Phát hiện nhiều thủ đoạn "phù phép" xe gian

Thứ Tư, 11/09/2019, 16:49
Thời gian vừa qua trên địa bàn TP Hà Nội liên tục xảy ra nhiều vụ trộm cắp xe máy. Các đối tượng sau khi trộm cắp được thường nhanh chóng "tẩu tán" tang vật bằng cách bán nhanh, bán rẻ. Song cũng có đối tượng thuê người làm giả giấy tờ, giấy CMND để bán với giá "cắt cổ".

Lại có ổ nhóm chuyên "xẻ thịt" xe ăn cắp. Công an TP Hà Nội vừa khám phá hàng loạt ổ nhóm trộm cắp và tiêu thụ của gian theo thủ đoạn nói trên.

"Lò mổ" xe gian

Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an quận Long Biên vừa  lập chuyên án, triệt phá hàng loạt đường dây trộm cắp, tiêu thụ xe máy với thủ đoạn rất tinh vi. Một trong số đó là đường dây của Đỗ Minh Chiến; Phạm Vân Trường và Phùng Văn Kiều.

Theo một chỉ huy Công an quận Long Biên, tháng 4-2019 chị Nguyễn Thị T. M. (sinh năm 1996 trú tại phường Long Biên, quận Long Biên) trình báo bị trộm đột nhập vào nhà lấy đi khá nhiều tài sản có giá trị cao. Đó là xe máy SH 125i; ti vi Sony, máy tính xách tay, máy tính bảng…

Nhóm đối tượng Chiến - Trường - Kiều bị cơ quan Công an bắt giữ.

Tổ chức điều tra, Đội CSHS Công an quận Long Biên nhận thấy nổi lên nhóm đối tượng Chiến (sinh năm 1987 trú tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên) và Trường (sinh năm 1985 trú tại quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) có những biểu hiện bất minh. Đặc biệt người dân cung cấp buổi tối hôm đó phát hiện chiếc xe máy BKS 29K1 792… xuất hiện tại khu vực.

Tiến hành rà soát, cơ quan công an phát hiện chiếc xe máy này thuộc sở hữu của chị Vũ Thị Thu H. (sinh năm 1987 trú tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên). Trùng hợp thay H. chính là vợ của Đỗ Minh Chiến. Lập tức vòng vây được siết chặt và hai đối tượng Chiến, Trường được đưa về cơ quan công an.

Tại cơ quan công an nhóm đối tượng khai nhận đã rình rập nhiều ngày tại ngõ 161 Bát Khối (phường Long Biên) để tăm tia gia đình nào sơ hở thì sẽ trộm cắp. Phát hiện nhà chị H. có chiếc xe máy SH đang dựng trước sân, đối tượng Kiều đã dùng mỏ lết phá khóa cổng đột nhập vào trong nhà. Gã nhanh chóng phá khóa điện của chiếc xe SH rồi dắt ra. Chưa hết, Kiều còn khoắng thêm Laptop, máy tính bảng, khuân cả chiếc tivi 42 inch rồi đường hoàng phóng về nhà Chiến. Số tài sản này đã nhanh chóng được các đối tượng bán đi chia nhau ăn tiêu sạch sẽ.

Ngoài vụ trộm cắp tài sản trên, Chiến còn khai 3 vụ trộm cắp xe máy khác gồm vụ trộm xe Yamaha Exciter màu xanh tại đường Huỳnh Tấn Phát (Thạch Bàn, Long Biên); một xe máy Yamaha Exciter khác tại thị trấn Từ Sơn (Bắc Ninh). Cùng trong ngày 8-4-2019, Chiến và Kiều trộm được 1 xe Yamaha Exciter màu đỏ đen và 1 chiếc Honda Lead màu trắng tại tổ 1 phường Thạch Bàn.

Cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Chiến, Trường; đồng thời ra lệnh truy nã đối với Kiều.

Hoàng Anh - một thợ sửa xe lâu năm trên phố Sài Đồng (quận Long Biên) bật mí, đa phần những chiếc xe sau khi bị trộm sẽ đưa đi tiêu thụ lén lút bằng các chiêu trò. Các đường dây tiêu thụ xe gian có những cơ sở bí mật gọi là "lò mổ", họ rã xác từng món của xe và bán phụ tùng.

Như vậy tiêu thụ sẽ an toàn hơn. Họ có thể bán tất cả mọi thứ. "Ví dụ như IC, bộ dây điện, chi tiết máy, gương chiếu hậu... tất cả đều có thể quy ra tiền và không thể bị cơ quan công an tìm thấy" - anh Hoàng Anh cho biết.

