Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam:

Nhà hát đã tìm lại chính mình

Thứ Ba, 04/08/2015, 14:01
Với giải vàng cho vở diễn "Dư chấn" (tác giả: Xuân Đức, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang) cùng 13 huy chương cá nhân, trong đó, 5 huy chương vàng và 8 huy chương bạc, có thể nói rằng, Nhà hát Kịch (NHK) Việt Nam đã giành thắng lợi giòn giã tại Liên hoan sân khấu toàn quốc (LHSKTQ) về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND" lần thứ III - 2015 do Bộ Công an, Bộ VHTTDL và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức.


 Nhân dịp này, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc NHK Việt Nam về cuộc “tìm lại mình” của nhà hát.

+ Sau một thời gian lắng xuống, gần đây, NHK Việt Nam đã có những vở diễn mang dấu ấn. Hẳn phải có bí quyết, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Vinh (NTV): Đây không phải là thành tích của mấy tháng vừa qua, mà của hơn 2 năm lao động miệt mài, nghiêm túc, lòng say mê nghề nghiệp của tập thể Nhà hát Kịch Việt Nam, để lấy lại niềm tin trong sân khấu, niềm tin với khán giả và được tỏa sáng trong 2 kỳ liên hoan, hội diễn vừa qua. 2 giải vàng cùng một giải bạc cho 3 vở diễn cùng 29 huy chương vàng, bạc cá nhân, là những thành quả nói lên nỗ lực ấy.

Vở “Dư chấn” đã giành giải vàng tại LHSKTQ về “Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ III – 2015.

+ Có một thông lệ đã diễn ra, những vở đã giành huy chương, lại thường bị khán giả từ chối và phải “đắp chiếu”. Những vở diễn của NHK Việt Nam thì sao, thưa ông?

Ông NTV: Về kịch nói, số buổi diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam đều đặn nhất trong các đơn vị sân khấu phía Bắc, khi mỗi tháng có tới từ 10 đến 15 buổi diễn. Các vở diễn mà nhà hát đã làm trong 2 năm qua như “Trong mưa giông thấy nắng”, “Tai biến”, “Dư chấn”… hiện vẫn biểu diễn phục vụ nhân dân đều đặn và được đón nhận nồng nhiệt. Các vở diễn đều đã được “kiểm nghiệm” trong nhân dân trước khi bước vào dự liên hoan, nên chúng tôi rất tự tin khi tham dự. Không những đạt huy chương mà còn được khán giả đón nhận nhiệt tình, đó là niềm vui rất lớn với người nghệ sĩ. Giờ không còn cảnh dự thi xong, đạt huy chương là “đắp chiếu” nữa.

+ 2 năm gần đây, số vở của nhà hát được dựng nhiều hơn, số buổi diễn cũng nhiều hơn và lại còn giành được nhiều huy chương. Chinh phục được Ban giám khảo là những người rành về học thuật, lại chiều lòng được công chúng, là việc làm không hề dễ?

Ông NTV: Dù có đáp ứng đề tài của liên hoan nào, thì vở diễn cũng vẫn phải hướng đến công chúng. Khi đã được khán giả đón nhận thì BGK không thể không ghi nhận. Để có những vở diễn như thế, nhà hát thường đặt hàng cho tác giả viết, vì kịch bản là khâu quan trọng làm nên tác phẩm. Vở diễn phải nói được những điều mà người dân đang quan tâm, những vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội hôm nay, từ đó đạo diễn dàn dựng. Nhà hát chỉ định hướng, còn để đạo diễn và các nghệ sĩ được sáng tạo nghệ thuật, với tiêu chí sao cho tiếp cận khán giả hiệu quả nhất, mà vẫn đạt được tính tư tưởng. Với cách thức đó, nhà hát có được những vở diễn được nhân dân đón nhận, vừa đáp ứng nội dung tư tưởng, đúng với yêu cầu.

+ Chủ trương này có mang tính xuyên suốt không, thưa ông?

Ông NTV: Khi về nhận nhiệm vụ Giám đốc Nhà hát, tôi đặt ra yêu cầu với các nghệ sĩ, diễn viên là, nhà hát cần nhanh chóng tìm lại thương hiệu của chính mình - thương hiệu vốn được mệnh danh là “anh cả đỏ”, “cánh chim đầu đàn”, vì đẳng cấp cao của kịch nói, mà những năm vừa rồi đã bị mai một. Chúng tôi đã dựng lại nhiều vở cũ làm nên tên tuổi của nhà hát trước đây, như một số vở của Lưu Quang Vũ. Vừa rồi, chúng tôi lại dựng một loạt vở mới và những vở đó đều thành công, khi không chỉ giành được tình yêu của khán giả, mà còn được giới chuyên môn thừa nhận.

+ NHK Việt Nam đã có những chuyến lưu diễn ở miền Trung và phía Nam - nơi kịch Bắc đang bị coi là đánh mất thị phần. Phản hồi của khán giả ra sao thưa ông?

Ông NTV: Sau khi chúng tôi biểu diễn “Bệnh sĩ” tại Đà Nẵng, đã có những bài báo phân tích sâu về vở diễn, trong đó, có nhận xét trên Báo Đà Nẵng: “Khán giả Đà Nẵng thỏa cơn khát kịch Bắc sau khi xem “Bệnh sĩ” của NHK Việt Nam”. Sau khi xem chúng tôi diễn “Lâu đài cát” ở TP Hồ Chí Minh, nhiều nghệ sĩ của nhà hát đã nghỉ hưu tại đó đã lên sân khấu chúc mừng và khóc: “Thương hiệu của nhà hát “cánh chim đầu đàn” của sân khấu kịch Việt Nam đã trở lại, là niềm vui rất lớn của chúng tôi”.

+ NHK Việt Nam có những định hướng gì để đào tạo nghệ sĩ, đạo diễn trẻ, nhằm tạo được đội ngũ kế cận, không để bị hụt hẫng như từng có?

Ông NTV: Hiện Nhà hát có 4 diễn viên khá trẻ đang học lớp đạo diễn, chuẩn bị ra trường: Xuân Bắc, Kiều Minh Hiếu, Mai Nguyên và Hồng Quang. Đây sẽ là lớp đạo diễn kế cận thế hệ đàn anh như Lê Hùng, Doãn Hoàng Giang, Anh Tú vv… Chúng tôi kỳ vọng vào khả năng họ sẽ mang lại luồng gió mới, vì tư duy sáng tạo và trẻ hơn. Để tạo điều kiện cho họ, ngay trong kỳ tốt nghiệp hiện nay, chúng tôi cho họ được sử dụng diễn viên, cơ sở vật chất và thời gian tối đa tập trung cho bài thi tốt nhất.

+ Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Thanh Hằng
.
.