Trà sữa trân châu: Nỗi lo ý thức người kinh doanh và khâu quản lý

Thứ Sáu, 26/01/2018, 23:29
Sáng 26-1, một số phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin về trường hợp cô bé Trần Thu U. (14 tuổi, Cam Lâm, Khánh Hòa) đã tử vong chiều 25-1 vì suy đa tạng do nghi ngộ độc trân châu trong trà sữa.


Trước đó, ngày 11-1, bé U. mua trà sữa gần nhà uống rồi bị đau bụng dữ dội, nôn ói ra hạt trân châu trong trà sữa kèm theo sốt cao, tiêu chảy. Cháu được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu. Ngày 18-1, do tình trạng quá nặng nên bệnh nhi được chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh tiếp tục điều trị. Tại đây các bác sĩ xác định cháu bị suy hô hấp, tổn thương đa tạng, sốc nhiễm trùng, suy thận cấp, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa.

Tuy nhiên, TS Lâm Quốc Hùng -Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc, Cục ATTP – Bộ Y tế cho biết, hiện chưa có đủ cơ sở để kết luận nguyên nhân tử vong là do ngộ độc trà sữa trân châu như thông tin một số tờ báo đưa. Bởi hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành xác minh nguyên nhân tử vong của cháu bé Trần Thu U. và chưa có kết luận cuối cùng.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng, trà sữa trân châu không phải là nguyên nhân, vấn đề trong vụ việc cụ thể này có thể nghi ngại ở quy trình chế biến sản phẩm có được kiểm soát và có đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) hay không mà thôi.

Theo TS. Lâm Quốc Hùng, trà sữa trân châu là sản phẩm không có hại, thậm chí còn tốt cho sức khỏe nếu được kinh doanh, chế biến theo đúng các quy định, điều kiện về ATVSTP. Kể cả những hạt trân châu có màu sắc sặc sỡ, nếu là hàng có nguồn gốc xuất xứ, được chế biến bằng phụ gia, phẩm màu trong danh mục Bộ Y tế cho phép thì cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. 

Trà sữa trân châu là sản phẩm đang được  kinh doanh phổ biến trên thị trường và được nhiều người ưa chuộng. Trên thực tế, việc kinh doanh sản phẩm này được quản lý theo đúng các quy định về ATVSTP, từ điều kiện vệ sinh cơ sở kinh doanh, nguyên liệu chế biến…

Nỗi lo ngại ở trà sữa trân châu là ý thức người sản xuất, kinh doanh 

Vì thế, cũng giống như các loại thực phẩm khác, trà sữa trân châu chỉ có hại cho sức khỏe trong trường hợp người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận mà cố tình làm trái quy định pháp luật, kinh doanh gian dối, nguyên liệu nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hay điều kiện vệ sinh cơ sở không đảm bảo.

TS Lâm Quốc Hùng lưu ý, vấn đề quan trọng là người tiêu dùng cần phải biết bảo vệ sức khỏe bằng việc tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ở các cửa hàng điều kiện vệ sinh không đảm bảo, các hàng ăn uống đường phố không đáp ứng yêu cầu quy định về ATTP. Việc chế biến trà sữa trân châu không đảm bảo vệ sinh có thể bị nhiễm khuẩn, hoặc nguyên liệu trân châu nhập lậu, sử dụng phụ gia, phẩm màu ngoài danh mục cho phép, thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

TS. BS Hồ Thu Mai-một chuyên gia về dinh dưỡng cho hay, uống trà sữa không rõ nguồn gốc đồng nghĩa với nguy cơ mỗi ngày bạn uống một lượng hóa chất độc hại cho cơ thể. Sử dụng trà sữa trong một thời gian dài có nguy cơ bị nhiễm độc thực phẩm mãn tính. Vì thế, không nên sử dụng trà sữa không rõ nguồn gốc của nguyên liệu. Hơn nữa, việc kết hợp giữa trà và sữa sẽ làm triệt tiêu các công dụng của trà, đẩy nhanh quá trình đào thải canxi của sữa trước khi cơ thể được hấp thu.

 Một cuộc khảo sát ở các chợ cung cấp nguyên liệu trà sữa của các nhà báo đã cho thấy vô vàn nhãn hiệu trân châu, hương liệu pha chế trà sữa không có nguồn gốc, chất lượng. Việc kiểm soát từ khâu sản xuất, phân phối nguyên liệu trên thị trường đều đã thấy chưa thật sự đảm bảo thì khi nguyên liệu đã đưa về các quán trà sữa, việc kiểm soát chất lượng càng gần như bỏ ngỏ. Vì thế, cũng thật khó tìm thấy câu trả lời về mức độ an toàn của trà sữa trước thực trạng này.

Thực tế mới đây tại Hà Nội, ngày 16-1 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phát hiện số lượng lớn nguyên liệu các loại trà và sữa để pha chế trà sữa không rõ nguồn gốc. 

Tại kho hàng của Công ty TNHH Heekcaa Việt Nam (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện hơn 2.000 túi trà có nhãn mác nước ngoài đang được cắt bao bì và đóng gói sang các bao bì bằng giấy bạc khác, dán tem mác của một số công ty sản xuất chế biến chè uy tín của Việt Nam, cùng với hơn 100 hộp sữa đặc loại 5kg nhãn hiệu Zhejiang. Nhưng Công ty không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số nguyên liệu trên.

Vào ngày 19-1, tại hộ kinh doanh trà sữa DingTea (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa), đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của TP Hà Nội đã phát hiện 3 thùng hạt trân châu có mẫu giống nhau nhưng chỉ 2 thùng có giấy tờ hợp lệ.

Trước đó, cơ quan chức năng đã kiểm tra một số cửa hàng trà sữa Feeling Tea tại Hà Nội thì phát hiện 7/8 cửa hàng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, sử dụng nguyên liệu không rõ xuất xứ như trà xanh, hạt chân trâu, bột kem để pha chế trà sữa thành phẩm bán ra thị trường.

Thanh Hằng
.
.