Can thiệp thành công kỹ thuật bào thai trong buồng tử cung cho 40 sản phụ

Thứ Sáu, 25/09/2020, 19:47
Sau 1 năm triển khai kỹ thuật khó nhất trong sản khoa thế giới – can thiệp bào thai trong buồng tử cung, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã can thiệp thành công cho 40 sản phụ, trong đó có 20 trường hợp “mẹ tròn con vuông”. Tỷ lệ thành công này đã sánh ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến nhất thế giới. 


Ngày 25/9, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức Hội nghị ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử và kỹ thuật laser quang đông trong điều trị hội chứng truyền máu song thai và hội chứng dải xơ buồng ối. Hội nghị tổng kết lại một năm triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử can thiệp trong buồng ối. Một năm chinh phục kỹ thuật đỉnh cao trong sản khoa.

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ, cùng với kỹ thuật siêu âm hiện đại, các bác sĩ có thể nhìn thấy những dị tật của thai nhi từ tuần thứ 22. 

Thế nhưng, có rất nhiều ca, phải làm tâm lý cho các gia đình chào đón những đứa con không thật sự lành lặn chào đời. Thậm chí, có rất nhiều ca, các bác sĩ buộc phải đình chỉ thai nhi từ sớm. Nếu không được can thiệp, thai nhi trong bụng sẽ dần mất tim thai. Nhiều trường hợp bị thai lưu, mẹ đau đớn, thậm chí bị rối loạn tâm lý dẫn tới vô sinh sau này. Từ trăn trở đó, ông cùng các bác sĩ của bệnh viện ấp ủ có thể can thiệp sớm trong bào thai, để có thể cứu hàng nghìn ca vô vọng. 

15 năm trước, kỹ thuật can thiệp bào thai đã được thực hiện thành công trên thế giới ở các nước tiên tiến như Pháp, Anh. Nhưng Việt Nam còn quá xa vời. Khát vọng cứu sống trẻ sơ sinh ngay từ trong bụng mẹ không ngừng thôi thúc các bác sĩ Việt Nam. 

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiến hành thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai bằng việc đưa dụng cụ vào buồng ối để can thiệp sau đó đóng lại chờ thai tiếp tục phát triển đến đủ tháng. Đề tài Y học bào thai của PGS.TS Nguyễn Duy Ánh và các cộng sự đã được duyệt cấp Nhà nước và được triển khai đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Hai em bé chào đời khỏe mạnh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

 Đặt trên vai áp lực của việc tiên phong triển khai kỹ thuật mới, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiến hành chuẩn bị kỹ lưỡng về trang thiết bị và nhân lực. Bệnh viện cử các chuyên gia sang Pháp học tập, nhận chuyển giao kinh nghiệm hàng năm trời tại bệnh viện hàng đầu của Pháp. Một phòng mổ hiện đại theo đúng tiêu chuẩn châu Âu về can thiệp bào thai được triển khai nhanh chóng. 

Ngày 19/12/2019, sản phụ Lộc Thị Hường (sinh năm 1997, ở Nghệ An) đã được ra viện sau 5 ngày sinh con tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Đây là trường hợp đầu tiên sinh con trong số 14 ca đã được mổ can thiệp y học bào thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. 

Đến nay, đã có 20 sản phụ  sinh con khỏe mạnh và 20 sản phụ khác sau can thiệp cũng đang chờ ngày sinh nở. Chia sẻ sau 1 năm triển khai kỹ thuật, BS Ánh cho biết, chưa có một ca nào được can thiệp gặp biến chứng trong suốt quá trình thai kỳ. Các ca sinh nở đều mẹ tròn con vuông, khỏe mạnh. Có nhiều thai nhi chỉ nặng vài trăm gram cũng đã được các bác sĩ sơ sinh chăm sóc khỏe mạnh, không gặp vấn đề gì về sức khỏe. 

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, thành công của Việt Nam được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến thế giới. Thách thức lớn nhất trong 1 năm qua, theo ông,  đó là việc can thiệp trong buồng tử cung khó khăn nhất là can thiệp phải chuẩn để không dẫn tới sảy thai và đẻ non. Đây là kỹ thuật mới, can thiệp hết sức nhạy cảm khó khăn. Khi chúng ta động chạm vào buồng tử cung, sẽ có ảnh hưởng tới thai nhi, tới tâm lý sản phụ, sự thấu hiểu của gia đình. Về phía đồng nghiệp, khó khăn nhất khi tuyến dưới chuyển đến chúng tôi có một nửa số ca quá muộn. "Chúng tôi chỉ nhìn bệnh nhân mà không biết nói gì, làm gì nữa”, BS Ánh nói. 

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ về một số thành tựu kỹ thuật can thiệp bào thai

Theo BS Ánh, có nhiều bệnh lý không thể chờ em bé sinh ra để xử lý mà phải can thiệp từ hơn 20 tuần. Trong số các ca được can thiệp tại bệnh viện, chủ yếu là thai nhi từ 17 đến 26 tuần khi thai chỉ nặng vài gram. Nếu không can thiệp để sửa chữa tổn thương, em bé sẽ tử vong. 

Nếu như trước đây, khi bệnh viện chưa thực hiện được kỹ thuật laser quang đông thì những thai nhi có hội chứng truyền máu song thai sẽ có nguy cơ tử vong cao. Bởi các em bé khi đã mắc hội chứng này sinh ra sẽ bị dị tật rất nặng, thiểu năng trí tuệ, hoặc chết lưu trong tử cung người mẹ. Nhưng giờ nhờ có kỹ thuật này, đã mở ra cánh cửa cứu sống những trường hợp mắc hội chứng truyền máu song thai.

“Trong y học bào thai, chúng ta đã mở ra một trang mới. Đó là các bác sĩ không ngồi thụ động chờ đợi diễn biến bào thai trong tử cung trước đây rồi chờ sản phụ sinh con mới can thiệp cho thai nhi, mà giờ đây, chúng ta chủ động coi thai nhi là bệnh nhân. Các bác sĩ phải chữa bệnh cho bệnh nhân đó khi có bệnh", BS Ánh nói.

BS Ánh cũng khuyến cáo, khi phát hiện sản phụ có dấu hiệu bệnh, tuyến dưới nếu không làm được gì thì hãy chuyển ngay sản phụ lên với chúng tôi để các bác sĩ có cơ hội chữa, khám, thực hiện thủ thuật vào “giai đoạn vàng”, tăng cao khả năng cứu sống sản phụ và thai nhi. Ngược lại, nếu chuyển muộn, có thể ca mổ thành công nhưng chất lượng của em bé thực sự có vấn đề.

 “Thời gian vàng” phát hiện ra bệnh lý song thai phải chuyển tuyến trên trước giai đoạn 4, muộn nhất là giai đoạn 3 và càng sớm càng tốt bởi diễn biến nặng rất nhanh, chỉ diễn ra trong vài ngày. 

Trần Hằng
.
.