Đặc sắc mùa lễ hội Tây Nguyên

Thứ Bảy, 10/01/2015, 11:53
Cứ mỗi khi vào dịp cuối năm, cái nắng, cái lạnh bắt đầu đầy ắp là mùa lễ hội ở Tây Nguyên rộ lên. Đây cũng là thời điểm khí hậu Tây Nguyên khá đẹp trong năm, hạt lúa, hạt bắp đã về kho, men rượu đã ủ chín... đời sống văn hóa tinh thần của người dân Tây Nguyên ở các buôn làng cũng thắm thiết, nồng ấm...

Già làng Dom mời tôi về dự lễ Pơ thi (bỏ mả) của làng ở Yang Bắc, Đak Pơ, Gia Lai. Đây là một lễ hội lớn của người Jrai và Bahnar cũng như một số tộc người khác ở Tây Nguyên. Bởi trong tín ngưỡng lâu đời của họ có niềm tin sau khi chết, linh hồn sẽ về thế giới bên kia sống cùng với tổ tiên, ông bà. Nhưng khi mới chết, linh hồn của người chết không đi hẳn mà còn lưu luyến với trần thế.

Và quan niệm sau lễ bỏ mả, linh hồn người chết mới có thể hoàn toàn tách khỏi mọi sự ràng buộc với cuộc sống trần gian, để thực sự về với tổ tiên và người sống thì được giải phóng khỏi liên hệ với người đã chết. Chính do quan niệm như vậy mà sau một thời gian người chết, họ có phong tục làm lễ bỏ mả để tiễn đưa linh hồn người chết ra đi.

Để chuẩn bị cho lễ bỏ mả, người nhà, dòng họ trong làng chuẩn bị khá chu đáo các vật phẩm để cúng lễ theo quan niệm phong tục của từng tộc người. Người Bahnar quan niệm chết là sự tái sinh tới sống ở một thế giới khác, “thế giới ma” (thế giới Atâu) ngược hoàn toàn với thế giới người trên trần thế, nhưng “ma” cũng sinh hoạt như người, cũng lao động, có các quan hệ... (sống sao, thác vậy) nên khi người thân mất đi, người sống vẫn chăm nuôi cái gọi là “hồn ma” và hằng ngày người thân vẫn ra khu nhà mồ thăm viếng, cho ăn uống, đốt lửa sưởi ấm và thậm chí họ còn chuyện trò tâm sự yêu thương như khi đang còn sống cho đến khi làm lễ bỏ mả xong mới dứt.

Trước lễ bỏ mả, những nghệ nhân của làng làm những con rối, tô vẽ màu sắc khá sinh động gắn với đủ hình ảnh sinh hoạt đời thường của con người ở buôn làng như người giã gạo, sảy gạo, cặp đàn ông đàn bà yêu thương, chim, thú... Người Bahnar gọi lễ hội bỏ mả là vào hội nhà mả nên tổ chức lễ hội này rất lớn, thời gian thường từ 3-5 ngày.
Mùa lễ hội ở Tây Nguyên là nét văn hóa đặc sắc làm say đắm du khách.

Việc đầu tiên của lễ bỏ mả bắt đầu bằng nghi lễ cầu xin “hồn ma” người chết cho dựng nhà mồ mới và sau đó mọi người bắt tay vào dọn dẹp khu nhà mả cũ để chuẩn bị dựng nhà mả mới, báo cho hồn ma biết những người sống chuẩn bị làm lễ bỏ mả. Sau đó tiến hành làm thịt con vật hiến sinh (thường là heo) lấy gan, lưỡi, tim, da bụng và cổ họng của con vật xâu lại rồi lấy rượu ghè cho vào ống tre đưa ra nhà mả làm lễ cúng.

Người chủ đứng cúng lễ đổ rượu vào xâu thịt cho thấm xuống đầu nấm mộ và đọc lời khấn: Nay tôi đem cho ma thịt heo và rượu để báo cho ma biết chúng tôi làm nhà mồ cho ma lần cuối cùng. Thế là hết rồi nhé, từ nay ma đừng quấy rầy gia đình nữa để gia đình làm ăn ngày càng khá hơn, tốt hơn.

Sau khi tiến hành các bước nghi lễ trong lễ bỏ mả, bộ phận người múa rối và người trình diễn mặt nạ bắt đầu nhảy múa trong tiếng nhạc buồn, tiếng trống, chiêng biểu lộ sự tiếc thương, lưu luyến của người sống với linh hồn người đã chết. Những người múa rối và trình diễn mặt nạ cùng đoàn người chậm rãi đi quanh nhà mồ, vòng qua các nhà mồ khác theo chiều từ trái qua phải, theo ý nghĩa chiều của sự sống.

