã có các cuộc tiếp xúc ngoại giao, đưa bà con về ăn Tết bằng các chuyến bay thương mại kịp thời…

Dẫu vậy, thời gian tới dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, với những hậu quả nặng nề từ đại dịch, vấn đề an sinh xã hội phải rà soát kỹ hơn, nhất là kỳ giáp hạt sau Tết để có giải pháp phù hợp, hiệu quả, bảo đảm người dân không đói ăn, thiếu mặc. Cùng việc mở cửa trở lại trường học, chúng ta cũng chuẩn bị mở cửa du lịch an toàn. Đây chính là giai đoạn “thích ứng an toàn”, cần phải xóa bỏ tình trạng “cát cứ địa phương”, mỗi nơi đưa ra một quy định với lý do chống dịch nhưng mang tính cứng nhắc, làm khó người dân, doanh nghiệp. Điều này đã được thể hiện rõ trong chỉ đạo của Thủ tướng: Khi chính sách đã ban hành thì phải thực hiện nghiêm túc, thống nhất, nhất quán trên toàn quốc, không có lý do gì để các địa phương ban hành các quy định trái với quy định chung của Chính phủ.

Tết Nguyên đán năm nay thực sự bình an, người dân đón Tết đảm bảo an ninh, an toàn. An ninh trật tự ổn định, người dân ra đường vui Tết, đón xuân nhiều hơn năm ngoái nhưng bảo đảm trật tự; tai nạn, tệ nạn xã hội được kiểm soát tốt; giao thông đảm bảo. Để có được kết quả đó, lực lượng CAND đã chủ động tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và nhiều hoạt động đối ngoại; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách an sinh xã hội, an dân, bảo đảm an ninh dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự; ban hành Điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương mở cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Qua công tác, chiến đấu, xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ dũng cảm, không quản ngại khó khăn, gian khổ, tích cực đấu tranh, phòng, chống tội phạm; nhiều tấm gương tận tụy, gắn bó, giúp đỡ nhân dân.

Năm cũ khép lại, bên cạnh thành tựu đạt được có ý nghĩa căn bản thì hậu quả mà đại dịch COVID-19 gây ra rất nặng nề. “Trong bối cảnh khó khăn, thách thức, toàn dân tộc đã chung sức, đồng lòng, kề vai sát cánh, vừa ra sức phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Lực lượng CAND thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu, xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch, đấu tranh trấn áp quyết liệt các loại tội phạm và đảm bảo an dân, an sinh xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; góp phần quan trọng kiểm soát đại dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước” - Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định trong bài trả lời phỏng vấn Báo CAND nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022.

Nguyễn Thành
.
.