Dịch bệnh gia tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát

Thứ Ba, 09/10/2018, 19:55
Trước sự gia tăng của dịch tay – chân – miệng (TCM), dịch sởi và sốt xuất huyết, chiều 9-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã họp báo về tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống dịch thời gian tới.  



Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh TCM đã diễn ra ở 63 tỉnh, thành với 61.821 trường hợp mắc, trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 ca tử vong. Một số địa phương có số mắc cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Đại diện Cục Y tế dự phòng lưu ý bệnh TCM hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine dự phòng. Bệnh thường bùng phát vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, đặc biệt là đầu năm học mới, do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường kém khiến nguy cơ lây truyền còn cao.

Về bệnh sởi, Bộ Y tế cho biết, cả nước đã phát hiện 2.942 trường hợp tại 51 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc sốt phát ban tăng hơn 10 lần, song không thành ổ dịch lớn. 

Các tỉnh có số mắc cao là Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa, Sơn La và Quảng Ninh. Hầu hết trẻ mắc là từ vài tháng đến 4 tuổi, hầu hết không được tiêm chủng, hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, chiếm 86,4%.

Theo Bộ Y tế, thời gian tới có thể tiếp tục có thêm nhiều người mắc bệnh sởi do tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 95% quy mô xã, phường, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Bệnh sởi chủ yếu mắc ở miền Bắc, nhưng năm nay đã xuất hiện cả các tỉnh miền Nam.

Với bệnh sốt xuất huyết, cả nước đã có 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong. Số mắc trong các tuần gần đây có xu hướng tăng chủ yếu ở miền Nam và miền Trung. 

Bộ Y tế nhận định tới đây có thể tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc bệnh khi đang là mùa mưa, nhất là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine chưa được sử dụng tại Việt Nam. 

Tập quán trữ nước tại nhiều địa phương cùng với đô thị hóa gia tăng nhanh chóng nguy cơ xảy dịch là rất lớn. Sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương còn hạn chế nhất là việc chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy), phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các điểm nguy cơ cao, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện để giảm tối đa số mắc, tử vong.

Ông Trần Đắc Phu và đại diện một số đơn vị trong ngành y tế trao đổi với báo giới

Ông Trần Đắc Phu-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định đến thời điểm hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát và Bộ Y tế luôn minh bạch thông tin để công tác phòng, chống dịch được hiệu quả. 

Ông Phu nhấn mạnh cách phòng bệnh: Với bệnh TCM, vấn đề quan trọng là vệ sinh; với dịch sởi phải tiêm phòng vaccine; với bệnh sốt xuất huyết phải vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Đặc biệt, điều quan trọng là phải tuyên truyền để người dân tham gia phòng bệnh, vì tiêm phòng rẻ hơn rất nhiều nếu để mắc bệnh. Vì một ca biến chứng nặng phải thở máy đã mất khoảng nửa tỷ đồng.

Tuy nhiên, không như nhiều nhiều người lo ngại, Bộ Y tế khẳng định hiện chưa có sự thay đổi về gen của virus EV71 gây bệnh TCM ở Việt Nam. 

Ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đặc biệt khuyến cáo khi trẻ bị TCM: Cho nghỉ học, chăm sóc ở nhà, để không lây sang bạn; Vệ sinh sạch sẽ và cho trẻ khám bệnh tại cơ sở y tế; Những bé thể nhẹ, được điều trị ở nhà cần chú ý uống nước, hạ nhiệt. Khi chăm sóc ở nhà theo dõi sốt. Ông Điển cũng cho biết hiện có hơn chục bé bị bệnh TCM và hơn chục bé bị sởi nhập viện, hầu hết là những trường hợp nặng.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Dịch TCM tăng trong xu hướng chung của cả nước, nhưng Hà Nội không ổ dịch lớn, hầu hết mắc ở thể nhẹ và tự khỏi. Để ứng phó với dịch TCM, dịch sởi và sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội đã tham mưu Thành ủy, UBND chỉ đạo các sở, ngành cùng tham gia. 

UBND TP Hà Nội đã cấp hơn chục tỉ đồng để phòng chống dịch và để tiêm vaccine sởi –rubella cho toàn bộ trẻ vào tháng 11 với mục tiêu 95% trẻ được tiêm, nhằm không để dịch bùng phát.

Thanh Hằng
.
.