Người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn

Thứ Ba, 17/03/2020, 16:53
Người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn so với người không mắc bệnh ung thư. Người bệnh ung thư (đặc biệt là ung thư phổi) đang hoặc vừa được điều trị phẫu thuật hay hóa chất, khi nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng cao hơn người không ung thư.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng, Việt Nam ghi nhận 61 trường hợp mắc, trong đó có 2 ca cao tuổi, diễn biến nặng, phải thở máy. Nguy cơ nhiễm COVID -19 đối với bệnh nhân ung thư có đáng lo ngại hay không? 

Chia sẻ với báo chí, TS.BS Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội 6, BV K cho biết: Dịch COVID -19 đã và đang là mối lo ngại, quan tâm hàng đầu của cả cộng đồng, người bệnh ung thư cũng không ngoại lệ. 

Theo nghiên cứu mới đây được các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện và công bố trên tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới The Lancet Oncology tháng 3/2020 cho thấy, người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn so với người không mắc bệnh ung thư. Người bệnh ung thư (đặc biệt là ung thư phổi) đang hoặc vừa được điều trị phẫu thuật hay hóa chất, khi nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng cao hơn người không ung thư.

TS.BS Phùng Thị Huyền

Theo giải thích của BS Huyền, khi khởi phát, nhiễm COVID-19 có thể gây ho khan, sốt. Trường hợp tiến triển nặng có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Do đó, khi người bệnh ung thư phổi đã có tổn thương ở phổi thì việc nhiễm thêm COVID-19 càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt với người bệnh ung thư phổi đang xạ trị, hoá trị, nếu mắc COVID-19  bệnh dễ có nguy cơ diễn biến nặng hơn.

Không riêng gì bệnh ung thư, người bệnh có các bệnh lý nền mạn tính khác  như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận ...có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn và nếu mắc thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn so với những người  không mắc các bệnh kèm theo này. Vậy công tác sàng lọc với bệnh nhân ung thư có gì khác biệt so với người không mắc bệnh? 

Theo BS Huyền, tại Bệnh viện K thực hiện công tác sàng lọc COVID-19 hàng ngày kể cả ngày nghỉ lễ (24/24) đối với tất cả cán bộ y tế, người đến khám bệnh, người nhà người bệnh và cả người bệnh đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Với riêng người bệnh điều trị tại bệnh viện, đã khảo sát tờ khai y tế và theo dõi sát những người có biểu hiện về triệu chứng hô hấp, ho, sốt ....Tất cả các khoa, phòng điều trị nội trú đều được bố trí khu vực khám, cách ly cho những người có dấu hiệu lâm sàng, dịch tễ nghi ngờ.

Các bác sĩ Bệnh viện K khám cho người bệnh 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người bệnh sử dụng các thuốc điều trị ung thư (hóa trị) có thể gây biến chứng hạ bạch cầu, sốt, viêm phổi... Vì thế, nếu người bệnh bị sốt khi đang hóa trị nhưng sau khi khai thác kỹ không có yếu tố dịch tễ hay tiếp xúc gần với người nghi nhiễm COVID-19 thì không có gì đáng lo ngại, sẽ tiếp tục theo dõi và điều trị tại bệnh viện.

Nhìn chung, các phương pháp dự phòng COVID-19 đối với bệnh nhân ung thư không có gì khác biệt so với người bình thường, nhưng người bệnh ung thư cần lưu ý, thận trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của Bộ Y tế một cách triệt để, nghiêm ngặt hơn và quan trọng nhất là cần chia sẻ thông tin chính xác với cán bộ y tế để công tác này được triển khai hiệu quả nhất.

Nhiều bệnh nhân lo ngại dịch bệnh nên trì hoãn không dám đến viện khám, thậm chí có người còn muốn tạm ngừng điều trị, theo BS Huyền, điều trị bất kỳ bệnh nào, không riêng gì bệnh ung thư, việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị luôn được ưu tiên hàng đầu.

 "Tuy nhiên tại thời điểm hiện nay, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi rất chia sẻ và thấu hiểu nỗi lo lắng của người bệnh khi đến khám và điều trị. Nhưng với trách nhiệm của mình, các bác sỹ, điều dưỡng, cán bộ y tế trực tiếp điều trị cho người bệnh sẽ tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn và đưa ra những lời khuyên để người bệnh yên tâm hơn khi đến điều trị tại bệnh viện" - BS Huyền khuyến cáo.

Người có bệnh không nên trì hoãn việc đến bệnh viện khám trong thời điểm dịch khi chúng ta thực hiện tốt biện pháp phòng tránh

Theo Trưởng Khoa Nội 6, Bệnh viện K tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để tất cả những người có biểu hiện như mệt mỏi, sút cân, ho ra máu, đi ngoài ra máu, phát hiện u, cục, hay nhận thấy dấu hiệu bất thường của cơ thể thì nên chủ động đến khám tầm soát ung thư tại bệnh viện K hoặc cơ sở chuyên khoa uy tín. Bởi nếu vì lo lắng dịch bệnh lan rộng, mà bỏ qua “thời điểm vàng” để phát hiện sớm và điều trị ung thư hiệu quả thì hậu quả để lại với sức khỏe còn đáng lo ngại hơn rất nhiều.

Ngoài ra với những người bệnh đã điều trị ổn định, không có dấu hiệu bất thường, đến lịch tái khám thì có thể trao đổi với bác sĩ để hẹn lùi ngày, không cần thiết phải đến khám ngay trong thời điểm cao điểm dịch bệnh.

Không những thế, Bệnh viện K đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa lây lan bệnh truyền nhiễm, đảm bảo an toàn cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế. Đặc biệt, bệnh viện đã tăng cường các biện pháp bảo hộ cho người bệnh ung thư đang điều trị và sau điều trị; tích cực sàng lọc, theo dõi sát người bệnh ung thư lớn tuổi hoặc có bệnh lý kèm theo.

Để đảm bảo an toàn cho người bệnh và những người đến bệnh viện trong thời điểm dịch bệnh, Bệnh viện K đã triển khai bố trí 2 phòng khám cách ly riêng trên 2 container (được đặt cách biệt với khu khám bệnh và khu điều trị nội trú). Hai phòng khám và cách ly được trang bị đầy đủ theo hướng dẫn Bộ Y tế, trường hợp người đến bệnh viện có dấu hiệu nghi ngờ sẽ được hướng dẫn và đưa đến khu vực này. Bên cạnh đó, tại các khoa lâm sàng cũng bố trí buồng cách ly riêng đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19.

Tr.Hằng
.
.