Cơ quan quản lý không được bỏ mặc khu cách ly

Chủ Nhật, 09/05/2021, 08:20
Thời gian qua, công tác cách ly tập trung và quản lý người sau cách ly khi về nơi ở, nơi lưu trú đã bị buông lỏng, gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm lây lan dịch COVID-19 ra nhiều tỉnh, thành.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã ban hành 2 công điện khẩn, điều chỉnh thời gian cách ly tập trung 21 ngày, giảm thời gian tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà xuống 7 ngày. Tuy nhiên, để lấp lỗ hổng, thiếu sót trong quản lý khu cách ly tập trung, quản lý người sau cách ly, cần thêm những giải pháp nào? 

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng các sự kiện khẩn cấp về y tế công cộng xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về sự xuất hiện của nhiều ổ dịch bắt nguồn từ những người nhập cảnh hợp pháp đã hoàn thành cách ly tập trung vừa qua?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Về khả năng lây nhiễm của các ca đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung, theo tôi có nhiều giả thiết: Có thể bệnh nhân lây nhiễm trong khu cách ly, sau đó về nhà mới phát bệnh; bệnh nhân có thể nhiễm bệnh từ nước ngoài nhưng thời gian ủ bệnh có thể dài hơn 14 ngày nên xét nghiệm vào ngày 14 vẫn chưa dương tính, hoặc thời điểm lấy mẫu xét nghiệm lần 3 nếu vào ngày thứ 12-13 sẽ không phát hiện ra dương tính. 

Cũng có thể do xét nghiệm (lấy mẫu, sinh phẩm gây âm tính giả, bởi không xét nghiệm nào chính xác 100%). Và giả thiết cuối cùng là trong quá trình di chuyển trên các phương tiện hoặc gặp gỡ người khác, bệnh nhân đó đã lây nhiễm từ cộng đồng nhưng chưa xác định được nguồn lây. 

Nhưng 2 trường hợp gây nên 2 ổ dịch ở Hà Nam và Vĩnh Phúc, chúng tôi nghĩ nhiều đến việc họ bị từ khu cách ly trước khi về địa phương, không phải từ cộng đồng. Điều này cũng đặt ra việc phải siết chặt công tác quản lý cách ly tập trung và sau cách ly.

PGS.TS Trần Đắc Phu.

PV: Vừa qua, 2 trường hợp kết thúc cách ly tập trung ở Yên Bái và Đà Nẵng sau đó mới dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, tại Hà Nội có trường hợp lễ tân khách sạn Mường Thanh đổi tiền lẻ và nghe điện thoại hộ chuyên gia nhập cảnh, ngay sau đó trở thành F1. Vậy theo ông, lỗ hổng trong cách ly tập trung ở đây là gì?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Bộ Y tế quy định rất rõ ràng và đầy đủ về quản lý cách ly tập trung trong khu Quân đội tại Quyết định 1878 và cách ly tại khách sạn tại Quyết định 1276, trong đó quy định rất rõ việc người cách ly, nhân viên, quản lý khu cách ly, chính quyền địa phương, cán bộ y tế, cán bộ Công an có trách nhiệm gì; cơ sở vật chất và xử lý chất thải ra sao? 

Các cơ sở cách ly tập trung quy định dưới sự quản lý của chính quyền địa phương và phối hợp liên ngành y tế, Công an. Tại các điểm cách ly đều có quy trình chặt chẽ về chống nhiễm khuẩn. Nhưng ở đây đã có những vi phạm như lây từ người dương tính cho người cách ly cùng và lây từ người được cách ly cho nhân viên phục vụ tại khu cách ly… Ở đây vấn đề là quy trình, vì chủng virus lần này lây lan nhanh nên chỉ sơ hở một chút là có thể lây nhiễm.

