Hai ‘rào cản’ gây khó việc giảm tải bệnh viện

Thứ Sáu, 10/07/2015, 19:02
Ngày 10/7 tại TP HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp chủ trì Hội nghị “Tăng cường đề án bệnh viện vệ tinh giảm quá tải bệnh viện”, sau 2 năm thực hiện thông báo số 09/TB-VPCP của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề giảm tải bệnh viện (BV) giai đoạn 2013-2015.

Cục trưởng Cục Quản lý & Khám chữa bệnh - Lương Ngọc Khuê cho biết, đến nay, ngành y tế cả nước đã triển khai được 46 BV vệ tinh thuộc 5 chuyên khoa: Tim mạch, Chấn thương chỉnh hình (CTCH), Sản, Nhi, Ung bướu ở 38 tỉnh thành.

Các kỹ thuật chuyên sâu được chuyển giao gồm: Ung bướu: 38 kỹ thuật; tim mạch: 28; nhi : 34; Sản : 28 và nhiều kỹ thuật chuyên môn sâu về chuyên ngành CTCH. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng quá tải tại BV tuyến cuối vẫn còn, chất lượng chuyên môn của BV tuyến dưới chưa đáp ứng được kỳ vọng của người bệnh, người dân vẫn vượt tuyến.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Bệnh viện vệ tinh Đa khoa Khánh Hoà nhận chuyển giao kỹ thuật mổ tim từ bệnh viện hạt nhân Chợ Rẫy.

Bộ trưởng Kim Tiến nhận định, sự phát triển của BV vệ tinh ở phía Nam còn yếu hơn so với phía Bắc, hiện còn 13 (trong tổng số 32) tỉnh thành tại phía Nam chưa tham gia hệ thống BV vệ tinh. Bộ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới, các BV trực thuộc Bộ Y tế tại TP. HCM, BV thuộc quản lý của Sở Y tế TP HCM cần triển khai xây dựng BV vệ tinh tuyến cơ sở, tăng cường BV hạt nhân. Trong đó, tập trung trước hết vào các BV như: Nhân Dân 115, Hùng Vương, Huyết học, BV Mắt. Nâng cao chất lượng chuyên môn phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Bộ sẽ hỗ trợ chuyên môn, hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa để khuyến khích các BV tham gia hệ thống vệ tinh.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở y tế TP HCM thừa nhận, còn rất nhiều những khó khăn nhất định. Hai “rào cản” chính mà thành phố cần khắc phục là: Nguồn nhân lực và Cơ sở vật chất.

Tính trên qui mô cả nước, tỉ lệ bác sĩ là 70 BS/10 ngàn dân thì khu vực ĐBSCL chỉ có 46 BS/10 ngàn dân. Thiếu và yếu nên khi triển khai đề án còn chậm. Muốn đề án thực sự hiệu quả thì nguồn nhân lực phải có sự chuyển biến tột bậc trong giai đoạn kế tiếp 2016-2020.

H.Nga
.
.