Người sở hữu 8.000 đầu sách, báo cổ

Thứ Bảy, 25/04/2015, 10:04
Qua tâm sự của anh Tạ Thu Phong (41 tuổi), ở Long Biên, Hà Nội, người đang sở hữu 8.000 đầu sách, báo cổ, chúng ta có thể hiểu thêm về hành trình đi tìm, sưu tầm sách của anh, một câu chuyện của sự bền bỉ, của tình yêu và niềm đam mê. Đặc biệt, những đầu sách, báo ấy đang được trưng bày tại phòng khách của gia đình mà bất cứ lúc nào những người yêu sách cũng có thể đến gặp gỡ, trò chuyện với chủ nhà và thưởng thức sách.

Anh Tạ Thu Phong là một luật sư với mười lăm năm tuổi ngành, công việc không liên quan đến sưu tầm sách nhưng đó là tình yêu anh dành cho sách. “Bố chính là người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời tôi, ông là một người yêu sách nhưng ông khác tôi ở chỗ, ông không phải nhà sưu tầm” – anh Phong nói.

Đọc sách là niềm đam mê của anh Tạ Thu Phong.

Đam mê sưu tầm sách có từ khi anh Phong học đại học, điều đầu tiên phải có tình yêu sách, tình yêu với một văn hóa đọc truyền thống, thứ hai là muốn lưu trữ hoài cổ giữ lại những giá trị văn hóa truyền thống.

Chỉ có những nhà sưu tầm sách mới tinh tế phát hiện ra những cái hay khác ngoài nội dung một cuốn sách, anh Phong chia sẻ, khi anh đọc một cuốn sách, ban đầu chỉ đọc nội dung sau đó mình phát hiện ra thân phận của cuốn sách, thân phận của tác giả, minh họa trên cuốn sách đó và nảy sinh ý định muốn lưu giữ nó, dần dần số lượng tủ sách sẽ đầy lên theo thời gian. Điều quan trọng ở đây là phải sắp xếp theo trình tự, theo các chủ đề nhất định và chính việc sắp xếp này sẽ là phôi thai của việc sưu tầm sách.

Những cuốn sách xuất bản từ năm 1957 hay những tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam được anh Phong sưu tầm. Anh kể cho tôi nghe về hành trình của mình, một hành trình có nước mắt, có niềm hạnh phúc để đưa những cuốn sách cổ mà anh gọi là vật báu vô giá về với chính mình.

Hiện tại, anh đang sở hữu 8.000 đầu sách báo cổ, trong đó có hơn 200 đầu sách, báo quý như: tờ Phong Hóa Tuần báo không in màu, ngoại trừ số Tết (rất hiếm gặp) nhưng số 128 là một ngoại lệ với "Bản địa đồ Đông Dương Tân- thời" được in màu đỏ; tờ báo Ngày Xanh là tuần báo dành cho trẻ em, xuất bản vào thứ 5 hàng tuần, báo chỉ tồn tại được 5 số rồi đình bản (tháng 3/1949) hay tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên của nước ta Gia Định Báo, tờ Tiếng Dân...

Thành quả của hai mươi năm tìm kiếm với 8000 đầu sách báo được anh Tạ Thu Phong sắp xếp rất khoa học.

Anh Phong kể về cuộc hành trình đi tìm sách của mình, một trong những kỷ niệm lớn nhất khiến anh nhớ suốt đời, đó là tìm kiếm được một cuốn sách của chính mình từ ngày thơ ấu: “Cách đây năm, sáu năm, vào một buổi chiều tình cờ đi tìm những cuốn sách cũ, lúc đó tôi có nhìn thấy một chồng sách báo cũ rất bụi bặm ở dưới một cái giá cũ kỹ, không hiểu lý do gì tôi cúi xuống lục và nhặt một cuốn sách lên, nó chỉ là một quyển “Trích giảng văn học” bình thường, tuy nhiên khi nhìn thấy những dòng chữ viết trên bìa thì tự nhiên có một cảm giác rùng mình, run bật lên. Lúc đó một cảm giác vô cùng khó tả, cảm giác ân hận, muốn khóc òa vì vui sướng. Thời gian từ lúc tôi đọc quyển sách này cho đến lúc tôi tìm thấy nó ở một hiệu sách cũ rơi vào khoảng hai mươi năm. Đó là quyển sách ôn thi đại học, nhờ có nó tôi đỗ được đại học”.

Hành trình đi tìm sách của anh không chỉ dừng lại ở trong nước mà anh còn sang Pháp, sang châu Âu tìm mua những cuốn sách quý. “Để làm một nhà sưu tầm chuyên nghiệp phải hội tụ đủ các yếu tố, một là trinh sát, tức là có khả năng “đánh hơi” tìm kiếm rất giỏi, thứ hai là biết chớp thời cơ, thứ ba là khả năng thuyết phục thì mới thành công” – Tạ Thu Phong chia sẻ.

Có những quyển sách phải mất 3 năm anh mới thuyết phục được chủ sách. Nhưng cái thú vị nhất và khó khăn nhất của các nhà sưu tầm là ghép sách, ghép bộ. Trong vòng 10 năm, anh đã ghép 47 bộ sách. Anh lý giải, với những người sưu tầm sách, thời gian để tìm một quyển sách quý có thể chỉ một cú nhấp chuột nhưng đôi khi cũng phải trả giá bằng cả cuộc đời…

Việc bảo quản số lượng sách lớn 8.000 cuốn như vậy rất khó khăn. Miền Bắc có thời tiết rất khắc nghiệt, đặc biệt mùa xuân là mùa nồm thời tiết ẩm, nhiều mưa phùn, mùa hè nhiệt độ nóng rát và có mưa rào, chính những yếu tố khách quan này làm ảnh hưởng đến việc bảo quản giấy. Nhiệt độ cao quá làm giấy sẽ bị giòn và ngược lại nhiệt độ thấp đột ngột sẽ làm giấy càng dễ vỡ.

Anh Phong cho biết: “Với một nhà sưu tầm tư nhân thì không có đủ kiến thức về chuyên môn cũng như về điều kiện vật chất để có thể làm như những thư viện lớn trên thế giới, vì vậy tôi chọn phương pháp bảo quản dân gian”. Cách bảo quản sách của anh Tạ Thu Phong rất khác so với các nhà sưu tầm, anh không bỏ những quyển sách quý vào tủ kính, hay cất sách vào tủ và hòm mà giữ gìn sách bằng phương pháp đảo sách liên tục, để sách có hơi người, thân thiện với con người…

Văn hóa đọc đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn, đặc biệt trong giới trẻ, ngoài việc ra các hiệu sách để mua sách chuyên ngành, các cuốn sách về văn hóa - giáo dục… đa số bạn trẻ dành thời gian lướt facebook, tìm kiếm thông tin, đọc sách trực tuyến. Họ sẵn sàng bỏ hàng giờ đồng hồ để ngồi bên chiếc máy tính đọc hàng chục, hàng trăm mẩu truyện sến súa.

Anh Phong là người trẻ nhưng đang đi ngược lại điều đó, xuất phát từ tình yêu sách cũng như hiểu biết về tầm quan trọng của sách đối với thế hệ trẻ ngày nay. Anh cũng đã có nhiều đóng góp trong diễn đàn sachxua.com, tham gia tổ chức các chương trình hoạt động về sách, báo; tọa đàm chia sẻ về giá trị của việc đọc sách đối với thế hệ trẻ để hưởng ứng Ngày hội sách Việt Nam 21-4.

Ngọc Hiền
.
.