PV: Bộ Y tế đã xác định, bàn giao kết thúc người cách ly về nơi lưu trú ở địa phương còn lỏng lẻo. Ông đánh giá thế nào về quản lý người sau cách ly ở địa phương thời gian qua?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Vừa qua chúng ta đã có 2 bài học không tuân thủ sau khi kết thúc cách ly tập trung là trường hợp ở Hà Nam và đoàn chuyên gia Trung Quốc đã không tuân thủ quy định tại Công văn số 425/CV-BCĐ ngày 19/1/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, hướng dẫn quản lí những người sau khi hoàn thành cách ly tập trung. 

Sau khi kết thúc 14 ngày cách ly tập trung bắt buộc, họ cần tiếp tục thực hiện quy định giám sát chặt chẽ tại địa phương 14 ngày: Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi người hoàn thành cách ly về lưu trú và các đơn vị liên quan tiếp tục quản lý, theo dõi sức khỏe, giám sát y tế trong 14 ngày tiếp theo. 

Người hoàn thành cách ly phải hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, đến nơi đông người, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác.

Chẳng hạn, những người nhập cảnh, sau khi về nơi lưu trú, họ phải theo dõi sức khoẻ, không tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc với người khác và áp dụng các biện pháp phòng bệnh (khẩu trang, khử khuẩn…). 

Những trường hợp này chỉ tiếp xúc khi cần thiết. Những chuyên gia nhập cảnh sau khi hết thời gian cách ly tập trung vẫn có thể làm việc trong trường hợp cần thiết nhưng phải thực hiện các quy định về phòng bệnh và giãn cách trong thời gian làm việc cũng như tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên, họ không được tụ tập đông người, tổ chức liên hoan, sinh nhật, ăn uống...

Thế nhưng, bệnh nhân 2.899 ở Hà Nam đi liên hoan, đi đám cưới, ăn uống, tụ tập đông người là không đúng quy định. Đoàn chuyên gia Trung Quốc ra khỏi khách sạn cách ly tập trung lại không về nơi lưu trú để theo dõi sức khỏe mà di chuyển đi nhiều tỉnh, thành khác, gặp gỡ, giao lưu, ăn uống với nhiều người, gây ra nhiều ổ dịch cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nơi cách ly tập trung lại không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bàn giao người hết hạn cách ly về nơi lưu trú, không theo dõi và xác nhận với địa phương nơi người hết cách ly xem họ đã về nhà chưa. 

Chính quyền, y tế địa phương không nắm được người kết thúc cách ly về để quản lý, giám sát y tế. Như ca bệnh ở Hà Nam, người cách ly đi lại, giao lưu, liên hoan mà không được phát hiện kịp thời. Đây chính là lỗ hổng và sự buông lỏng còn tồn tại ở một số nơi, một số địa phương.

PV: Hiện nay, chúng ta áp dụng quy định cách ly tập trung lên 21 ngày và theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú xuống còn 7 ngày. Vậy, làm thế nào để các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc quy định này, không để xảy ra tình trạng buông lỏng, lơ là như trước?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Tôi xin nhắc lại, tất cả quy định về cách ly tập trung, theo dõi sức khỏe tại nhà đều đã được ban hành và quy định rất cụ thể, chi tiết, nhưng thời gian qua không có kiểm tra, giám sát, chỉ khi có ca bệnh ở Hà Nam, địa phương mới để ý tới vấn đề này. 

Công điện 597/CĐ-BCĐ của Ban Chỉ đạo vừa ban hành chính là quán triệt lại trách nhiệm của từng người, từng cơ quan, địa phương, nhất là công tác kiểm tra giám sát bàn giao người cách ly về địa phương. Bây giờ ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm. 

Vừa qua, Hà Nam và Yên Bái đã xử lý các trường hợp thiếu trách nhiệm giám sát người sau cách ly, bàn giao người cách ly về địa phương để bùng phát dịch. Đặc biệt Hà Nam đã khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm. 

