Cảnh báo tình trạng ngộ độc nấm

Thứ Sáu, 22/04/2016, 08:01
Tháng 3, tháng 4 hàng năm là thời điểm mà Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội bắt đầu tiếp nhận các bệnh nhân bị ngộ độc nấm. Theo ghi nhận của Trung tâm, thông thường có đến khoảng 50% bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc nấm sẽ tử vong.


Sau nửa tháng được điều trị thải độc tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai sau khi bị ngộ độc do ăn nấm trên rừng, hiện nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Trương Phúc Tình, 30 tuổi, người dân tộc Dao, trú tại xã Bình An, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã ổn định. 

Nước da tái xạm, mắt trũng sâu, với vẻ mệt mỏi, anh Tình cho chúng tôi biết: Cách đây 2 tuần, anh cùng mấy người bạn rủ nhau vào rừng hái nấm ăn. Trưa hôm đó, loại nấm các anh lấy về nhà nấu canh có màu trắng muốt, thân mập rất đẹp, ăn ngọt mát. 

Tuy nhiên, đến khoảng 2h sáng ngày hôm sau, anh Tình và 2 người bạn bắt đầu có những biểu hiện đau bụng dữ dội, tiêu chảy liên tục, chân tay bị co rút. 

Ngay sau đó, 3 người đã được đưa đến Trung tâm y tế huyện Chiêm Hóa điều trị. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán anh và 2 người bạn bị ngộ độc nấm. Tuy nhiên, do anh Tình bị nặng nhất nên đã được chuyển lên Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân Trương Phúc Tình đang điều trị tại Trung tâm chống độc.

Theo Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, vào thời điểm mùa xuân, mùa mưa, thời tiết ấm ẩm, nấm mọc nhiều nên rất dễ xảy ra các vụ ngộ độc nấm. 

Không ít người nhất là bà con dân tộc vùng cao cho rằng các loại nấm có màu sắc sặc sỡ thì mới là nấm độc. Tuy nhiên, trên thực tế có cả những loại nấm màu sắc không sặc sỡ cũng chứa độc tố. Năm nay, trường hợp bệnh nhân Trương Phúc Tình là ca ngộ độc nấm đầu tiên và đã điều trị ổn định sức khỏe. 

Bác sỹ Nguyên khuyến cáo, khi có nhu cầu ăn nấm, người dân nên tìm mua các loại nấm được trồng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh việc tùy tiện vào rừng hái nấm để nấu ăn. Không chỉ người dân mà ngay cả các bác sỹ, chuyên gia cũng không dễ dàng phân biệt nấm độc và nấm không độc. Khi ăn phải nấm độc, thông thường ít nhất phải sau khoảng 6h đồng hồ, bệnh nhân mới có những biểu hiện ngộ độc như nôn mửa, đi ngoài liên tục, đau bụng, chân tay co rút… 

Bác sỹ Nguyên cũng cho biết thêm, việc ngộ độc nấm cũng rất dễ khiến bệnh nhân rơi vào “bẫy”. Bởi lẽ, với những triệu chứng trên, sau khi được đưa đến cơ sở y tế và điều trị, bệnh nhân sẽ chấm dứt tình trạng đau bụng, tiêu chảy và thường xin ra viện. 

Tuy nhiên, chất độc đã ngấm vào trong người khiến cho sau một thời gian, bệnh nhân sẽ bị các biểu hiện khác như da vàng, mắt vàng và viêm gan. Chính vì vậy, khi bị ngộ độc nấm, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời và đầy đủ.

Nguyễn Hương
.
.