Sau đó mọi người ngồi quây quần bên ngôi nhà mả mới ăn uống, trò truyện và vui chơi cho tới tận khuya mới về. Trước khi ăn uống, vui chơi, gia đình đem đồ dùng, vật phẩm chia vào nhà mả mới cho người chết và khóc lần cuối cùng vĩnh biệt người thân đã khuất. Kết thúc lễ bỏ mả, gia đình của người chết làm cơm rượu đãi những người làm việc giúp trong những ngày diễn ra lễ và làm lễ tạ ơn các thần.

Một lễ hội lớn của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vào mùa này nữa là lễ mừng lúa mới. Người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên coi lễ mừng lúa mới là nghi lễ quan trọng để thần lúa giúp dân làng mùa sau bội thu. Lễ mừng lúa mới thường được tổ chức theo từng buôn làng, sau đó mới tỏa về từng nóc nhà.

Trong quá trình thu hoạch, già làng sẽ quyết định chọn một đám lúa tốt nhất để lại và chọn ngày lành tháng tốt tổ chức lễ cúng thần Ia Pôm (Thần Lúa, thần nông nghiệp) ngay tại chân ruộng. Ngày diễn ra lễ cúng, bà con trong làng đều có mặt, ai cũng có nghĩa vụ đóng góp một phần thức ăn của mình phục vụ buổi lễ, như một vài ché rượu cần hoặc một con gà, miếng thịt...

Đây là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Lễ cúng được tính và thực hiện theo vòng đời của cây lúa rẫy, một loại cây được bà con coi là nơi nương náu của linh hồn cha ông.

Lễ cúng rẫy ngày nay có phần được tổ chức gọn nhẹ nhưng vẫn không kém phần linh thiêng. Để chuẩn bị cho lễ này, những người đàn ông đi chặt tre, cây rừng dựng một lán trại nhỏ và làm bàn bằng tre để đặt lễ, một số khác lo làm gà, heo...

Còn phụ nữ là chủ gia đình nên sẽ đi chọn những bông lúa đẹp và nặng hạt nhất để tuốt đầy một gùi to, chuẩn bị cho phần cúng Thần Lúa. Lúa phải tuốt bằng tay vì họ tin rằng nếu dùng liềm cắt rồi đập để lấy hạt sẽ làm đau thân lúa, làm tổn hại đến linh hồn của thần...

Trước tiên là cúng ma trong dòng họ để những linh hồn không bị đói mà về quấy rầy. Sau đó là cúng các thần cư ngụ ở đây, mời các vị về uống rượu, ăn thịt, xin các vị thần phù hộ cho dân làng được mưa thuận gió hòa để cây lúa, cây bắp, cây đậu... được tươi tốt.

Cuối cùng là cúng Thần Lúa. Người cúng thường là già làng khấn mời Thần Lúa về cho đến khi ngọn nến tắt có nghĩa là Thần Lúa đã chấp nhận lời mời về chứng kiến nghi lễ cúng rẫy của bà con. Khấn thần về rồi bắt đầu rót rượu cần ra 4 chiếc ly bằng lá chuối và xé thịt thành từng miếng nhỏ để mời Thần Lúa. Sau 4 lần rót rượu, thực hiện nghi lễ rước Thần Lúa về theo chủ nhà và ở lại cùng gia đình trong kho để mùa sau phù hộ cho đám rẫy được nhiều lúa hơn.

Sau nghi lễ, mọi người ăn uống, vui chơi, ca hát cho đến khi tàn cuộc. Khách đến dự lễ còn được gia chủ trao tay mỗi người một gói nhỏ thức ăn khi ra về, như để cùng chia đều sự may mắn...

Tuy cách tổ chức cùng vài nghi thức tiến hành của từng tộc người có những nét khác nhau, nhưng đều mang chung một ý nghĩa là tạ ơn thần sau khi kết thúc một chu kỳ sản xuất chính của năm. Các dân tộc vùng Tây Nguyên sau mùa thu hoạch, cũng trùng vào dịp cuối năm âm lịch, tổ chức lễ ăn mừng lúa mới. Việc tổ chức lễ ăn mừng lớn hay nhỏ là tuỳ thuộc vào khả năng thu hoạch nhiều hay ít của từng gia đình, và cũng tuỳ theo đó mà thời gian có thể kéo dài một hay nhiều ngày.

Đặc biệt, âm nhạc cồng chiêng luôn có mặt trong các lễ cúng và sinh hoạt văn hóa tinh thần ở buôn làng từ khi con người cất tiếng khóc chào đời cho tới khi vĩnh biệt cuộc đời. Trong vô số nghi lễ nông nghiệp hoặc đời người ở Tây nguyên, cồng chiêng luôn là phương tiện đặc biệt để con người giao tế với thần linh, giao hòa với trời đất và giao tiếp trong cộng đồng.

Được hòa mình trong khung cảnh buôn làng với tiếng cồng, tiếng chiêng của lễ hội, thả hồn bên những ngôi nhà mồ đầy tượng gỗ trầm tư, những rẫy lúa chín vàng bên nương... đã gợi nên nhiều cảm xúc ấn tượng cho những ai mỗi lần đến với buôn làng Tây Nguyên.

Ngọc Như
.
.