Dù tăng thời gian cách ly tập trung hay giảm thời gian theo dõi tại nhà thì trong lúc này, cấp thiết nhất phải rà soát lại về cơ sở vật chất ở các khu cách ly, trong đó chú ý tại các phòng cách ly, giường cách nhau 1,5m đúng quy định chưa, đeo khẩu trang, sát khuẩn có tuân thủ không… 

Phòng, chống nhiễm khuẩn ở các khu cách ly là rất quan trọng và được thực hiện theo quy trình, nguyên tắc nhất định, từ người cách ly, người bảo vệ, người đưa thức ăn, người xử lý rác thải để không lây nhiễm. Vì vậy, vấn đề quan trọng là người quản lý khu cách ly (đặc biệt là người quản lý khách sạn cách ly các chuyên gia) phải có kiến thức về phòng, chống nhiễm khuẩn. 

Để làm tốt, những người này và nhân viên khu cách ly phải được huấn luyện kỹ năng về phòng, chống nhiễm khuẩn, thậm chí huấn luyện lại từ việc mặc quần áo bảo hộ đến việc xử lý các tình huống có thể lây truyền chéo… 

Cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở này, không được bỏ mặc như thời gian vừa qua. Nếu không kiểm soát sẽ giống như tình trạng ở Yên Bái. Trách nhiệm của người được cách ly theo tôi cũng vô cùng quan trọng.

PV: Trong cộng đồng đã có biến chủng virus của Ấn Độ, ông có khuyến cáo gì tới người dân cũng như các khu cách ly để tăng cường phòng, chống dịch?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm từ lây nhiễm chéo trong khu cách ly ở Hải Dương và Yên Bái, trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp ở Việt Nam, với nhiều hình thái lây lan mới, xuất hiện nhiều ổ dịch (quán karaoke, bar, máy bay, bệnh viện) thì việc chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly là cực kỳ quan trọng. 

Những nhà dịch tễ chúng tôi có thể khẳng định, chủng virus của chuyên gia Ấn Độ lây cho chuyên gia Trung Quốc. Hai đoàn chuyên gia ở 2 tầng liền nhau cùng một khách sạn, cùng chung cầu thang. 

Vấn đề đặt ra ở đây là chuyên gia Ấn Độ lây cho chuyên gia Trung Quốc hay chuyên gia Ấn Độ lây cho nhân viên phục vụ, song nhân viên phục vụ đó lại lây cho chuyên gia Trung Quốc. Cũng có khả năng nữa là lây qua giọt bắn lên các vật dụng như nắm cửa, tay cầu thang, đi lại…

Chủng biến thể của Ấn Độ lây lan rất nhanh và lây rất mạnh. Chỉ trong thời gian ngắn, dịch đã nhanh chóng lây từ người này sang người khác, địa phương này sang địa phương khác. Trong tình hình đi lại như hiện nay, dịch sẽ lây lan từ tỉnh này ra tỉnh kia. 

Lây bằng nhiều hình thức như trong quán bar, karoke qua tiếp xúc và đặc biệt lây trên máy bay khi chúng ta phát hiện bằng chứng là người ngồi hàng ghế trước với hàng ghế sau đã lây bệnh.

Vì vậy, nguy cơ bùng dịch tôi cho là rất cao, đặc biệt sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 và ổ dịch xuất hiện trong bệnh viện, tiếp tục giải trình tự gene để tìm chủng virus, mới có biện pháp ứng phó. 

Ngoài các ổ dịch nói trên, có thể trong cộng đồng còn có ổ dịch nhưng chưa bùng phát, hoặc không bùng phát, nguy cơ rất lớn vì không biết trong cộng đồng ai có mầm bệnh, nên chúng ta phải hết sức cảnh giác. Nếu để dịch bùng lên thì chúng ta phải giãn cách xã hội, mà chúng ta hiện chưa giãn cách nên nguy cơ rất cao. Người dân có dấu hiệu ho, sốt phải khai báo y tế ngay.

Các địa phương phải chuẩn bị tình huống xấu nhất là dịch xảy ra, đông người phải cách ly tại chỗ, vì vậy phải có đội hình sẵn (con người được tập huấn), khi dịch xảy ra theo kịch bản sẵn sàng triển khai luôn. Các địa phương không được chủ quan, đừng để khi dịch xảy ra không có người triển khai.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS!

Trần Hằng(thực hiện)
.
.