Với một số loại xe "độc", một chi tiết máy hỏng nếu mua chính hãng sẽ rất đắt, nhưng mua hàng bãi (đa phần là hàng trộm cắp) thì sẽ rẻ hơn rất nhiều, khoảng 40-50% giá mà hãng báo. Vì thế vẫn có chỗ để các "lò mổ" tiêu thụ xe gian. Họ mổ xe rất nhanh, với 2 thợ sẽ chỉ mất chưa đến một giờ đồng hồ để "rã" một chiếc xe máy.

Ngoài ra cũng có cả những đường dây làm giấy tờ giả. Không khó để lên mạng Internet tìm kiếm một đối tượng làm giấy tờ xe, thậm chí có cả dấu nổi, chữ ký tươi, phản quang và thoạt nhìn qua không phải lực lượng chức năng thì không thể phát hiện được thật-giả.

Các đối tượng còn có thể cung cấp cả bộ đồ nghề để đục lại số khung, số máy, dập biển số... Sau khi làm các thao tác này, chiếc xe gần như được mang một diện mạo mới.

Cũng trên địa bàn quận Long Biên, cơ quan công an từng triệt phá một đường dây chuyên tiêu thụ xe gian theo dạng "chính chủ".

Thủ đoạn biến hóa xe gian thành xe chính chủ

Trung tá Ngô Văn Điển, Phó đội trưởng Đội CSHS Công an quận Long Biên cho chúng tôi biết qua công tác nắm tình hình, cuối năm 2018 cơ quan điều tra phát hiện một ổ nhóm trộm cắp, tiêu thụ xe máy chuyên nghiệp trên địa bàn quận.

Ông trùm tiêu thụ xe máy Ngô Quang Tuấn.

Nhóm này thường trú ở các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy song lại chọn Long Biên là nơi "hành nghề". Chỉ trong vòng vài tháng, nhóm này đã gây ra hàng chục vụ trộm cắp, tiêu thụ xe gắn máy thuộc dạng "sang chảnh" như Honda SH, Honda Airblade, Honda Lead…

Đặc biệt đối tượng Ngô Quang Tuấn (sinh năm 1990 thường trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị lột trần là một trùm đầu nậu chuyên tiêu thụ xe máy với thủ đoạn rất quái chiêu. Biết rõ là xe trộm cắp, nên Tuấn đã "mua rẻ" của đám đạo chích, sau đó Tuấn sẽ làm giả hàng loạt giấy tờ như Đăng ký xe, Giấy CMND, bằng lái xe… để bán xe theo dạng "chính chủ" với giá cao.

Quá trình đấu tranh chuyên án, cơ quan công an làm rõ đối tượng Hoàng Ngọc Minh (sinh năm 1990 trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); Trần Quốc Đông (sinh năm 1984 trú tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) chuyên bán xe trộm cắp cho Ngô Quang Tuấn và Nguyễn Duy Khánh (sinh năm 1975 trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) tiêu thụ.

Ngô Quang Tuấn vốn có một tiền án về tội Cướp giật tài sản, một tiền sự về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, từng phải đi cai nghiện bắt buộc. Không nghề ngỗng, lại nghiện ma túy nên Tuấn phải nghĩ cách xoay tiền. Và gã đã chọn "việc nhẹ lương cao" là tiêu thụ xe máy cho các đối tượng trộm cắp.

Các xe máy do đối tượng Minh, Đông trộm cắp được sẽ được Tuấn thu mua lại với giá tầm 10-20 triệu đồng/xe. Sau đó Tuấn sẽ mang ổ khóa đi thay mới, đồng thời biến chiếc xe này thành "chính chủ" bằng thủ đoạn làm giả các loại giấy tờ như giấy CMND, giấy đăng ký…

Tuấn thường rêu rao nhà có việc, cần tiền gấp nên muốn bán xe. Và giá xe tùy mới/cũ song luôn rất sát với giá thị trường. Cũng vì thế khách mua xe của Tuấn cứ chắc mẩm mua được hàng chính chủ nên cũng ít người đi sang tên. Chỉ cho tới khi Tuấn bị bắt, được cơ quan công an triệu tập thì họ mới ngỡ ngàng rằng đã tiêu thụ xe gian.

Điển hình như tháng 6-2018 Tuấn mua chiếc xe Honda SH màu đen BKS 29C… với giá 30 triệu đồng. Sau đó Tuấn đã bán chiếc xe này cho anh Nguyễn Duy V. trú tại phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) với giá 45 triệu đồng. Tuấn cũng mua của Khánh một xe SH màu xanh đen BKS 29L1… với giá 22 triệu đồng. Sau đó Tuấn bán cho một người dân trên phố Bà Triệu với giá 45 triệu đồng.

