Thanh Hóa:

Đón nhận di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu

Thứ Ba, 07/04/2015, 15:03
Sáng 7/4, tại đền thờ Bà Triệu (Hậu Lộc, Thanh Hoá), UBND tỉnh Thanh Hoá đã long trọng tổ chức lễ đón bằng di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật khu di tích Bà Triệu và lễ hội Bà Triệu năm 2015. Đây là một trong hàng loạt sự kiện trong khuôn khổ năm du lịch quốc gia 2015 – Thanh Hoá.

Thay mặt Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt số 2408 cho di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu. Đây là 1 trong 14 di tích được Thủ tướng Chính phủ ký công nhận là di tích quốc gia đặc biệt trong năm 2014 và là di tích đặc biệt cấp quốc gia của Thanh Hoá sau di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân).

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng tự hào khẳng định di tích lịch sử đền Bà Triệu có kiến trúc độc đáo, mang dấu ấn của nhiều thời kỳ khác nhau và có giá trị to lớn về lịch sử, văn hoá.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu cho tỉnh Thanh Hóa.

Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đã vào chính điện dâng hương hành lễ. Chúc văn xúc động do NSƯT Ngọc Quyền – Trưởng đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hoá trình bày đã khái quát công đức cao dày của Bà Triệu. 

Chúc văn cũng thể hiện rõ tinh thần ngưỡng vọng kính nhớ và tự hào của nhân dân Thanh Hoá cũng như đồng bào cả nước. Nhờ anh linh của Người, xứ Thanh đang ngày một đổi mới. Hàng loạt công trình tỉ đô đang gấp rút xây dựng, trong đó có khu kinh tế Nghi Sơn với vốn đầu tư hơn 10 tỉ USD… 

Đền Bà Triệu thờ nữ tướng Triệu Thị Trinh, người huyện Quan Yên, quận Cửu Chân nay thuộc huyện Yên Định. Bà đã lãnh đạo nhân dân ta khởi nghĩa chống ách cai trị của quân xâm lược phương bắc năm 248 với câu nói nổi tiếng, thể hiện khí phách quật cường của người dân nước Việt: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người ta". 

Bà Triệu hy sinh trên núi Tùng, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) lúc mới 23 tuổi xuân. Để tưởng nhớ và tôn vinh vị nữ tướng Anh hùng, nhân dân ta đã xây dựng đền thờ Bà Triệu trên núi Gai thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. 

Theo sử sách, đền thờ Bà Triệu có lịch sử đã lâu đời, lúc mới khởi dựng chỉ có 3 gian gỗ lợp bằng tranh, bên trong có một bệ thờ Bà Triệu. Đến thời tiền Lý (549 – 602) vua Lý Nam Đế trong một lần kéo quân vào Nam tiễu trừ phong kiến Lâm Ấp đã nghỉ tại làng Bình Lâm (thuộc xã Hà Lân, huyện Hà Trung bây giờ). Vua Lý Nam Đế đã đến thăm đền và cầu xin giúp đánh thắng giặc. Khi chiến thắng trở về, Lý Nam Đế đã phong cho Bà làm thần và cấp tiền cho dân làng sửa sang ngôi đền…

Sau rất nhiều lần trùng tu qua các thời kỳ, đến nay đền Bà Triệu được xây dựng theo hình thức kiến trúc truyền thống vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ trên diện tích gần 4ha với cổng ngoại, hồ nước hình chữ nhật, bình phong, cổng nội, tả hữu mạc, tiền đường, trung đường và hậu cung.

Ngay gần khu vực đền là lăng Bà Triệu trên núi Tùng, nơi bà hy sinh và đình Bà Triệu ở làng Phú Điền. Ba di tích này đã tạo thành một quần thể tam giác vững chắc: Đình - lăng - đền, được bảo vệ, giữ gìn nguyên dạng với các kiến trúc truyền thống có nguyên mẫu từ thế kỷ 18.

Bên cạnh những nét kiến trúc độc đáo, đền Bà Triệu còn được biết đến là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm và một kho tàng các sự tích, huyền thoại, câu đối, ca dao, thơ…Nhiều cổ vật được lưu giữ ở nơi đây như 10 cuốn thần phả viết bằng chữ hán, 65 đạo sắc phong qua các triều đại…

P. Thủy
.
.