Một nhóm đối tượng khác thì lại chuyên tiêu thụ xe trên… mạng xã hội, với giá "siêu rẻ". Nhóm này gồm các đối tượng trẻ tuổi, thạo công nghệ gồm: Nguyễn Phú Sơn (sinh năm 1992), Nguyễn Minh Hải (sinh năm 2001 cùng trú tại quận Đống Đa); Lương Thị Mai (sinh năm 1989 thường trú tại quận Tây Hồ) và Nguyễn Duy Minh (sinh năm 2003 thường trú tại quận Hoàn Kiếm). Ba đối tượng Sơn, Hải, Mai đều có tiền án, tiền sự về tội trộm cắp tài sản và cai nghiện bắt buộc. Bọn chúng cùng sống theo kiểu bầy đàn tại một căn nhà trọ.

Theo một chỉ huy Công an quận Tây Hồ, đầu tháng 8-2019, cơ quan công an nhận được thông tin từ nhiều người dân bị mất trộm xe máy tại địa bàn. Ngay sau khi kiểm tra hiện trường, cơ quan công an thu thập được nhiều dấu vết có sự trùng lặp giữa các vụ mất trộm tài sản, xe máy đã từng xảy ra...

Khẩn trương tổ chức điều tra, xác minh, cơ quan công an có được thông tin về một nhóm đối tượng còn khá trẻ tuổi lưu trú tại một căn nhà trọ tại ngách 22/124 đường Âu Cơ (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) có nhiều dấu hiệu bất minh. Sơn, Hải, Minh và Mai ở cùng nhau theo kiểu bầy đàn, không có giấy tờ tùy thân, chưa khai báo tạm trú.

Quá trình kiểm tra, cơ quan Công an phát hiện trong phòng trọ cất giấu nhiều biển số xe máy. Trước dấu hiệu nghi vấn này, lực lượng công an đã yêu cầu các đối tượng về trụ sở cơ quan điều tra để làm rõ. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận những chiếc biển số xe máy được họ tháo ra từ các phương tiện đã trộm cắp.

Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là dùng xe máy đi lang thang tìm sơ hở của chủ phương tiện, rồi dùng vam phá khóa trộm cắp. Sau đó, các đối tượng về nơi trọ tháo biển số cất giấu và mang xe đi nơi khác gửi để chờ tìm mối tiêu thụ.       

Với thủ đoạn trên, nhóm này đã trộm cắp được nhiều xe máy ở địa bàn quận Tây Hồ và các khu vực lân cận. Mỗi chiếc xe máy trộm cắp được bọn chúng lên mạng bán với giá rất rẻ, chỉ từ 2 đến 3 triệu đồng/xe. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Đồ nghề của những ổ nhóm trộm xe máy.

Theo một chỉ huy Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, để tránh mất tài sản người dân cần nâng cao cảnh giác, có ý thức tự bảo quản tài sản của mình. Nên để xe trong nhà lúc có người trông coi hoặc gửi vào bãi giữ xe công cộng. Chủ xe cần hạn chế để xe ngoài đường, ở nơi có đông người qua lại. Các cửa hàng kinh doanh nên có người trông xe hoặc hướng dẫn khách gửi xe ở bãi công cộng.

Cơ quan công an cũng khuyến cáo một số loại xe hiện đại được nhà sản xuất tuyên bố có "chìa khóa thông minh", "chống trộm"… tuy nhiên thực tế các đối tượng luôn có những công cụ để vô hiệu hóa. Người dân không nên chủ quan, ỷ lại vào các "tuyên bố" này.

Hàng loạt ổ nhóm trộm cắp, tiêu thụ xe gian bị bóc dỡ

Ngày 25-8-2019, Phòng CSHS cho biết đơn vị vừa khám phá hai ổ nhóm chuyên trộm cắp xe máy trên địa bàn TP Hà Nội rồi mang đi tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc.

Cụ thể đối tượng Lê Văn Thăng (sinh năm 1964 trú tại Thọ Xuân, Đan Phượng, Hà Nội) chuyên đi trộm cắp xe máy rồi bán cho Đào Thị Thùy Anh (sinh năm 1994 trú tại Đường Lâm, Sơn Tây); Thùy Anh tiếp tục bán cho Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1982 trú tại Hậu Lộc, Thanh Hóa) để đối tượng này mang đi Quảng Ninh tiêu thụ.

Ổ nhóm thứ hai, đối tượng Lò Thanh Hà (sinh năm 1983 trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ) chuyên thu mua xe ăn cắp, rồi bán lại cho Nguyễn Văn Thạo (sinh năm 1982 trú tại Trung Nghĩa, Hưng Yên) và sau đó Thạo sẽ mang lên Sơn La để được "hóa kiếp".

Minh Tiến
.
.